Sáng 13/5, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết một số thông tin liên quan tình hình sức khoẻ bệnh nhân 91 - người duy nhất được đánh giá là nguy kịch hiện nay.
Hiện, kết quả CT scan phổi cho thấy hai phổi của nam phi công Vietnam Airlines đã xơ hoá, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Người đàn ông 43 tuổi quốc tịch Anh này hiện phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh nhân tiếp tục có tiên lượng xấu. Trước đó, chiều 12/5, Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét tình hình, các chuyên gia có chỉ định ghép phổi cho nam phi công.
Tiểu ban Điều trị tiếp tục giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị hồi sức cho bệnh nhân. Đặc biệt, trước khi ghép, bệnh viện phải có sự chuẩn bị tốt nhất. Đó là bệnh nhân đã hoàn toàn sạch virus SARS-CoV-2, điều trị nhiễm trùng tích cực.
Ngoài ra, theo BS Châu, sau khi có nguồn tạng cho phù hợp, tương thích, đủ thủ tục pháp lý, bệnh nhân có sự chuẩn bị tốt nhất sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để chuẩn bị ghép phổi.
Đến sáng nay, bệnh nhân nằm yên/an thần, mạch và huyết áp ổn định, có dùng Thu*c vận mạch liều thấp. Ống dẫn lưu màng phổi có dịch màu vàng phớt hồng ít, không ghi nhận xuất huyết khác.
Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO. "Tính đến nay, chi phí điều trị cuả bệnh nhân đã lên 3 tỷ đồng" - BS Châu cho hay.
Sáng 6/4, bệnh nhân được ê-kíp đặc nhiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) ngay tại phòng cách ly áp lực âm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu.
Bệnh nhân này có yếu tố béo phì (cao 1m83, nặng 100kg, chỉ số khối cơ thể là 30,1). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại Thu*c rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua Thu*c hiếm từ nước ngoài để điều trị cho người này.
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi).
Sau 56 ngày điều trị, 37 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 18, hiện bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.