Kinh tế xã hội hôm nay

Những phận người lam lũ dưới chân cầu Long Biên

MangYTe - Đối lập với cuộc sống hiện đại, sầm uất ở trung tâm Thủ đô là xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên với những mảnh đời khó khăn, hàng ngày mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau để sinh tồn.

Xóm ngụ cư nghèo giữa lòng Thủ đô

Đi sâu vào con hẻm 127 phố Phúc Xá (quận Ba Đình – Hà Nội), chúng tôi tìm đến "xóm ngụ cư Long Biên" - nơi hàng chục người lao động nghèo đang sinh sống. Để di chuyển vào "xóm ngụ cư" chúng tôi phải di chuyển qua con đường nhỏ với ngổn ngang rác thải, mùi trái cây hỏng, mùi rác… bốc lên nồng nặc.

"Xóm ngụ cư" là nơi sinh sống của đông đảo người dân nghèo từ khắp mọi miền quê như: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định… lên Hà Nội mưu sinh, họ làm đủ thứ nghề từ cửu vạn, nhặt rác, bán hàng rong.

"Xóm ngụ cư" dưới chân cầu Long Biên là nơi sinh sống của những người nghèo khó.

Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết (70 tuổi) đã khăn gói từ Thái Bình lên đây hơn 10 năm qua để mưu sinh, chia sẻ: "Hơn 10 năm trước, tôi rời quê Thái Bình lên "xóm ngụ cư" để mưu sinh. Trong suốt quãng thời gian đó, gia đình tôi lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ cạnh sông Hồng. Nhưng từ năm 2017 đến nay, thấy cuộc sống trên sông nước nguy hiểm lại khó khăn nên tôi quyết định chuyển lên bờ thuê nhà dù căn phòng trọ chật chội lại ẩm thấp".

Trong căn phòng trọ chật hẹp chẳng khác nào túp lều ấy không có bất cứ một vật dụng gì đáng giá. Không chỉ làm lụng nuôi thân, bà Tuyết còn phải chăm nom đứa cháu hơn 20 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo.

Bà Trần Thị Tuyết đang khoe với PV hình ảnh chiếc thuyền nhỏ đã gắn bó với gia đình bà gần 10 năm.

Gạt đi giọt nước mắt, bà Tuyết kể về đứa cháu trai: "Bố mất sớm, mẹ thì bệnh tật nên tôi nuôi cháu từ nhỏ, trong quãng thời gian học từ lớp 1 đến lớp 12 năm nào cũng được nhận giấy khen. Nhưng, ông trời bất công với hai bà cháu tôi khi học xong phổ thông đứa cháu bất ngờ đổ bệnh hiểm nghèo".

Dù cháu mắc bệnh, cuộc sống đầy khó khăn nhưng bà Tuyết luôn dành tất cả tình thương yêu với cháu mình. Bà kể: "Hàng ngày để có tiền trang trải cho cuộc sống của hai bà cháu, cứ 1h sáng tôi đi nhặt tôm rơi tại chợ đầu mối Long Biên rồi bán kiếm tiền, mỗi ngày cũng được từ 60.000 – 70.000 đồng".

Để tránh nắng nóng, bà Tuyết phải dùng nước dội lên nhiều vị trí tường, trần căn phòng trọ.

Ngoài thời gian đó, bà Tuyết cùng nhiều người khác trong "xóm ngụ cư" lại đi lang thang khắp nơi nhặt rác, nhặt túi nilon về phơi khô bán kiếm tiền. Bà nói, hôm nào khỏe có thể nhặt rác đem bán được chừng 20.000 – 25.000 đồng. Với bà, đó là may mắn khi thu nhập mỗi ngày ngót 100.000 đồng, đủ lo cơm cháo, sinh hoạt cho hai bà cháu là thấy hạnh phúc lắm rồi.

Nhưng tuổi già cũng đã khiến bà Tuyết cảm thấy yếu đi trông thấy những năm gần đây. Khi trái gió trở trời, bà cố gượng dậy để đi nhặt tôm rơi, rác thải kiếm sống nhưng không được. Bà và đứa cháu lại phải cơm cháo qua ngày hoặc nhờ hàng xóm mua cho ít đồ ăn…

Khổ mãi cũng thành quen

Với hoàn cảnh của bà Trần Thị Ba (74 tuổi, trú tại Hải Hậu – Nam Định) lại càng khiến bất cứ ai chứng kiến cũng không khỏi rớm nước mắt. Dù đã bước sang tuổi 74 nhưng người con trai 35 tuổi mà bà hết mực thương yêu lại mắc bệnh tâm thần. Thành ra, dù nhiều tuổi nhưng con trai bà Ba cũng chỉ như "đứa trẻ không chịu lớn".

Bà ngậm ngùi kể: "Tôi sinh được 2 người con, người con trai đầu thì mắc bệnh tâm thần, người con gái thứ 2 không bị bệnh nhưng do cuộc sống thời xưa quá khó khăn nên đã cho một gia đình người Mỹ nhận nuôi".

Hoàn cảnh khổ tâm, bà Ba nuôi thêm chú chó để bầu bạn.

Cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn, khổ cực nên năm 1995, bà cùng người con trai tha hương lên Hà Nội kiếm sống, gắn bó với "xóm ngụ cư" hơn 20 năm qua.

Con trai bà Ba bị tâm thần nên không thể làm được việc gì, chính vì vậy bà trở thành lao động chính để lo cơm cháo qua ngày. Nếu khỏe mạnh, thời tiết nắng ráo thì bà Ba thường đi nhặt rác, giấy vụn để bán cho các điểm thu mua. Bà nói: "Mỗi ngày nếu chăm chỉ từ sáng đến tối cũng được từ 30.000 – 70.000 đồng, nhưng dạo này nắng nóng quá cũng không đi được nhiều nên mỗi ngày chỉ được chừng 40.000 đồng thôi".

Chiếc giường chật chội, ẩm thấp nơi bà Ba ngả lưng nghỉ ngơi.

Ngồi trong căn phòng trọ lụp xụp, nhiều mảng được quây bằng tấm bạt cũ nát, hơi nóng cứ thế phả xuống nhưng bà Ba vẫn lạc quan nói: "Quần áo, mảnh vải, mảnh xốp cũ đều được tôi tận dụng che vào trần nhà bằng tấm fibro-xi măng để bớt nóng. Bao năm nay tôi cũng chịu cảnh này quen rồi nên cũng không than vãn gì. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để đi nhặt rác, lo cơm cháo qua ngày cho con".

Cũng trong "xóm ngụ cư", bà Vũ Thị Phương lại gặp hoàn cảnh vô cùng éo le. Một mình bà suốt 8 năm qua nuôi mẹ già nằm liệt giường bằng nghề bán trà đá.

Nói về hoàn cảnh của mình, bà Phương gạt đi giọt mồ hôi trộn nước mắt nói: "4 giờ sáng tôi đã phải thức dậy đun nước, hãm chè, sau đó cho mẹ ăn sáng rồi mới đi bán hàng được".

Nghề bán trà của bà Phương cũng không được thuận lợi, nhàn nhã như những người khác. Để có nhiều khách, bà phải dùng xe đẩy đi khắp các góc trong chợ Long Biên cũng như khu vực xung quanh để bán hàng.

Bữa trưa muộn lúc 17h chiều của hai mẹ con bà Phương chỉ là ít bánh cuốn mua từ sáng sớm.

Nhìn mẹ già nằm liệt giường, bà quặn lòng chia sẻ: "Nhiều hôm tôi đi làm về chứng kiến cảnh mẹ già lăn xuống đất từ khi nào, lúc đó tôi chỉ biết ôm mẹ rồi khóc nức nở. Nhưng nếu tôi cứ ở nhà chăm mẹ thì không biết kiếm đâu ra tiền để trang trải cho cuộc sống. Giờ cứ đi bán hàng vài tiếng là tôi lại phải ghé về nhà trông nom mẹ".

Bà Phương ngậm ngùi kể thêm về hoàn cảnh gia đình của mình. Cách đây hơn 10 năm, chồng bà mất vì T*i n*n khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn từ dạo ấy. Dù gia đình có 2 người con nhưng phải để ở quê nhờ họ hàng chăm sóc…

Cái nghèo không bao giờ làm vơi bớt nụ cười của đám trẻ nhỏ ở xóm trọ này.

Dịch COVID-19 vừa qua cũng khiến cuộc sống của bà Phương bị ảnh hưởng, bà nói: "Dịch nên công việc đình trệ dẫn đến thu nhập bị sụt giảm, thậm chí không có thu nhập trong vòng nhiều ngày. Chính vì vậy thời gian trước, tôi và mẹ hàng ngày phải sử dụng mì tôm, gạo trắng để qua cơn đói. Giờ cuộc sống cũng ổn hơn, mẹ tôi thích ăn gì là mình cố gắng chắt chiu mua bằng được để mẹ đỡ thèm".

Mỗi hoàn cảnh tại "xóm ngụ cư" là một câu chuyện dài nhưng dù khó khăn, vất vả, cực khổ đến mấy, những con người ở đó vẫn luôn cố gắng để có một cuộc sống tốt hơn.

Phạm Hà - Lê Cúc - Lan Hương

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-phan-nguoi-lam-lu-duoi-chan-cau-long-bien-20200727120833814.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY