Bức ảnh lan truyền về cái lán bé ọp ẹp được dựng nên chỉ vì ở đó có mạng internet giúp chàng trai nơi núi rừng có thể học tập khiến ai cũng rưng rưng. Thành thị, nông thôn chuyện học online thì đơn giản nhưng với Mí Xá thì quả là khó.
Bạn chia sẻ: “Được nghỉ học bản thân cảm thấy vừa vui, vừa buồn. Vui là được ở nhà phụ giúp thêm bố mẹ, buồn là vì em không chuẩn bị được giáo trình và quê em không có internet nên việc rất khó khăn”.
Những tưởng khó khăn sẽ làm nản chí cậu nhưng không, cậu vẫn cố gắng theo đuổi việc học đến cùng. Cậu lấy điện thoại thử đi đoạn đường vào bản, vô tình trên màn hình xuất hiện sóng 4G (mua và nạp tiền từ tiền dành dụm khi chạy xe ôm ở Hà Nội), cậu nghĩ ra cách dựng một cái lán đóng ở chỗ có sóng để tiện cho việc học online.
“Thấy được sóng điện thoại, em quyết định dựng lán gỗ, làm một cái giường rồi che bạt để học. Tối hôm đầu tiên vừa dựng xong rủ hai đứa bạn sang ngủ cùng thì nước mưa rơi xuống người nên bị ướt hết. Em về nhà anh rể mang thêm bạt ra che lại, nên giờ em yên tâm, thoải mái rồi”, Mí Xá vui vẻ kể. Mí Xá dựng lán từ 8 giờ sáng đến xế chiều. “Giờ học xong sớm thì em về nhà, không thì ngủ lại cũng được”, Mí Xá nói.
Mí Xá phải vừa học vừa làm để có tiền theo học đại học |
Lầu Mí Xá sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng cao nguyên đá (xã Sủng Trái, H.Đồng Văn, Hà Giang), hiện là sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia. Gia đình Mí Xá có 3 anh chị em nhưng anh trai đã qua đời.
“Mùa làm nương thì gia đình cả ngày ở nương, bữa ăn hằng ngày cũng chỉ quanh quẩn mèn mén (làm từ hạt ngô tẻ, món ăn của người vùng cao - PV), canh rau cải, bí...”, Mí Xá kể.
Khi học xong lớp 9, chị gái lấy chồng ở xa. Khi đó, bố mẹ nhắc Mí Xá lấy vợ rồi ở nhà phụ giúp việc gia đình nhưng cậu tiếp tục ôn luyện thi vào Trường Nội trú tỉnh Hà Giang. Chia sẻ với Thanh Niên, Mí Xá cho biết, đến khi học xong lớp 12, bố mẹ cậu vẫn chưa từ bỏ ý định thúc giục lấy vợ. Thế nhưng, Mí Xá vẫn quyết đi học cho bằng được.
Mặc dù biết chặng đường tìm kiếm con chữ sau khi học xong THPT vô cùng khó khăn nhưng cậu vẫn quyết định học đại học dù bố mẹ không đồng ý. “Em đã biết việc học sẽ không dễ dàng chút nào nhưng em vẫn muốn học để bản thân mình hiểu hơn về cuộc sống, pháp luật. Rời quê xuống thủ đô, vừa học, vừa làm thêm để có tiền mà không phải xin bố mẹ”, Mí Xá tâm sự. Khó khăn lớn nhất mà cậu gặp là hằng tháng phải xoay đủ để đóng tiền trọ.
|
Trao đổi với Thanh Niên, cô Lý Kim Bình (Phòng QLĐT và Phát triển nhân lực hành chính, Học viện Hành chính quốc gia) cho biết mình biết được câu chuyện của Mí Xá qua một sinh viên khác trong trường. Cậu là tấm gương để những bạn sinh viên miền núi, những nơi còn gặp nhiều khó khăn phấn đấu, cố gắng học tập.
“Tôi cũng liên lạc Xá để biết được tình hình học tập của em và thấy rất cảm động nên chia sẻ để mọi người cùng biết. Nghị lực của Xá thể hiện tinh thần vượt khó, cố gắng để miền núi theo kịp miền xuôi. Tôi cũng nhắc nhở em nếu khó khăn quá thì phải báo với địa phương, đồn biên phòng để được hỗ trợ và giúp đỡ tốt nhất, đáp ứng được việc học”, cô nói.
Nghỉ học, cậu thường hay về quê phụ giúp gia đìnhẢnh: NVCC |
Chủ đề liên quan:
chàng trai Dịch Covid 19 dựng lán giữa rừng học online học viện hành chính quốc gia Lầu Mí Xá mạng xã hội online trên mạng xã hội