Cuộc họp kéo dài 9 tiếng của các bộ trưởng năng lượng các nước sản xuất giàu mỏ do Saudi Arabia chủ trì, đã kết thúc với sự đồng thuận rất lớn.
22 trong 23 quốc gia trong nhóm OPEC + đã chấp nhận giảm sản lượng tới 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6, tương đương 23% so với mức sản xuất của tháng 10/2018.
Nga và Saudi Arabia sẽ giảm từ 8,5 triệu đến 11 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, Mexico từ chối giảm 400.000 thùng mỗi ngày theo đề nghị mà chỉ đồng ý cắt giảm 100.000 thùng/ngày.
Trước khi đạt thỏa thuận, Saudi Arabia đã có cuộc điện đàm ba bên giữa Quốc Vương Salman bin Abdul-Aziz Al Saud, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin.
Có thể rất nhiều mặc cả và ngã giá được đưa ra, nhưng “các bên đã xác nhận cam kết phối hợp các hành động nhằm ổn định tình hình trong thương mại dầu toàn cầu và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá dầu đối với nền kinh tế thế giới”, một thông cáo báo chí ngắn gọn của Kremlin cho biết.
Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được cũng chỉ là sự khởi đầu thuận lợi. Việc các bên có tuân thủ những cam kết mới là điều người ta quan tâm.
Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, tổng thống Mỹ Trump đã có cuộc điện đàm ba bên tiếp theo với Quốc vương Salman bin Abdul-Aziz Al Saud và tổng thống Vladimir Putin kéo dài 1 tiếng rưỡng và gửi lời chúc mừng về những gì đạt được.
Sau đó, tổng thổng Putin lại có cuộc điện đàm với Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận chi tiết hơn về cách thức Nga-Saudi Arabia giải quyết vấn đề này. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai người kể từ khi cuộc chiến giá dầu giữa Moscow và Riyadh bùng nổ.
Những cuộc điện đàm con thoi này cho thấy cả Nga và Saudi Arabia sẵn sàng hạ nhiệt vì lợi ích chung và hy vọng các quốc gia sản xuất dầu khác cũng sẽ cam kết thực hiện thỏa thuận, để bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo phó chủ tịch công ty dầu lửa tư nhân lớn nhất nước Nga, Leonid Fedun, một trong số ít người chỉ trích ý tưởng Nga chia tay OPEC +, chia sẻ rằng, nếu thỏa thuận không đạt được, kho dầu toàn cầu sẽ đầy trong 40-45 ngày nữa. Nga sẽ phải đóng băng các mỏ dầu của mình và bán với mức giá 15-20 USD/thùng.
Song, theo thỏa thuận mới, ông trùm dầu mỏ của Nga nhận định, giá dầu dự kiến sẽ dao động trong phạm vi 30-40 USD/thùng và mang lại cho Nga từ 70 triệu đến 80 triệu USD mỗi ngày. Điều này khiến cho thỏa thuận trở thành sự lựa chọn hợp lý.
Song, ông Leonid Fedun cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng 2,5 triệu thùng mỗi ngày lại không phải là một thành công của Nga.
Trong khi đó, nhà bình luận của hãng truyền thông Svobodnaya Pressa, Alexey Ilyashevich, cho rằng ông Trump mới là người chiến thắng và cho thấy bàn tay của ông chủ Nhà Trắng trong thỏa thuận này.
Nhà bình luận này cho rằng, ông Trump đã bắt “thóp” đối thủ trong cuộc chơi này và lái Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia xuất khẩu dầu đi theo kịch bản của mình. Vì việc cả Nga và Saudi Arabia đều đồng ý trở lại bàn đàm phán và sẵn sàng thỏa hiệp.
Vào tháng 3, Nga đã từ chối cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Còn bây giờ Nga phải cắt giảm từ 2,5 triệu thùng đến 2,8 triệu thùng mỗi ngày. Có đáng để Nga chia tay OPEC + vào tháng 3 hay tiếp tục ở lại chỉ để thực hiện nghĩa vụ thậm chí còn lớn hơn việc cắt giảm sản lượng?
Moscow và Riyadh sẽ phải rút hàng triệu thùng khỏi thị trường trong khi Washington - chỉ hàng trăm nghìn. Cùng với đó, Mỹ là một người chơi có thể phản ứng với sự thay đổi giá một cách linh hoạt hơn. Họ vẫn ở một vị trí đặc quyền, Alexey Ilyashevich bình luận.
Một số nhà phân tích thị trường dầu mỏ Nga thậm chí còn bi quan hơn về sự sụp đổ cuối cùng của thỏa thuận mới cho Moscow. Mikhail Krutikhin, một đối tác tại RusEnergy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Moscow, chuyên giám sát và phân tích ngành công nghiệp dầu khí của Nga và trong các khu vực hậu Xô Viết khác, cho biết thỏa thuận mới này sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Nga.
Có một số 180.000 giếng dầu đang hoạt động ở Nga. Để giảm sản lượng 23%, họ phải đóng khoảng 14.000 giếng. Trung bình, một giếng sản xuất 9,5 tấn dầu mỗi ngày. Để so sánh, ở Saudi Arabia, một giếng sản xuất 1.000-2.000 tấn mỗi ngày. Điều này có nghĩa là Nga phải đóng cửa giếng gấp 16 lần.
Bây giờ, để ngừng hoạt động, các công ty sẽ phải tắt điện cho các giếng dầu, ngừng cấp nước cho họ, v.v… Về mặt kỹ thuật, nó không phức tạp nhưng nó khó tiếp tục sản xuất tại các giếng này sau đó.
Nếu các giếng như vậy không hoạt động trong khoảng hai tháng, dầu hỏa và hợp chất stearin hình thành sẽ phải được làm sạch. Ở phía bắc, nơi có hầu hết các mỏ dầu của Nga, các giếng cũng bị đóng băng, hydrat khí của hydrocarbon được hình thành và người ta sẽ phải sử dụng dung môi, lấy máy bơm ra để làm sạch, v.v…
Theo chuyên gia Mikhail Krutikhin, việc cắt giảm sản lượng sẽ kéo theo một loạt tác động. Nga sẽ phải mở các nguồn lực dự trữ để duy trì hoạt động sản xuất và không có tiền để mở khoản tích lũy mới.
Điều này sẽ xảy ra tình trạng thậm hụt ngân sách và để áp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chính phủ buộc phải cắt giảm xuất khẩu.
“Điều này có nghĩa là ngay cả khi thỏa thuận OPEC + mới có giá dầu tăng nhẹ, thu nhập ngân sách nhà nước sẽ ít đi vì cắt giảm xuất khẩu. Đây là một thảm họa tài chính. Hậu quả đối với người bình thường sẽ rất khủng khiếp”, Mikhail Krutikhin nói.
Có lẽ, để tránh những hệ lụy nghiêm trọng này, Bộ Năng lượng Nga nhấn mạnh rằng thỏa thuận này chỉ là dự kiến và có thể được điều chỉnh.
“Chúng tôi đồng ý rằng khung thời gian cho thỏa thuận là hai năm. Đây là khung thời gian có hiệu quả nhất đối với thị trường, để gửi tín hiệu rằng các nước nghiêm túc trong việc thực hiện các biện pháp khôi phục tình hình trên thị trường, để khôi phục cân bằng cung cầu ", Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói sau cuộc hội đàm.
Bộ trưởng Năng lượng Nga chia sẻ rằng nếu tình hình thị trường cải thiện nhanh hơn dự kiến, các quyết định sản xuất có thể được thay đổi. Ông Alexander Novak cũng cho biết, các công ty Nga đã sẵn sàng cho việc cắt giảm sản lượng và chính phủ đã liên hệ với các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty dầu khí.
Mặc dù có thể đối mặt với nhiều thách thức, nhưng không ít người cho rằng Gấu Nga không dễ dàng để chịu thiệt thòi như thế. Chắc chắn tổng thống Trump phải có những nhượng bộ để ông Putin có cơ hội hay lợi thế để thực hiện một kế hoạch khác ngoài sân chơi dầu mỏ…
Chủ đề liên quan:
các nước xuất khẩu dầu mỏ chiến thắng giá dầu giá xăng dầu OPEC OPEC+ giảm sản lượng dầu kỷ lục sản lượng saudi arabia