“Ăn Tết quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, dân gian đã dạy thế, với ý nhắn nhủ rằng, trong mười hai cái rằm của một năm, ngày Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng Nguyên) được coi là ngày Rằm quan trọng, thiêng liêng nhất trong năm.
Đó là ngày Tết hướng thiên cầu phúc an lành, mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên, là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện và ngắm trăng. Ở nhiều vùng, Rằm tháng Giêng được coi là một dịp Tết muộn, người ta gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn và bày biện cỗ bàn rất linh đình. Mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp này cũng rất quan trọng, với ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.
Nhiều nhà thích dâng cơm mặn, nhiều món ngon, nấu nướng kỳ công y như trong Tết, với hy vọng một năm mới no đủ, dồi dào tài lộc. Cũng có những gia đình vẫn quan niệm Rằm tháng Giêng mở đầu năm mới là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm. Thêm nữa, cả Tết các cụ đã được dâng cúng mâm cơm mặn, đầu năm đổi vị một chút cũng hay. Bên cạnh cơm canh, nhiều người dân cúng Rằm tháng Giêng còn thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Cúng chay hay mặn là thói quen, quan niệm và nhu cầu riêng của từng gia đình. Nhưng cùng với sự hào hứng, tiếp cận văn hóa ăn chay của những người trẻ, gia đình trẻ, cúng chay đã trở thành một Với những nguyên liệu thanh lành, đa phần từ các cỏ cây tự nhiên, sẵn có của mỗi vùng miền như rau trái theo mùa, dễ kiếm, dễ mua hoặc đồ khô như các loại nấm, mộc nhĩ, măng, rong biển hay đậu xanh, mì căn, các loại hạt, đậu nhiều dinh dưỡng (hoặc có một chút trứng không trống, một chút sữa và các chế phẩm từ sữa, tùy theo quan niệm)... món chay cũng có thể thịnh soạn, gây ngỡ ngàng chẳng kém gì món mặn.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay, nhất là cỗ chay Hà Nội, đó là chúng ta dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Màu đỏ của cà rốt (hành hỏa), màu xanh của rau xanh, củ màu xanh (hành mộc), màu đen của nấm hương, mộc nhĩ (hành thủy), hạt sen, củ sen trắng (hành kim) và màu vàng của phù trúc (hành thổ) là những nguyên liệu quen thuộc nhất.
Món chay, kể cả nấu từ những nguyên liệu đắt đỏ, nhập khẩu như rong biển, rau câu, đậu gà… cũng tuân theo nguyên tắc cân bằng, thanh đạm và hài hòa từ màu sắc đến hương vị như thế. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, và như thế, cỗ chay là nghệ thuật chế biến để đạt tới sự cân bằng, sao cho vừa đẹp mắt, ngon miệng, đủ dinh dưỡng mà vẫn nhẹ nhàng, tinh tế.
Cỗ chay Rằm tháng Giêng tùy loại, tùy độ cầu kỳ có thể có từ 10, 12 đến 25 món/mâm. Nếu không có thời gian bày biện, nấu nướng hoặc không quen nấu món chay, các bà nội trợ cũng có thể mua, đặt cỗ chay nấu sẵn với giá khoảng 400 - 1,5 triệu đồng/mâm.
Người ta khởi duyên đến với ăn chay cũng nhiều lẽ. Có người ăn chay trong những ngày rằm, mùng một hoặc ăn chay trong một thời gian khi cần cần nguyện/tạ ơn một điều gì đó quan trọng (cầu tự, cầu vượt qua bạo bệnh, cầu công danh thành đạt..).
Có người ăn chay để làm thanh tịnh tâm hồn sau những lo toan trăn trở, bộn bề của cuộc sống. Có người ăn chay để bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài sinh vật đang dần bị mai một vì con người.
Có người ăn chay chỉ để thưởng thức một nét ẩm thực đặc biệt, khác biệt hoàn toàn với những sơn hào hải vị đã quen nếm mỗi ngày. Cũng có những người ăn chay để bảo vệ sức khỏe, ngừa cao huyết áp, giảm cân, giảm lượng cholesterol trong máu...
Vì thế, các món ăn trong cỗ chay cũng ngày càng được tìm tòi để hướng tới cách chế biến công phu, ngon và đẹp mắt, khiến người thưởng thức luôn tìm thấy những cảm giác thú vị và trải nghiệm ẩm thực khác nhau.
Cỗ chay ngày Rằm, giản dị thì chỉ cần rau củ luộc hoặc xào, đậu phụ chiên sả/kho xì dầu, nem rau củ, chả đậu nấm hương, canh rau củ... Cũng có người cầu kỳ làm các món giống nư món mặn như ốc chuối đậu chay, cá kho chay, gà chay, giò chả chay, canh chua chay…
Thời gian gần đây, một xu hướng đồ chay mới xuất hiện và đang rất được lòng giới mê ẩm thực, đó là món chay lai Âu, Á. Nét đặc biệt của dòng chay này, ấy là nó rất hiện đại, gần gũi với xu hướng eat clean - ăn xanh. Thay vì chuộng những món mất quá nhiều thời gian nấu nướng, chiên xào nhiều, những món chay “lai” ẩm thực Á, Âu này thu hút những tinh hoa của ẩm thực chay thế giới, dùng nhiều rau củ, chế biến healthy, tránh xa các thực phẩm đóng gói và sử dụng thực phẩm ở “gần với hình thức nguyên thủy của chúng nhất”.
Nhưng như thế không có nghĩa, dòng chay này “xuề xòa” hơn cách nấu cỗ truyền thống. Những món thường thấy trong mâm cỗ chay kiểu mới này có thể là salad, xúp rau củ, canh nấm, bánh xèo, bún chay… và các món hầm kèm nước xốt đặc chế. Ăn chay theo hướng hiện đại không chỉ quẩn quanh với rau, nấm, đậu phụ, cũng không chạy theo kiểu giả mặn dùng nhiều thực phẩm đóng gói, mà chú trọng độ tươi và lành, kết hợp nhiều phong cách ẩm thực Á, Âu.
Muốn mâm cỗ thực sự tươi và ngon lành, tốt cho sức khỏe, người nấu sẽ phải rất tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu và “cao tay” trong nấu nướng, bày biện. Ví dụ, rau củ chọn những loại tươi ngon, nấm hảo hạng, nước dùng hầm kỹ, cách chế biến đa dạng, còn cách bài trí món ăn theo phong cách hiện đại. Không có đạm động vật, chỉ là rau củ nhưng nhờ sự phối trộn màu sắc thực phẩm tự nhiên, hài hòa giữa rau xanh trái đỏ sẽ làm món ăn trở nên hoàn mỹ.
Chị Trương Thị Lê Nhung, chủ của một trong những bếp online theo xu hướng hiện đại chia sẻ, nấu thức ăn chay thực ra khó hơn thức ăn mặn, vì “người nấu chay phải nấu ăn mặn rất giỏi, tinh tế trong nêm nếm để hiểu khẩu vị của người quen ăn động vật. Nấu món chay cũng cần cân bằng các chất dinh dưỡng, hương vị và cố gắng đa dạng tối đa các loại thực phẩm, trong cả hai hình thức ăn tươi và nấu chín.
Món ăn dù ngon mấy, ăn mãi cũng nhàm, cách chế biến dù vừa miệng nhất, ăn mãi cũng ngán. Vì thế, tôi theo đuổi cách làm cỗ chay kiểu mới, vừa có món thanh nhẹ, ít phải chế biến như salad táo đỏ, nem chạo chay; món có chất để “chống đói” như xúp kem cốm, xúp kem bí đỏ; món nước như bún thang chay; món lạ như bánh xèo chay...
Tất cả để không chỉ đủ món khi lên mâm, đẹp mắt khi dâng cúng, mà người ăn cũng phải hào hứng, hạnh phúc khi dùng, cắn một miếng là thấy ngạc nhiên, hấp dẫn và lựa chọn làm món ăn cho những ngày không chay”.
Ăn chay, gốc từ chữ Hán là trai, tức là giữ lòng được trong sạch. Văn hóa ăn chay của người Việt xuất hiện từ lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay, theo nhiều nhà nghiên cứu thì ảnh hưởng bởi sự du nhập của Phật giáo. Theo quan niệm Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, phát triển tình thương rộng lớn đối với con người và vạn vật, là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống.
Thời phong kiến xưa xưa có lệ trai giới, mỗi khi cầu nguyện với đất trời hay có việc tế tự trước 3 ngày ăn uống đồ chay (gọi là Trai), trước 7 ngày giữ gìn thành kính tâm niệm việc mình cầu nguyện (gọi là Giới). Trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, nhà vua sẽ sống biệt lập, cữ ăn thịt cá ba ngày, không gần gũi cung phi, mỹ nữ, không dùng rượu, không nghe nhạc êm tai.
Chủ đề liên quan:
bảo vệ môi trường cúng tổ tiên địa chỉ đặt cỗ chay Editor Choice mâm cỗ chay nét đẹp văn hóa người việt rằm tháng Giêng tết nguyên tiêu tháng giêng văn hóa văn hóa ẩm thực