Kinh tế xã hội hôm nay

Những làng mới Hàn Quốc trên đất Thái Nguyên

(MangYTe) Sau gần 7 năm thực hiện thí điểm mô hình làng mới Saemaul của Hàn Quốc tại tỉnh Thái Nguyên, những địa phương nằm trong vùng dự án của tỉnh đã thu được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế.

Bnews Sau gần 7 năm thực hiện thí điểm mô hình làng mới Saemaul của Hàn Quốc tại tỉnh Thái Nguyên, những địa phương nằm trong vùng dự án của tỉnh đã thu được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế.

Từ đó, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông thôn mới ở địa phương.
*Đổi mới vượt bậc ở Phú Nam 1
Từ năm 2017 trở lại đây, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã có những thay đổi vượt bậc, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Lương.
Bí thư chi bộ xóm Phú Nam 1, chị Đàm Thị Châm cho biết, tất cả là nhờ vào chương trình hỗ trợ xây dựng làng mới Saemaul – Hàn Quốc. Chương trình được thực hiện tại xóm từ năm 2017 đến 2021 với hướng triển khai dựa trên đặc điểm sẵn có của xóm, đó là xây dựng “Làng chuyên canh cây chè” trên diện tích gần 50 ha.
Chị Châm cho hay, ở thời điểm ban đầu, chất lượng chè chưa cao, người dân vẫn trồng nhiều loại giống chè khác nhau và chưa có thương hiệu chè chuyên canh, việc tiêu thụ thông qua nhiều trung gian nên không được giá. Chương trình đã hỗ trợ cho lãnh đạo xã, Bí thư Chi bộ và trưởng xóm được tham gia khóa đào tạo học tập Phong trào làng mới Saemaul Undong tại Hàn Quốc trong thời gian gần 2 tháng.
Chị Châm chia sẻ: “Cái lớn nhất mà khóa học mang lại cho chúng tôi đó là được tận mắt chứng kiến cách mà người dân nông thôn Hàn Quốc vươn lên từ nội lực thấp. Chúng tôi được đến những ngôi làng trù phú mà trước đây bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai hoặc những vùng không có tư liệu sản xuất, vậy mà người dân Hàn Quốc lại có thu nhập cao từ những nơi này. Chúng tôi nhận ra rằng, điều quan trọng là sự đồng lòng của người dân, quyết tâm phát huy sức mạnh từ chính những gì mình đã có”.
Trở về sau khóa học, việc đầu tiên mà Phú Nam 1 triển khai là họp dân để thông qua kế hoạch hành động. Việc xây dựng đường bê tông thôn xóm về các ngõ, hộ gia đình đặt lên hàng đầu. Theo đó, Nhà nước đã đầu tư toàn bộ một tuyến đường trục chính từ xã về trung tâm xóm thì nay người dân phải đối ứng để nối dài huyết mạch về nhà và ra nương chè.

Chỉ hơn 1 năm sau, toàn bộ đường giao thông trong xóm Phú Nam 1 đã được hoàn thiện. Công việc quan trọng tiếp theo là thống nhất toàn xóm chung một ý chí thực hiện cải tạo, phát triển nương chè theo hướng chè VietGAP, chè hữu cơ.
Để cây chè phát triển bài bản, xóm Phú Nam 1 đã thống nhất thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 do bà Nguyễn Thị Hoàng làm Giám đốc. Hợp tác xã có 11 hộ tham gia với 15 ha chè tập trung, áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Điều kiện quan trọng để được làm thành viên của hợp tác xã là phải tuân thủ phương thức thực hành nông nghiệp tốt. Bà Hoàng cho biết, ban đầu, nhiều thành viên cũng có sự bỡ ngỡ, nhưng sau cũng quen và khi nhận thấy nhiều “cái được” trong việc triển khai quy trình VietGAP thì các thành viên đều chủ động tự giác làm theo.
Bà Nguyễn Thị Nương, là thành viên của hợp tác xã cho biết, gia đình bà có 1 ha chè, sau khi tham gia sản xuất theo quy trình mới, chất lượng chè được nâng lên, đồng nghĩa với việc chè được giá và điều quan trọng là môi trường sống được cải thiện rõ rệt, thu nhập của gia đình cũng cao hơn.
Hiện nay, sản phẩm chè của hợp tác xã có giá từ 150.000 - 500.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với giá chè canh tác theo phương pháp cũ. Xóm Phú Nam 1 đã được công nhận là làng nghề chè xuất sắc tại Lễ vinh danh các làng nghề của huyện Phú Lương. Xóm cũng vinh dự được đón nhận danh hiệu xóm nông thôn mới tiêu biểu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, nhiệm vụ của hợp tác xã là tiếp tục duy trì và phát triển sự ổn định về giá trị, chất lượng của sản phẩm chè Phú Nam. Trước mắt, hợp tác xã đã xây dựng lộ trình để sản xuất chè hữu cơ, dần dần đưa toàn bộ diện tích độc canh cây chè của xóm sang canh tác an toàn, bền vững. Phú Nam 1 phấn đấu trở thành điểm đến trong các tour du lịch sinh thái trải nghiệm đồi chè hình mẫu tại địa phương.
*Xây dựng nông thôn mới
Saemaul Undong còn được biết đến với các tên gọi khác như Phong trào Cộng đồng mới, Phong trào Làng mới, Phong trào Saemaul… là một sáng kiến chính trị đưa ra vào ngày 22/4/1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc.
“Cần cù - Tự lực - Hợp tác” là những khẩu hiệu để khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển. Tại Việt Nam, Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) bắt đầu triển khai dự án từ năm 2005, đến nay đã xây dựng được 8 làng thí điểm theo mô hình Saemaul tại 5 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Hậu Giang.
Tại tỉnh Thái Nguyên, mô hình này được triển khai tại hai xóm gồm: Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương và xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa.

Trong gần 7 năm qua, tại hai xóm này, Quỹ SGF đã thực hiện việc cải tạo, mở rộng đường thôn xóm; xây mới Trạm biến áp 220 kV; xây dựng Nhà văn hóa và mua sắm trang thiết bị; lắp đặt hệ thống đèn đường; hỗ trợ hệ thống tưới chè bằng van xoay; xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 trại chăn nuôi thỏ; hỗ trợ máy móc thực hiện dự án sản xuất miến dong...

Điều này đã tạo động lực cho người dân đoàn kết cùng nhau xây dựng làng nông thôn mới với tinh thần Saemaul, hướng đến xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Quỹ SGF tại Việt Nam cho biết, mục tiêu chính của Quỹ SGF trong việc triển khai dự án là nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý, quản trị tại địa phương; thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực cho người dân; cải thiện môi trường sống và nâng cao thu nhập.

Mục tiêu nâng cao thu nhập là mục tiêu quan trọng nhất, bởi các vùng nông thôn khó có điều kiện tiếp cận thị trường vì căn bản họ không đủ thông tin và kênh bán hàng.
Vì vậy, Quỹ SGF định hướng tập hợp, liên kết tất cả các Hợp tác xã Saemaul ở mọi nơi, trở thành một liên minh hợp tác xã và sẽ phát triển cụm liên kết này, đưa liên kết này vào thị trường thông qua các hoạt động quảng bá marketing.

Như vậy, người dân của các làng Saemaul sẽ được tiếp cận thị trường dễ dàng hơn thông qua chuỗi cung ứng sản phẩm Saemaul và hệ thống bán hàng trực tuyến.
Có thể nói, mô hình làng mới Saemaul tại Thái Nguyên bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Nguyên và cộng đồng dân cư vùng dự án đánh giá cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên./.

Mạng Y Tế
Nguồn: BNews (https://bnews.vn/nhung-lang-moi-han-quoc-tren-dat-thai-nguyen/165847.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY