Bé trai Quốc Cường, 4 tuổi, nằn nì: "Mẹ ở nhà với con". Bé gái lớn Minh Ngọc, 5 tuổi, thường ngày rất tự lập, biết giúp mẹ trông em nhưng hôm nay lại nũng nịu, sà vào bên mẹ, hỏi "sắp đến sinh nhật con rồi mẹ còn đi?".
Ngày 5/5, xã mão điền, huyện thuận thành, phát hiện ca mắc covid-19 đầu tiên của tỉnh bắc ninh. đêm đó, chị chiền được trung tâm y tế thuận thành điều động tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Chị ngồi bệt xuống đất, lấy tay xoa đầu hai con, ôm các con vào lòng rồi dặn dò ăn uống, học hành. Chồng chị ngồi bên cạnh, không nói, nhưng ánh mắt nhìn vợ không rời. Sau lần bị điện giật, anh mất một bên chân, teo một cánh tay, không còn khả năng lao động. Số lương 4,7 triệu đồng và 300 nghìn tiền trực hàng tháng của chị Chiền phải chia nhỏ từng phần sao cho vừa vặn với 4 miệng ăn. Ngôi nhà gia đình chị đang ở cũng là đi mượn của một người thân trong dòng họ.
Chị lại gần, nắm tay chồng: "Anh ở nhà tự biết chăm lo cho bản thân. Em sẽ gửi tiền nhờ mợ thỉnh thoảng mua thức ăn mang đến. Giờ em đưa con sang gửi bà nội, nhờ bà từ mai đưa các cháu đi học. Chuyến này chắc em phải đi dài ngày anh ạ".
Dứt lời, chị một tay bế Quốc Cường, một tay dắt Minh Ngọc, bước đi trong đêm gửi hai con sang nhà bà nội. Mẹ chồng chị năm nay cũng ngoài 70 tuổi, đang sống một mình trong ngôi nhà cũ mượn tạm bưu điện.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Chiền. Ảnh: Cao Tuân
Đến tâm dịch, chị Chiền vào guồng quay công việc. Ngoài nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm..., chị làm đủ thứ việc không tên, kể cả khuân vác đồ. Mỗi ngày, chị chỉ ngủ 3 tiếng, có đêm không ngủ, không ăn nổi vì mệt. "Có ngày tôi chỉ uống sữa hoặc oresol", chị nói.
Có hôm, vừa ngồi vào bàn ăn thì báo động vang lên, chị Chiền lại vội vã đứng lên đi làm nhiệm vụ ngay. Chị kể: " Dọc đường, mọi người hỏi chuyện, có lần tôi chẳng thể nhớ mình đã ăn cơm chưa. Thế nhưng, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, bởi sau lưng còn cả một gia đình phải gánh vác".
Nhiều đêm xong việc cũng đã sang ngày mới, nỗi nhớ con cồn lên, nhưng chị không thể gọi vì các con đang ngủ. Hôm trước, Quốc Cường bị ốm, đòi mẹ, gọi cho chị hỏi: "Sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?", chị Chiền không biết trả lời ra sao, chỉ biết dỗ dành con.
Ngày 14/5 là sinh nhật của Minh Ngọc. Trước dịch, chị hứa sẽ tặng cho cháu búp bê công chúa Elsa - món quà cô bé mơ ước. Nhưng đang bận dịch thế này, chị đành thất hứa với con.
Sáng 24/5, những ca bệnh đầu tiên của huyện Thuận Thành được công bố khỏi bệnh và xuất viện, chị Chiền mừng rỡ. Chị lạc quan nhẩm tính rất có thể chỉ ít ngày nữa, khi dịch bệnh được khống chế, chị bớt việc, có thời gian chọn quà gửi về tặng con nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Chị nghĩ đến bữa cơm sum vầy đầm ấm bên gia đình. Sau đó, chị sẽ ôm chồng con ngủ một giấc đã đời.
Đếv 6h chiều, vừa đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã Mão Điền về, chị nhận được thông báo của cấp trên rằng huyện Thuận Thành có thêm chùn ca mắc mới, mọi người phải khẩn trương lên đường ngay.
Chị lặng người, môi mấp máy nói không thành tiếng. Toàn thân nữ điều dưỡng ướt đẫm mồ hôi sau khi bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít, hai bàn tay phồng rộp, da nhăn nheo do đeo găng tay cả ngày. Vẫn như mọi lần, chị không than thở một lời và là người đầu tiên lên xe đến điểm dịch.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của chị Nguyễn Thị Chiền (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp tại tâm dịch huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Cao Tuân
Không chỉ riêng ổ dịch thuận thành, bắc ninh mà nhiều nơi khác cũng chứng kiến covid-19 bùng phát mạnh. bắc giang là một trong những điểm nóng với 1.543 ca nhiễm.
Bác sĩ Hoàng Vân Yến, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang được điều động tham gia chống dịch tại bệnh viện. Chị may mắn hơn chị Chiền vì ở nhà có bà nội và chồng hỗ trợ. Tuy không tham gia vào công tác truy vết, xét nghiệm song công việc ở khoa khiến chị lu bù, mất khái niệm đêm ngày. Nhiều hôm ngơi tay, chị mới sực nhớ chưa ăn cơm, điện thoại xuất hiện hàng chục cuộc gọi nhỡ từ các con và chồng.
"Con trai lớn nay 16 tuổi, hiểu chuyện hơn song luôn nhắc mẹ, hỏi mẹ bao giờ về, còn con gái nhỏ mới 4 tuổi khóc đòi mẹ nhưng chúng tôi chỉ có thể nhìn nhau qua màn hình điện thoại", chị Yến kể.
Thỉnh thoảng nhớ con, muốn gọi điện về nhà nhưng sợ làm bọn trẻ thức giấc. "Nhớ con không thể ngủ". Với chị, khó khăn nhất là trả lời câu hỏi "bao giờ mẹ về, con sợ mẹ nhiễm bệnh". Những lúc đó, chị cố động viên con, "khoe" bộ bảo hộ kín mít để mọi người yên tâm.
"Ước gì không có dịch thì giờ này đang cùng con ăn cơm rồi hướng dẫn con trai lớn học bài", chị Yến nói. "Cuộc sống bình yên bỗng đảo lộn hết".
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bắc ninh và bắc giang hiện là hai điểm nóng covid-19 lớn nhất cả nước. đến sáng 27/5, bắc ninh ghi nhận 624 ca nhiễm, trong đó huyện thuận thành có số ca cao nhất với hơn 400 bệnh nhân. tại bắc giang, tuy được chi viện song số lượng người cần xét nghiệm lớn, nhân viên y tế phải luôn tay luôn chân với hàng nghìn mẫu cần xử lý.
Anh Thanh Xuân, công tác tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, cho biết các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cấp độ 4, liên tục làm việc trong 4-5 tiếng, dưới tiết trời oi bức. Nhiều anh chị bị mất nước, chóng mặt, choáng váng. Có trường hợp ngất đi, sau khi được đồng nghiệp sơ cứu hồi sức, cởi bỏ đồ bảo hộ thì mới dần hồi tỉnh.
Những đêm ở tâm dịch mệt nhọc, không thể chợp mắt, chị Yến lại trải lòng vào những vần thơ:
Những người lính tuyến đầu không ngủ
Những chuyến đi chưa định ngày về
Bầu trời Việt Yên rực sáng chân đê
Phụ lão, bé thơ trong cơn mê thảng thốt.
Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.
Chủ đề liên quan:
Chân dung sức khỏe covid-19 Covid-19 bắc giang Covid-19 Bắc Ninh phỏng vấn phút chia li người mẹ đi chống dịch