Thời điểm này, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thì tại Hà Tĩnh đang "nóng" lên một phong trào tình nghĩa của các cụ, các mẹ. Phong trào ấy đang từng ngày nối tiếp nhau tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, tác động vào tâm lý, nhận thức của người dân trước dịch bệnh. Các cụ, các mẹ ấy đã ở tuổi "thất cổ lai hi", nhưng vẫn hăng hái tham gia hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh.
Ở Hà Tĩnh trong những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ, các mẹ hay những người phụ nữ xách từng túi gạo, mang từng nắm rau đến khu cách ly để hỗ trợ địa phương trong công tác phục vụ cậu cần, tiếp tế những người đang cách ly và lực lượng đang làm nhiệm vụ. Mắt đã mờ, gối đã mỏi nhưng mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (SN 1933, trú tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) vẫn đi bộ vượt quãng đường dài, trên tay xách hai túi gạo đến điểm cách ly hỗ trợ địa phương phòng dịch COVID-19. Đã xấp xỉ tuổi 90, nhà cụ Ba chẳng có gì ngoài những luống rau ở vườn. Cụ sinh được 3 người con, nhưng con trai đầu đã hi sinh tại chiến trường.
Cụ Ba kể, nghe những câu chuyện về lực lượng chiến sĩ, công an, y tế đang ngày đêm căng mình phòng chống dịch bệnh, cụ lại nhớ về những trận chiến năm xưa. Cụ muốn mình phải làm một việc gì đó nhưng nhà lại không có tiền, chỉ có ít gạo. Thế rồi cụ đưa 5kg gạo để ủng hộ, góp thêm khẩu phần ăn cho con em, cán bộ đang ở trong khu vực cách ly. "Chống dịch như chống giặc. Đó là phương châm và khẩu hiệu trong đợt dịch này mà tôi thường nghe loa đài, truyền hình... Thấy bộ đội, công an và y bác sĩ đang làm hết sức mình bảo vệ tuyến đầu mà tôi rất thương, lại nhớ đến hình ảnh cậu con trai. Nay mình già rồi, sức không có để cống hiến nên chỉ mang ít gạo ủng hộ chung tay phòng dịch", cụ Ba chia sẻ.
Tại thôn Kỳ Phong, không chỉ riêng cụ Ba mà còn có bà Trần Thị Bình (73 tuổi), là thương binh cũng xách gạo đi bộ hơn 2km đến khu cách ly để ủng hộ địa phương phòng chống dịch. Hình ảnh các cụ, các mẹ đi bộ, xách những túi gạo, bó rau đến ung hộ khu cách ly khiến nhiều người cảm động. Với nụ cười hiền hậu, bà Bình chia sẻ, khi được chị em Hội liên hiệp phụ nữ kêu gọi ủng hộ khu cách ly, bà mang một ít gạo của gia đình đến hỗ trợ. Có thể đó là món quà không nhiều giá trị vật chất nhưng ở thời điểm này, mỗi người một ít gom góp có thể tạo nên việc lớn.
Ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho biết, ở xã Thạch Đài, phong trào ủng hộ phòng chống dịch ngày càng có tính lan tỏa trong cộng đồng. "Những hành động,việc làm này rất có ý nghĩa đối với xã hội trong công tác phòng chống dịch. Như cụ Ba, người mẹ liệt sĩ nhiều tuổi rồi nhưng vẫn đi bộ đến để ủng hộ. Những hình ảnh ấy khiến nhiều người cảm động, từ đó mà họ cũng noi theo…", ông Hải nói.
Cụ Tửu lấy số tiền mình dành dụm, tích góp được để ủng hộ các điểm cách ly trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hành động của cụ Nguyễn Thị Tửu (101 tuổi, trú tại khối phố 8, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) dành toàn bộ số tiền mình tiết kiệm được để mua 2 tấn gạo ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 khiến nhiều người mến mộ, khâm phục trước tấm lòng của cụ. Số gạo ấy được cụ trao cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 30/3 để cấp cho các cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh. Cụ Tửu chia sẻ, những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều thông tin về hoạt động cùng hỗ trợ chung tay phòng chống dịch nên cụ đã bàn với con cháu và rút số tiền mình tiết kiệm được để mua 2 tấn gạo ủng hộ vùng cách ly.
"Tôi mong muốn được góp một phần nhỏ của mình chung tay cùng xã hội phòng chống đại dịch. Toàn bộ số gạo đó được mua từ số tiền tôi tích góp tiết kiệm được. Cùng chung tay chống dịch, đây là việc chung của toàn xã hội, không chỉ là việc cá nhân nữa", cụ Tửu nói.
Trước việc làm này, Trung tá Đặng Văn Định, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, đơn vị đã tiếp nhận 2 tấn gạo của cụ Tửu trao. Đây là việc làm khiến nhiều người cảm kích trong thời điểm cả nước đang chung tay phòng chống dịch. Số gạo này sẽ được cấp phát cho các điểm tập trung cách ly của tỉnh Hà Tinhc để tăng khẩu phần ăn cho công dân trong thời gian tập trung.
Ở Hà Tĩnh, không chỉ riêng cụ Ba, cụ Tửu, bà Bình… mà hình ảnh cụ ông Nguyễn Văn Thái (91 tuổi, trú ở thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) với gương mặt khắc khổ, gầy gò trên chiếc xe đạp cũ chở gạo, rau và mang 20.000 đồng đến khu cách ly để ủng hộ phòng dịch khiến nhiều người xúc động.
Trong chiến tranh, tiền tuyến lớn cần có hậu phương lớn. Còn trong cuộc chiến chống dịch bệnh hôm nay, những người ở điểm đầu rất cần điểm tựa tinh thần. Có lẽ, hơn ai hết ở thời điểm chống dịch này, con người Việt Nam mới cảm nhận được tinh thần đoàn kết dân tộc ngay thời bình. Những hạt gạo, bó rau có thể giá trị vật chất không cao nhưng mang nhiều ý nghĩa, nhất là tác động mạnh mẽ đến tinh thần những "chiến sĩ" tuyến đầu chống dịch. Những hành động của người dân Hà Tĩnh trong những ngày này sẽ là lời nhắn gửi, động viên mạnh mẽ nhất đến với những người đang ở tuyến đầu chống dịch và cả những công dân đang được cách ly tập trung vì COVID-19.
Chủ đề liên quan:
Covid 19 dịch bệnh đoàn kết dân tộc khu cách ly nghĩa tình phòng chống dịch bệnh xã hội