Tâm linh hôm nay

Tâm tang Hòa thượng Thích Trí Quang

Theo chương trình lễ tang của Hòa thượng, sau lễ nhập quan, các đệ tử thụ tâm tang. Lễ hỏa thiêu (trà tỳ) sẽ diễn ra vào sáng nay, ngày 11/11 (tức ngày 15/10 năm Kỷ Hợi), sau đó đem tro cốt về Tổ đình Từ Đàm, số 1 Sư Liễu Quán, phường Trường Thi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

 >>Tin tức Phật sự mới nhất

Lễ tang Hòa thượng Thích Trí Quang do môn đồ, pháp quyến thực hiện theo hình thức tâm tang, không cử hành tang lễ, các đệ tử chỉ tụng kinh, niệm Phật tới khi đưa nhục thân Hòa thượng đi hỏa thiêu.

Trước đó, vào ngày 9/11, đông đảo chư tôn đức, các bậc hòa thượng, trưởng lão; tăng ni, phật tử và người dân đã đến chùa Từ Đàm (số 1, đường Liễu Quán, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) để hành lễ cầu nguyện, tiễn biệt Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang.

Mặc dù không cáo phó, báo tang, nhưng qua phương tiện truyền thông, sự viên tịch của Đại lão Hòa thượng đã được báo chí trong và ngoài nước đưa tin, đặc biệt quan tâm về những lời di huấn, căn dặn hậu sự tiết giản, không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu…

Ngoài các thời tụng niệm của Tăng Ni, Phật tử, các đoàn, nhóm, cá nhân đến viếng, đảnh lễ trong yên tĩnh, không giới thiệu chức danh, không cử hành nghi thức tang sự như tập tục lâu nay, không có máy móc, không loa phóng thanh, không nhạc lễ, không vòng hoa…

Trước kim quan đơn sơ tạm giữ thân tứ đại của ngài, ngoài di ảnh, chiếc y của người xuất gia, chuỗi hạt niệm Phật, không bát nhang đèn…, chỉ có bát nhang nơi tôn tượng Đức Phật áng ngự trước kim quan. Hoa cũng chỉ trang trí vừa đủ, không như thường thấy ở tang lễ của chư vị tôn túc trưởng thượng tại cố đô cũng như ở các nơi khác.

Bài liên quan

Trí Quang tự truyện: chân dung vị danh tăng dấn thân vì đạo pháp được hiển bày

Hòa thượng Thích Trí Quang (thế danh Phạm Quang) sinh năm 1923 tại làng Diêm Điền, phường Đức Ninh Đông, thành phố Đông Hới, tỉnh Quảng Bình, hiện cư trú tại chùa Từ Đàm (số 1 Sư Liễu Quán, phường Trường Thi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Hòa thượng là một trong những vị sáng lập phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung Việt Nam, là tác giả của nhiều công trình giảng luận Phật pháp, luật học của người xuất gia, là nhà phiên dịch chú giải kinh điển Đại thừa và hàng trăm bài khảo luận dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng cho Phật học và thái độ ứng xử theo chính pháp.

Năm 1963, Hòa thượng Thích Trí Quang là người có vai trò quan trọng trong phong trào phản đối chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Hòa thượng tu tại chùa Già Lam (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại đây, Hòa thượng chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận. Năm 2014, Hòa thượng về chùa Từ Đàm (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hòa thượng là vị sư có nhiều ảnh hưởng đến tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Bài liên quan

Hòa thượng Thích Trí Quang là linh hồn của Phật giáo Việt Nam

Lễ tang “không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu”; “sau khi chuyển đến lò thiêu, thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất trăm ngày, tiểu tường và đại tường” và mỗi lễ “chỉ tụng một trong các kinh Địa tang, Kim cương, Bồ tát giới, Pháp hoa và Thủy sám; mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả”.

Những nội dung của di huấn này cũng được môn đồ Pháp quyến niêm yết thông báo ở tiền sảnh ngôi nhà tổ chức tang lễ của ngài.

Đây cũng là điều khiến tang lễ của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang rất giản đơn, dung dị, không hoa, cờ phướn, phẩm vật phúng điếu thường thấy ở nhiều đám tang khác.

Khi đến viếng, tiễn biệt vị cố trưởng lão, phần lớn các vị chư tôn đức, tăng ni, phật tử đã dừng thật lâu để đọc thông báo cũng như di huấn của ngài về một lễ tang giản đơn, dung dị. Vẫn biết sinh tử vô thường, nhưng sự ra đi của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang khiến bao phật tử tiếc thương, xúc động.

Vào lúc 7 giờ sáng nay, 11-11-2019 (nhằm ngày Rằm tháng 10, Kỷ Hợi), đông đảo Tăng Ni, Phật tử, các pháp tử đã di quan Đại lão HT.Thích Trí Quang đến nơi trà-tỳ (hỏa táng), công viên Vĩnh Hằng, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế 11 km về phía Tây.

Chư Tăng và các pháp tử đã cung tiến Giác linh, đảnh lễ ba lạy, sau đó, đồng thanh niệm Phật trong khi Phật tử cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng rời nơi tôn trí, tiến ra sân, hướng đầu kim quan vào chánh điện đảnh lễ ba lạy, sau đó tiến ra xe ở cổng chính chùa Từ Đàm, di chuyển về nơi trà-tỳ - hỏa thiêu như lời di huấn của ngài.

Lễ di quan Hòa thượng Thích Trí Quang đến nơi trà-tỳ, cách trung tâm thành phố Huế 11km. Thời tiết tại Huế chuyển tiết mưa từ chiều tối hôm qua, ngày 10-11.

Kể từ lúc gắn bó các hoạt động Phật giáo ở Sài Gòn, sau ngày thống nhất đất nước, Đại lão Hòa thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận… Tên tuổi của ngài cũng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, cũng như lịch sử đấu tranh, thống nhất đất nước.

Một số hình ảnh lễ Di quan Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang trà-tỳ:

*Trong bài có sử dụng nguồn ảnh của Báo Giác Ngộ.

Quý bạn đọc có thể theo dõi những bài viết về Hòa thượng Thích Trí Quang tại đây.

Minh Chính (Tổng Hợp)

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tam-tang-hoa-thuong-thich-tri-quang-d37981.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY