Tâm linh hôm nay

Những Lời Phật dạy (phần cuối)

Lý thuyết Duyên sinh hay còn gọi là Nhân duyên sinh hay Duyên khởi là lý thuyết quan niệm về sự xuất hiện, tồn tại của vạn vật và hiện tượng. Trong bài kinh Nhân Duyên của bộ kinh Trung A hàm, Phật dạy rằng: “Ai hiểu thấu được lý nhân duyên thì người đó sẽ thấy đạo”.

NHỮNG LỜI PHẬT DẠY, NỀN TẢNG CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

Giáo lý của đạo Phật hay nói một cách khác là Những lời đức Phật dạy, có rất nhiều điểm khác xa với các tôn giáo khác. Đó là những quan niệm, là cách nhìn đối với vũ trụ và nhân sinh. Những quan niệm ấy chi phối và thể hiện một cách nhất quán, một cách toàn diện trong toàn bộ các giáo lý của đạo Phật.

Vì vậy khi tiếp xúc với giáo lý đạo Phật, tìm hiểu những điều ta cần phải khái quát qua những quan điểm cơ bản của đạo Phật mà trong một điều kiện nào đó, nhìn dưới góc độ lăng kính triết học, mới thấy hết được những điểm vô cùng sâu sắc và vi diệu. Những điểm đó chính là nền tảng của hệ thống triết học Phật giáo.

Nói cụ thể hơn là cần phải thấu suốt những vấn đề then chốt, những quan niệm đặt nền móng cho những giáo lý mà Đức Phật thường giảng giải. Những quan niệm ấy, trước hết, đã thể hiện một nền triết học vô song bên cạnh các nền triết học khác đã ra đời cùng thời với sự xuất hiện của nền triết học Phật giáo.

Hệ thống triết học Phật giáo cho đến nay có thể chia ra bốn trường phái triết học chính khác nhau, bao gồm Nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ, Duy thức tông và Trung quán tông[1]. Các tác phẩm của hệ thống lý luận các trường phái triết học này phát triển rất nhiều, có thể kể ra như: Bát Nhã luận, Trung quán luận, Thập nhị môn luận, Giới luật, Luận A Tỳ Đạt Ma, Nhân minh luận, Đại thừa khởi tín luận, Đại trí độ luận, Duy thức luận v.v…Đó là những bộ luận chính trong hệ thống triết học Phật giáo do các vị Tổ đã luận bàn về những vấn đề cốt lõi và cơ bản của triết lý đạo Phật vào những thế kỷ sau, sau khi Đức Phật tịch diệt.

Tất cả những luận đó đều dựa vào những quan điểm triết học cơ bản của Đức Phật đã giảng giải trong các giáo lý của Ngài mà bàn luận và phát triển hoặc củng cố thêm.

Ỏ đây, ta chỉ nghiên cứu những quan điểm cơ bản về vũ trụ và nhân sinh quan trong hệ thống triết học Phật giáo nói chung mà không đi sâu vào nội dung của các phái. Trước hết, ta hãy điểm qua những nền triết học trên thế giới ra đời vào cùng thời kỳ triết học Phật giáo ra đời.

Những nền triết học ra đời sớm vào thế kỷ thứ VII đến thứ V trước công nguyên tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như Hy Lạp,Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, La Mã v.v…đã đặt nền móng cho các hệ tư tưởng về thế giới quan và nhân sinh quan của nhân loại. Ví như:

* Nền triết học cổ đại Hy Lạp hình thành vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên (TCN) mà đại biểu là các nhà triết học Socrate (470–399 TCN), Platon (427-347 TCN), Aristote (384–322 TCN), Epicure (341-270 TCN), Démocrite (460-370 TCN), và nhiều triết gia khác. Nền triết học này đã tập trung giải quyết hai vấn đề chính: một là mối liên hệ giữa nguyên nhân và hệ quả và hai là bản chất và khởi thủy của thế giới tồn tại.

* Nền triết học cổ đại Ấn Độ quan tâm đến nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu quan tâm đến vấn đề con người, vì vậy nó là nền triết lý nhân sinh. Muc đích của các nền triết học Ấn Độ là đạt đến sự giải thoát, lấy đạo đức làm chính. Hệ thống triết học Ấn Độ chia làm nhiều trường phái khác nhau.

* Nền triết học cổ đại Trung Quốc bắt đầu hình thành từ thời Xuân Thu (770 – 475 TCN) và Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Nền triết học này nhấn mạnh tinh thần nhân văn. Đó là triết học nhân sinh, triết học về đạo đức, chính trị, lịch sử. Điển hình là Khổng Phu Tử (551-479 TCN) và Lão Tử (khoảng thế kỷ thứ IV TCN).

* Nền triết học La Mã là nền triết học kế thừa truyền thống của triết học Hy Lạp, kế thừa những tư tưởng duy vật của Démocrite. Những nhà triết học tiêu biểu thời kì đó như: Lucretius (99-55 TCN) và Ciceron (106-43 TCN).

* Cùng trong khoảng thời gian các nền triết học trên thế giới ra đời thì đạo Phật cũng hình thành với hệ thống lý luận triết học hoàn thiện và siêu việt do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (624-544 TCN) đề xướng.

Sự ra đời của các nền triết học và triết lý Phật giáo đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của tư tưởng con người. Điều đó thực sự là một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức vì đã cung cấp cho con người những kiến thức hoàn bị về thế giới quan và nhân sinh quan cùng những phương pháp luận để nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới, đồng thời cũng đã chỉ ra vị trí và vai trò của con người.

Riêng đối với Phật giáo, những giáo lý của đạo Phật qua hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển đã thể hiện một hệ thống tư tưởng triết học vượt xa các trào lưu tư tưởng triết học khác đã xuất hiện kể cả ở phương Đông và phương Tây.

Nghiên cứu về những giáo lý của đạo Phật, nhiều nhà bác học phương Tây đã công nhận hệ thống giáo lý của đạo Phật, xét ở tầm cao, đã thể hiện là một nền triết học Phật giáo siêu việt, vì đã đề cập một cách toàn diện tất cả những quan điểm cơ bản về vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan mà các hệ thống triết học và các tôn giáo hiện hữu không hoặc chưa đề cập đến[2]. Các nhà bác học như triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin (1809-1882), Viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900), Tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), nhà bác học người Anh T.W. Rhys Davids (1843-1922), và đặc biệt là nhà bác học Mỹ gốc Do Thái Albert Einstein (1879-1955), Giải thưởng Nobel, chủ nhân của Thuyết Tương Đối, là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây. Albert Einstein đã từng phát biểu về Đạo Phật như sau : “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.

Ở Mỹ, hiện nay có Giáo sư người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận (Người Hà Nội, sinh 1948) là một nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông là một nhà văn, một triết gia, là Phật tử, một nhà Phật học đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về sự tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông đã từng nói: “Tôi nghĩ vấn đề tâm linh rất quan trọng với một nhà khoa học vì khoa học không thể cho chúng ta biết cái gì phải hoặc trái, chỉ có tâm linh như là đạo Phật mới cho ta biết, chỉ cho chúng ta một cách sống sao cho phải với gia đình và người khác xung quanh chúng ta”.

Tất cả các nhà bác học kể trên đều có những tác phẩm và những phát ngôn ca tụng giáo lý đạo Phật xem như một hệ thống triết học vượt lên trên các nền triết học và tôn giáo khác.

Phạm Đình Nhân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nhung-loi-phat-day-phan-cuoi-d15844.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY