Từ đó da trở nên khô, nứt, tróc vảy và ngứa. Điều này làm khởi phát hoặc nặng thêm các bệnh da vốn đã tiềm ẩn như viêm da cơ địa (chàm thể tạng), mày đay do lạnh, vảy nến, viêm da tiết bã...
Người bệnh viêm da cơ địa có làn da khô và nhạy cảm. Do vậy khi vào mùa lạnh, tình trạng viêm da cơ địa càng trở nên nặng hơn. Người bệnh không nên mặc áo len hoặc vải sợi tổng hợp tiếp xúc trực tiếp trên da vì sẽ gây kích ứng. Các chuyên gia khuyên nên tránh gió lạnh và nếu phải mặc quần áo ấm thì dùng loại có lớp vải cotton tiếp xúc trực tiếp với da.
Trong bệnh vảy nến, các tế bào da sản xuất ở tốc độ nhanh hơn bình thường, tạo nên các mảng da viêm tróc vảy. Da càng khó giữ ẩm hơn, trở nên khô, nứt. Ngoài ra, bệnh nhân cần cảnh giác với triệu chứng viêm họng do liên cầu (thường gặp trong mùa lạnh) để được khám và điều trị sớm vì vi khuẩn này có thể làm khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến.
Có thể nói thời tiết lạnh là “kẻ thù” của những ai mắc các bệnh da dị ứng nói chung và bệnh mày đay nói riêng, nhất là mày đay do lạnh. Bên cạnh việc sử dụng các loại Thu*c kháng dị ứng để điều trị, biện pháp đơn giản nhưng cần thiết nhất là giữ ấm cơ thể để thời tiết lạnh không kích thích phát triển triệu chứng.
Bệnh viêm da tiết bã cũng nặng hơn khi thời tiết lạnh. Một trong những biện pháp điều trị viêm da tiết bã là sử dụng thường xuyên loại dầu gội trị gầu, nhưng ngược lại cũng làm cho da khô hơn. Do đó, trong mùa lạnh người bệnh viêm da tiết bã càng phải chú ý đến tình trạng bệnh của mình để đến khám kịp thời.
Như vậy, người có một trong các bệnh da nói trên cần chú ý nhiều hơn trong mùa lạnh và thực hiện một số nguyên tắc chăm sóc cho da nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh trở nặng. Các nguyên tắc dưới đây cũng có thể áp dụng cho những người da bình thường nhưng có dấu hiệu khô, kích ứng do bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh.
Mùa đông, nhiệt độ và độ ẩm thấp dễ dẫn đến da khô và nứt nẻ.
Việc tắm hàng ngày: Nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút (vì nhiều hơn sẽ làm cho da khô) và không nên tắm nhiều hơn 1 lần/ngày. Không nên tắm nước nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Dùng nước hơi âm ấm thì tốt hơn. Chỉ nên dùng xà phòng dịu nhẹ, không có hương liệu hoặc dùng các chất làm sạch thay thế xà phòng mà có tính giữ ẩm. Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn vì sẽ làm mất lớp dầu trên bề mặt da, gây khô da.
Sử dụng chất giữ ẩm: Bôi chất giữ ẩm trong vòng 3 phút ngay sau khi tắm, lúc đó da vẫn còn ẩm ướt. Nếu da khô nhiều và cảm thấy khó chịu có thể bôi chất giữ ẩm nhiều lần trong ngày. Chọn loại giữ ẩm phù hợp nhất để trị khô da. Dạng mỡ và kem hiệu quả và thường ít gây kích ứng cho da khô hơn là dạng dung dịch. Không nhất thiết phải chọn loại giữ ẩm đắt tiền. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dưỡng ẩm hiệu quả với giá cả hợp lý. Những sản phẩm giữ ẩm thường chứa các hoạt chất giúp da giữ nước và làm dịu da như lactic acid, urea, hyaluronic acid, dimethicone, glycerin, lanolin, dầu khoáng và petrolatum. Nếu không biết phải chọn loại nào thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu để có sản phẩm phù hợp với da của mình.
Thời tiết lạnh nên mặc trang phục đủ ấm, mang khăn choàng cổ và đeo găng để giữ cho môi và 2 bàn tay không bị khô, nứt nẻ. Có thể sử dụng thêm son dưỡng môi giữ ẩm để phòng ngừa và điều trị môi khô, nứt nẻ. Trong trường hợp da rất khô, mỗi ngày chỉ nên rửa sạch mặt 1 lần vào ban đêm. Buổi sáng chỉ rửa mặt nhẹ nhàng với nước. Trong mùa lạnh, người ta thường ít uống nước nên càng làm cho tình trạng khô da nặng hơn. Do vậy hàng ngày cần uống đủ lượng nước cần thiết nhằm góp phần cải thiện tình trạng da khô. Sử dụng kem chống nắng cũng cần thiết trong mùa lạnh tương tự như các tháng hè nắng nóng. Việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày, nhất là khi ra ngoài trời trong khoảng thời gian có chỉ số cực tím cao, giúp làm chậm quá trình lão hóa do ánh nắng và giảm nguy cơ ung thư da.
Tóm lại, trong mùa lạnh, cần thực hiện tốt những nguyên tắc chăm sóc nói trên để có làn da khỏe mạnh và giúp phòng ngừa các bệnh da có sẵn trở nặng.
Chủ đề liên quan:
chăm sóc da mùa lạnh