Tâm linh hôm nay

Sự khác biệt giữa đức Bồ tát Địa Tạng Vương và Bồ Tát Mục Kiền Liên

Chắc hẳn có nhiều người cũng như tôi khi nhầm tưởng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Mục Kiền Liên Bồ Tát là một người. Bởi khi chiêm bái các tranh ảnh và tượng của đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Mục Kiền Liên Bồ Tát, chúng ta nhận thấy hai ngài có nhiều điểm tương đồng về trang phục và tay đều cầm tích trượng. Hai ngài cũng có hạnh nguyện độ âm.

Chính vì những điểm giống nhau đó nên nhiều người khi dùng hình ảnh minh họa cho bài viết hay in trên các ấn phẩm truyền thông có sự nhầm lẫn. Trong bài viết dưới đây, với vốn kiến thức còn nông cạn của mình, tôi xin trình bày một số điểm khác biệt về hình tướng cũng như hạnh nguyện của các ngài để mọi người có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này.

Bồ Tát Địa Tạng Vương

Bồ Tát Mục Kiền Liên

Trong Kinh Địa Tạng, có nêu ra hình ảnh của hai người con báo hiếu cứu mẹ. Một là, ở phẩm thứ nhất, tiết mục 5, nói về Bà La Môn nữ cứu mẹ. Hai là, ở phẩm thứ 4, tiết mục 4, nói về Quang Mục cứu mẹ. Vì hiện nay hầu hết mọi người vẫn quen với hình ảnh của Quang Mục nên trong bài tôi xin viết về hiếu tử Quang Mục vốn là tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng, để tạm so sánh sự dị đồng giữa hai vị là Địa Tạng Vương Bồ Tát và Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Nếu xét trên tinh thần và mục đích báo hiếu giữa hai người con, nhằm hướng đến việc cứu mẹ mình khỏi tội để được giải thoát, thì ta thấy cả hai đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu luận về chi tiết qua hình tướng, mốc thời gian, không gian và hoàn cảnh, nhân vật, phát nguyện, phương pháp hành sự và người chịu khổ v.v... thì chúng ta sẽ thấy có những điểm khác nhau.

I. Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong sáu vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Năm vị còn lại là Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.

Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Ngài là giáo chủ của cõi U Minh. Địa là đất. Tạng là trùm chứa. Bồ Tát có lập đại nguyện tế độ tất cả chúng sinh cũng như đất là nơi nương tựa cho muôn sự muôn vật nên gọi là Địa. Cũng có người lý giải nghĩa của chữ “Địa” nương theo Kinh Địa Tạng có viết: “U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát”. Vì cách sử dụng từ ngữ trong kinh điển hết sức sát nghĩa và rõ ràng nên “Bổn” là Bổn tâm, “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Như vậy, chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa. Chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi u minh, tức là làm chủ cõi địa ngục tham – sân – si của chính mình.

a) Hình tướng

Địa Tạng Bồ Tát thường được mô tả là một vị Bồ Tát với vầng hào quang trên đầu, đầu đội mão tỳ lư, ngồi trên tòa sen do Đề Thính đỡ hoặc đứng trên tòa sen. Tùy khí của ngài chính là viên ngọc Như Ý mà ngài thường cầm nơi tay trái tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm, còn tay phải cầm tích trượng để mở cửa địa ngục. Một số tranh tượng ở Việt Nam và Trung Quốc có khắc họa hình ảnh Địa Tạng Vương Bồ Tát đội mũ thất Phật và mặc áo cà sa đỏ.

b) Hạnh nguyện

Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng là một hiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung, bà bị đọa và địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ và nhờ phước duyên cúng dường một vị A La Hán, vị Thánh này đã cho biết mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sinh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hà tiện, lại bị ch*t yểu.

Vì lòng thương mẹ và chúng sinh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn đến về sau trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sinh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng ba đường ác đạo, con nguyện cứu vớt chúng sinh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn địa ngục, ngã quỷ, súc sinh... Những kẻ mắc phải tội báo như vậy thành Phật cả rồi, sau con mới thành bậc Chánh giác”. Và hiếu tử Quang Mục chính là một trong những tiền thân của đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Trải qua muôn ngàn số kiếp, đã có không biết bao nhiêu chúng sinh chứng quả thành Phật. Riêng chỉ có Bồ Tát Địa Tạng, vì lòng đại từ đại bi tha thiết vô tận cứu độ chúng sinh, vẫn chưa thành Phật. Do lời đại nguyện ấy, đức Thế Tôn đã phong ngài làm U Minh Giáo Chủ, cứu độ các linh hồn tội lỗi đang bị đọa ở U Minh Địa Giới hay nhiều người vẫn thường gọi là cõi Diêm Vương Phù Đề.

c) Xét về thời gian và hoàn cảnh

Như đã viết ở phần trên, chuyện của hiếu tử Quang Mục cứu mẹ là việc xảy ra trong vô lượng kiếp về quá khứ, thời của một vị Phật hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Đó là chuyện xảy ra từ thời xa xưa và chỉ là một chuyện truyền thuyết, chứ không phải là chuyện xảy ra trong lịch sử thời đức Phật Thích Ca còn tại thế. Đức Phật Thích Ca bằng thần thông của mình mà thấy biết, sau đó thuyết giảng cho đại chúng trong Kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát Bổn Nguyện. Nhờ đây, chúng ta mới biết tới vị Bồ Tát có tâm lượng từ bi thâm diệu đến vậy. Hay nói cách khác, Bồ Tát Địa Tạng là một vị Phật cổ trong ngàn kiếp xưa.

d) Xét về phương pháp hành sự

Nàng Quang Mục sau khi biết mẹ đang thọ khổ nơi địa ngục đã vâng theo lời dạy của vị La Hán phát tâm đắp vẽ sơn thếp hình tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và chí thành xưng niệm danh hiệu Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục để cầu nguyện, đặng nhờ ơn cứu độ cho mẫu thân. Sau đó, nàng được Phật chỉ cho biết là mẫu thân của nàng sẽ thác sinh vào trong nhà của nàng. Quả nhiên, người tớ gái trong nhà sinh ra một đứa con trai, chưa đầy 3 tuổi đã biết nói. Đứa trẻ đó chính là bà mẹ của Quang Mục.

Bà mẹ cho biết, năm 13 tuổi sẽ ch*t và đọa vào địa ngục ác đạo. Biết rõ đó là mẹ mình nên Quang Mục vì cứu mẹ mà phát đại nguyện sẽ cứu các tội khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục.

e) Xét về nhân vật thọ khổ, nguyên nhân tạo nghiệp ác và sự tái sinh

Lúc còn sống, mẹ của Quang Mục không chỉ thích ăn loài cá trạch, mà còn ưa ăn trứng của nó, hoặc chiên xào, hoặc nấu nướng, không biết ngàn vạn nào kể xiết. Vì cái nghiệp sát sinh sâu dày đó nên bà bị đọa vào địa ngục chịu vô lượng khổ. Sau khi mãn kiếp địa ngục, bà thác sinh vào trong nhà làm con của một người tớ gái.

Sau khi Quang Mục phát nguyện cứu mẹ và tất cả chúng sinh trong ba đường ác, giữa hư không nàng nghe thấy đủ mọi điều tiên chúc của Phật tỏ bày: “Này Quang Mục! Ngươi có lòng từ bi mẫn rất lớn, biết vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế, nay Ta là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục cho mẹ người mãn đến khi 13 tuổi, được thác sinh làm người Phạm Chí, hưởng thọ đến trăm tuổi. Rồi sau lại được sinh về cõi Vô Ưu, hết sự lo phiền, đủ điều khoái lạc, lại sống lâu đến đời đời kiếp kiếp. Sau được thành Phật quả mà cứu độ tất cả chúng sinh ở cõi nhân gian và Thiên thượng, nhiều như số cát sông Hằng”.

II/ Mục Kiền Liên Bồ Tát

Mục Kiền Liên Bồ Tát sinh khoảng năm 568, mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ, là một vị tỳ kheo trong thời kỳ đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế.

Tôn giả Mục Kiền Liên và Tôn giả Xá Lợi Phật là hai vị đệ tử đứng đầu trong hàng chúng đệ tử của Phật Thích Ca. Ngài đã đắc chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả cùng với sự giải thoát và giác ngộ viên mãn. Phẩm hiệu của ngài là “Thần thông đệ nhất” trong hàng Thanh Văn đệ tử của đức Phật. Trong Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 6, đức Phật đã thọ ký cho ngài danh hiệu “Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Phật”.

a) Hình tướng

Tôn giả Mục Kiền Liên thường xuất hiện trong hình ảnh mặc y vấn, tay phải cầm tích trượng, tay trái không cầm gì. Nếu có cầm thì ngài thường cầm bình bát ngụ ý để mang cơm dâng cho mẹ đang thọ khổ ở dưới địa ngục. Ngài không ngồi mà luôn ở thế đứng, như để sẵn sàng đi xuống cõi âm dâng “bát cơm đầy vạn ước mong” tỏ lòng hiếu kính mẹ.

Tôn giả Mục Kiền Liên

b) Hạnh nguyện

Mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề, lúc còn sống bà chẳng những không tin Tam bảo lại còn hủy báng, phá hoại Tam bảo, nói Tam bảo không tốt, không đáng để tin. Cho nên sau khi ch*t bà liền bị đọa xuống địa ngục.

Tôn giả Mục Kiền Liên chứng quả vị La Hán, đắc được lục thông, liền quan sát khắp các cõi giới để tìm mẹ. Vì tôn giả đã khai mở được Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, đắc được ngũ căn lục thông nên nhìn thấy được mẹ mình đang đọa lạc nơi địa ngục thống khổ, cơm cũng không có để ăn. Tôn giả liền mang một bát cơm đến cho mẹ.

Vào đến địa ngục, tôn giả dâng bát cơm cho mẹ. Bà Thanh Đề lúc còn sống vì tâm tham quá nặng nề, nên dù bị đọa làm ngã quỷ vẫn không dứt bỏ được tâm tham. Bà một tay đỡ lấy bát, dùng vạt áo của tay kia che lại, rồi vội vàng chạy đến chỗ không có các ngã quỷ, đem bát cơm lén ăn một mình. Nhưng vì nghiệp chướng quá sâu dày nên cơm vừa đưa lên miệng thì hóa thành hòn than đỏ rực.

Tôn giả Mục Kiền Liên tuy là thần thông đệ nhất nhưng không thể giúp được mẹ, nên đã đến thưa với đức Phật Thích Ca. Đức Phật nói: “Vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng. Bây giờ sức của mình ông không thể nào giải cứu được đâu. Muốn cứu được mẹ ông thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư tăng Tự tứ, ông hãy thiết lễ Vu Lan Bồn, đây là lễ cúng “giải đảo huyền” (giải cứu cái khổ bị treo ngược).

Trước tiên, ông hãy cúng dường mười phương Tăng; khi mười phương Tăng chưa thọ dụng những thức ăn này thì ông cũng chưa được dùng. Ông trước hết phải cúng Phật, Pháp và Tăng; sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui!”

Tôn giả Mục Kiền Liên làm y theo lời Phật dạy, ngày rằm tháng bảy năm đó, thân mẫu của ngài được thoát nạn. Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật, khuyến khích người thế gian hàng năm rằm tháng bảy tổ chức lễ Vu Lan, cúng dường tăng chúng mười phương hội về, tụng kinh Vu Lan Bồn báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ (Trích từ quyển Thập đại đệ tử).

Sau này, hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ nơi địa ngục đã trở thành hình tượng hiếu đạo trong Phật giáo, nhắc tới đạo hiếu là nói đến ngài Mục Kiền Liên. Nương theo câu chuyện của ngài, đức Phật đã dạy chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hãy làm theo cách của ngài (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Tôn giả Mục Kiền Liên là hiện thân cho hạnh nguyện cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ, là hình ảnh tiêu biểu cho hiếu đạo của con người. Sau khi đắc quả A La Hán, ngài đã dùng lòng từ vô lượng và trí tuệ rạng sáng để hóa độ chúng sinh.

c) Xét về thời gian và hoàn cảnh

Mục Kiền Liên Bồ Tát là một trong mười đại đệ tử của đức Phật Thích Ca. Ngài là người xuất hiện trên cõi đời này bằng xương, bằng thịt lúc đức Phật còn tại thế. Ngài thường song hành với Tôn giả Xá Lợi Phật, là một người thần thông đệ nhất, vô cùng quảng đại. Sau khi xuất gia được 7 ngày, ngài đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A La Hán.

Có thể thấy, Tôn giả Mục Kiền Liên là một nhân vật lịch sử có thật. Ngài có quá trình xuất gia tu học và đắc quả, được sử liệu ghi chép rõ ràng. Và ngài đã được nhân loại thừa nhận là một nhân vật lịch sử có sức ảnh hưởng lớn trong thời đức Phật còn tại thế. Ngài do công phu tu hành mà có được thần thông đệ nhất. Bằng tuệ nhãn và nhờ năng lực của mình, ngài đã thấy rõ sự đọa lạc thọ khổ của mẹ ngài.

d) Xét về phương pháp hành sự

Sau khi biết mẹ đang bị thọ khổ ở địa ngục, Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời dạy của đức Phật, thành tâm chí kính thỉnh mười phương chư Phật và chúng tăng, chuẩn bị xếp sắp phẩm vật thiết lễ cúng dường trai tăng để cầu nguyện cho mẹ của ngài. Ngài đã tổ chức một buổi đại lễ trai tăng trang nghiêm vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ của chư tăng.

e) Xét về nhân vật thọ khổ, nguyên nhân tạo nghiệp ác và sự tái sinh

Bà Thanh Đề - mẫu thân của Tôn giả Mục Kiền Liên sinh thời là một con người tham sân si, gian ác, điêu ngoa, nói dối, gian tà, lừa gạt nhiều người. Do lòng tham, bỏn xẻn và gây tạo quá nhiều nghiệp ác mà đọa làm thân ngã quỷ, đói khát khổ sở trăm bề. Sau này, nhờ thần lực chú nguyện của chư Phật và Thánh tăng mà chuyển hóa được lương tâm của bà. Nhờ bà ăn năn, cải hối chuyển đổi tâm ý mà được thoát khổ, siêu thoát và sinh lên cõi trời hưởng phước báu an lành.

III. Kết luận

Có thể thấy, mục đích báo hiếu, cứu mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau của hai vị Bồ Tát trên căn bản là giống nhau. Cả hai đều đạt được mục đích và biểu lộ với tất cả tấm lòng của một người con chí hiếu, dù bản nguyện, cách thức và đối tượng cầu nguyện có phần khác nhau.

Do người viết tuổi đời còn non trẻ nên trong bài sẽ không tránh khỏi việc nhiều chỗ vẫn còn thiếu sót về kiến thức, hiểu biết vẫn còn hạn hẹp, thiếu sự chuyên sâu. Rất mong nhận được sự góp ý của các vị thiện tri thức để bổ sung thêm những phần còn yếu kém. Từ đó, sẽ giúp mọi người phần nào tránh đi sự nhầm lẫn khi lựa chọn hình ảnh để tổ chức trong các khóa lễ cũng như minh họa cho bài viết của mình.

Sau đây, xin giới thiệu tới quý độc giả một số tranh ảnh, tôn tượng của hai vị Bồ tát ở các nước trên thế giới:

a) Bồ Tát Địa Tạng Vương:

b) Bồ Tát Mục Kiền Liên

Tuệ An (Tổng hợp)

Tham khảo:

http://phatgiao.org.vn/hoi-dap/201309/Su-tich-ve-bao-hieu-trong-Kinh-Vu-Lan-va-Kinh-dia-Tang-khac-nhau-nhu-the-nao-11930/

http://giacngo.vn/lichsu/2010/09/09/7EF651/

Tuệ An

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/su-khac-biet-giua-duc-bo-tat-dia-tang-vuong-va-bo-tat-muc-kien-lien-d28419.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY