An toàn thực phẩm hôm nay

Quản chặt an toàn thực phẩm từ gốc, không để “dịch chồng dịch”

(MangYTe) - Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với nguy cơ lây lan dịch bệnh, vấn đề mất an toàn thực phẩm cũng đang là mối lo lớn của xã hội thời gian qua. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý, có biện pháp kiểm soát chặt từ gốc các loại thực phẩm, không để “dịch chồng dịch”.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa và các chuỗi cung ứng nông sản ở nhiều nơi bị gián đoạn, trong khi vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý mua thực phẩm tích trữ. Việc này không chỉ gây ra bất ổn thị trường, tiểu thương tăng giá sản phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), bởi một số đối tượng lợi dụng tuồn thực phẩm không an toàn ra thị trường, các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, có những hành vi gây mất an toàn thực phẩm như sử dụng Thu*c kích thích cho cây trồng, vật nuôi.

Lực lượng chức năng kiểm tra ATTP một cơ sở kinh doanh ở quận Hà Đông

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Phạm Thanh Hương cho biết, qua việc lấy mẫu thịt, thủy sản, rau, trái cây từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 12/224 mẫu (chiếm 4,92%) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã lấy 800 mẫu rau tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn TP, phát hiện 21 mẫu có dư lượng Thu*c bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và đã xử lý theo quy định. Ngoài ra, trạm chăn nuôi và thú y của 30 quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra xử lý 1.236 trường hợp vi phạm. Các đoàn thành tra đã buộc phải tiêu hủy 2 con lợn, 26 con gia cầm, 450kg thịt trâu bò kém chất lượng.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy, các loại thực phẩm đang bày bán trên thị trường tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP rất cao. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, giao nhận, dự trữ, chế biến… thiếu thuận lợi và các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Chia sẻ về những tồn tại và khó khăn trong việc kiểm soát ATTP, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, để kiểm soát tốt ATTP trên thị trường thì vấn đề đầu tiên là phải kiểm soát chặt từ đầu vào, tức là quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobaalGAP… nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.

Trong khi đó, quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng. Tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp. “Những nguyên nhân kể trên khiến việc quản lý ATTP khó khăn, chất lượng lương thực, thực phẩm cung cấp ra thị trường không cao” – bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.

Tăng cường thanh tra, kiểm soát từ gốc

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để kiểm soát ATTP từ gốc, Sở đã chỉ đạo gắn công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng bền vững, đảm bảo ATTP. Mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh Thu*c bảo vệ thực vật; hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… Qua thanh tra, kiểm tra 161 lượt cơ sở, các ngành chức năng đã phát hiện 44 cơ sở vi phạm, chiếm 27,3%. Xử lý 105 trường hợp với số tiền 673 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ thêm, để quản lý chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường, Sở NN&PTN Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hình thành các khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ. Tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông lâm thủy sản. Hướng dẫn, hỗ trợ các DN đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh, TP phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông lâm thủy sản an toàn.

Trên cơ sở những khó khăn trong công tác quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng khu kinh tế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, giao thương, gồm 1 chợ đầu mối quốc tế mà TP đã có chủ trương xây dựng để kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi xuất khẩu và đưa vào thị trường nội địa.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/quan-chat-an-toan-thuc-pham-tu-goc-khong-de-dich-chong-dich-429085.html)

Tin cùng nội dung

  • Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng 29/5 yêu cầu Công ty công viên cây xanh và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn, không để gây nguy hiểm cho học sinh.
  • Đắk Lắk: Cây phượng cổ thụ cao 10m trong trường bật gốc ngay sát giờ học
  • Chiều 26/5, Bộ NNPTNT gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng.
  • Bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19, mùa hè cũng dễ bùng phát nhiều dịch bệnh khác nhất là sốt xuất huyết; người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, tránh để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”.
  • Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lan trên diện rộng. Hơn nữa, từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng mạnh trên khắp cả nước...
  • TP HCM vừa ghi nhận có 6 ổ dịch sốt xuất huyết ở 7 phường, xã thuộc 4 quận, huyện, tăng 2 ổ bệnh mới so với tuần trước
  • Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Kiên quyết chống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus chủng mới corona trên người đang diễn ra hết sức phức tạp.
  • (MangYTe) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.
  • Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.
  • Cúm H5N1 trở lại sau gần 2 năm vắng bóng. Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng tốc. Bộ Y tế lo dịch sẽ chồng dịch.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY