Ngày 6/8, ca điều hành phẫu thuật tim từ xa đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tại 2 điểm cầu Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông qua Telehealth. Bệnh nhi là N.T.T.V nặng 12,5 kg, được phát hiện bị thông liên thất từ một tháng tuổi.
Trước đây, để điều trị cho bệnh nhân này có 2 cách lựa chọn: Một là bệnh nhân phải chuyển lên tuyến cuối. Hai là bác sĩ tuyến cuối phải về bệnh viện tỉnh trực tiếp cầm dao mổ. Với Telehealth, các chuyên gia tuyến cuối không cần ngồi trong phòng mổ vẫn trở thành trưởng kíp, kiểm soát chi tiết diễn biến ca phẫu thuật, từng động tác của bác sĩ, đảm bảo khả năng thành công cao hơn.
Bác sĩ Dương Xuân Phương, phẫu thuật viên chính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Ca mổ rất thành công. Tình trạng của cháu bé khá ổn định, các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp đều tốt, lỗ thông liên thất đã được vá kín”.
Bác sĩ Dương Xuân Phương: “Với sự hỗ trợ của Telehealth, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, sự sắp xếp phối hợp với chuyên gia sẽ được thuận lợi, chủ động hơn, bệnh nhân cũng không phải chờ đợi”.
Đây là lần đầu tiên ê-kíp hơn 10 người của bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật mà các chuyên gia không đứng cạnh hướng dẫn. Tuy có chút hồi hộp, lo lắng nhưng bác sĩ Phương nhận định: “Kết quả tốt không khác gì những ca phẫu thuật có chuyên gia trực tiếp ở đây.”
Toàn bộ ê-kíp đã phối hợp rất nhịp nhàng, ăn ý để đem lại sự thành công cho ca bệnh. Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã khám rất kỹ cho bệnh nhân và làm các cận lâm sàng cần thiết, hội chẩn, đồng thời cũng lên các phương án để đảm bảo phẫu thuật thành công.
Chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội phân tích đưa ra các chiến lược cụ thể, hỗ trợ bất kỳ thời điểm nào các bác sĩ trong phòng mổ cần xin ý kiến. Kỹ thuật của Viettel đảm bảo đường truyền nhanh, thông suốt, hình ảnh rõ nét, âm thanh trong... để giúp cuộc phẫu thuật được diễn ra thuận lợi nhất.
Cũng trong buổi chiều 6/8, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ không chỉ điều hành từ xa 2 ca mổ ở Phú Thọ và Thái Bình. Họ còn tư vấn phác đồ điều trị cho bệnh nhân ở Gia Lai, Sóc Sơn (Hà Nội).
Như vậy, diễn biến trong buổi khai trương Hệ thống hỗ trợ, tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã minh chứng rõ nét cho những tác dụng mà Telehealth đem lại cho bệnh nhân.
Các bệnh nhân ở tuyến dưới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có cơ hội được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tương đồng với người dân ở thành thị. Điều đó không chỉ tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại cho người bệnh mà còn đảm bảo an toàn tính mạng cho họ. Bởi trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể ch*t trên đường di chuyển nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại giữa các nơi còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus, nhất là trong môi trường bệnh viện. Với tình hình này, Telehealth càng trở thành giải pháp hữu hiệu và quan trọng trong việc khám, chữa bệnh.
Năm 2020, với sự ra đời của Hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel chủ trì, sự kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới gần như “không có khoảng cách”.
Ca mổ tim được điều hành từ xa lần đầu tiên tại Việt Nam.
“Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ rất ít khi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của hệ thống Telehealth, chúng tôi phải mời chuyên gia về tham gia trực tiếp vào các ca mổ. Có một khó khăn là các chuyên gia thường rất bận. Với sự hỗ trợ của Telehealth, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, sự sắp xếp phối hợp với chuyên gia sẽ được thuận lợi, chủ động hơn, bệnh nhân cũng không phải chờ đợi”, bác sĩ Dương Xuân Phương chia sẻ.
Phẫu thuật tim mạch được đánh giá là can thiệp ngoại khoa phức tạp. Người cầm dao mổ không chỉ cần có trình độ, kinh nghiệm mà còn cần bao quát toàn bộ cả ê-kíp, liên tục phối hợp với bác sĩ gây mê, chạy máy tim, phổi nhân tạo... Do vậy, bác sĩ Phương đánh giá sự hỗ trợ của chuyên gia, từ khâu hội chẩn, đưa ra chiến lược mổ đến khâu thực hiện phẫu thuật... thông qua hệ thống Telehealth đáp ứng được hơn 90% so với hỗ trợ trực tiếp. Thậm chí, trong nhiều tình huống khẩn cấp, bác sĩ Phương cho rằng chỉ dẫn của các chuyên gia sẽ giúp bảo toàn mạng sống cho bệnh nhân, ảnh hưởng 100% tới sự thành công của ca mổ.
Với bác sĩ Phương, Telehealth còn là công cụ giúp họ được đào tạo, trao đổi chuyên môn thường xuyên. “Cá nhân tôi có thể trao đổi, học tập rất nhiều từ các chuyện gia, đồng nghiệp của mình trên khắp mọi miền đất nước...”, ông chia sẻ.
Câu chuyện của bác sĩ Dương Xuân Phương với ca mổ tim được điều hành từ xa đầu tiên ở Việt Nam, đã cho thấy hai lợi ích cơ bản mà Telehealth đem đến cho các bệnh viện tuyến dưới. Một là tận dụng được kinh nghiệm, trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành trong việc khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Hai là nâng cao trình độ chuyên môn của các y bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới, hỗ trợ tối đa trong công tác đào tạo, hướng dẫn và giúp các bác sĩ tự tin hơn; làm chủ kỹ thuật, công nghệ và sẵn sàng tiếp nhận những ca khó.
Chủ đề liên quan:
Telehealth