Theo lãnh đạo sở nnptnt quảng nam, phần lớn các hồ chứa thủy lợi xây dựng trong giai đoạn 1975-1990, thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, việc thi công chủ yếu bằng thủ công nên chất lượng công trình còn nhiều mặt hạn chế cho dù được gia cố, nâng cấp hằng năm.
Các hồ chứa nước này tự điều tiết bằng tràn tự do, vì vậy khi mực nước hồ đến cao trình mực nước dâng bình thường thì lưu lượng lũ trong lưu vực đến bao nhiêu sẽ xả qua tràn bấy nhiêu, hồ không thể điều tiết các cơn lũ cuối vụ, không hạn chế việc cắt lũ, giảm lũ, chậm lũ ở vùng hạ du...
Cũng với các hồ chứa thủy lợi, 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.802,66MW. Bao gồm 10 dự án thuỷ điện bậc thang với tổng công suất 1.205,0MW; điện lượng bình quân năm 4.349,86 triệu kWh/năm và 36 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 597,66MW;điện lượng bình quân năm 2.138,22 triệu kWh/năm.
Đến nay đã có 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất là 1.273,96MW; 6 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất thiết kế là 287,0MW; 18 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất thiết kế là 241,7MW.
Mỗi thủy điện đều phải có hồ chứa nước và tất cả đều ở trên núi. cho dù hồ chứa thủy lợi hay thủy điện đều có đánh giá tác động môi trường, có quy trình quản lý, vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo lớn của người dân vùng hạ du khi bão lớn, lũ dữ tràn về.
Để hạn chế những thiệt hại về tài sản và đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg, về Quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Theo đó, hằng năm từ ngày 1/9 đến ngày 15/11, 19 hồ thủy điện trên địa bàn phải thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đáng chú ý, các hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải vận hành hồ chứa theo quy trình mới nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, hồ đập, góp phần giảm lũ hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Các thủy điện còn phải hạ mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ so với quy trình cũ.
Ban chỉ huy pclb-tkcn tỉnh quảng nam và lãnh đạo các nhà máy thủy điện cũng đã ký quy chế phối hợp vận hành hồ chứa. theo đó, lãnh đạo các nhà máy thủy điện có trách nhiệm báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xả lũ, thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ cho các cơ quan chức năng và các địa phương để chủ động trong phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại.
Trong khi đó trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo lượng mưa trung bình hàng năm ở quảng nam dao động từ 1.690mm đến 4.000mm và ở địa phương này mưa chỉ tập trung vào tháng 8 đến tháng 12, nghĩa là nằm trong mùa mưa bão.
Lượng mưa lớn kết hợp với những trận xả lũ của thủy điện khiến người dân vô cùng lo lắng. Ông Nguyễn Tâm, người dân ở Đại Lộc nói: “Bà con chúng tôi sống dọc dòng sông Vu Gia-Thu Bồn, dưới những hồ chứa nước khủng của thủy điện, năm nào cũng chạy lũ, có những trận lũ kinh hoàng, nước về nửa đêm trở tay không kịp. Điều tiết, ngăn lũ, giảm lũ cho hạ du đâu không thấy mà năm nào cũng thấy lũ kinh hoàng”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người sinh sống ở hạ du.
Đối với mùa mưa bão năm nay, cho dù đã có những sự phối hợp, cam kết và đã có quy trình vận hành liên hồ chứa nhưng người dân hạ du vẫn còn gánh những cơn lũ kinh hoàng. Họ chỉ mong chờ chính quyền và các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa, đừng để xảy ra thảm họa như Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ mới đây.
Nếu phải di dân khi có thảm họa thì số lượng người dân quảng nam cần sơ tán dọc theo hạ du là trên 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố như: bắc trà my, tiên phước, đại lộc, duy xuyên, nông sơn, hiệp đức, điện bàn, tp hội an...