Tâm linh hôm nay

Tăng ban trong bộ máy nhà nước thời Lý-Trần

Tăng Ban là cơ quan chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách và phép giữ đức. Trên vũ đài chính trị tư tưởng của đất nước thời Lý và gần trọn thời Trần, Phật giáo giữ vị trí quan trọng hàng đầu, sau đó là Đạo giáo và cuối cùng mới đến Nho giáo.

01. Năm 905, lợi dụng sự đổ nát thảm hại của nhà Đường, Khúc Thừa Dụ đã khôn khéo tìm cách thành lập một bộ máy chính quyền độc lập và tự chủ do ông đứng đầu. Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của lịch sử nước nhà đã được mở ra kể từ đó. Họ Khúc (905-930), họ Dương (931-937), họ Ngô (938-965), họ Đinh (967-980) và họ Lê (980-1005)…thế thứ trước sau cókhác nhau, số năm trị vì ít nhiều tuy không đồng nhất, nhưng, trong số những nét chung của bộ máy nhá nước lúc bấy giờ, có một nét rất đáng lưu ý: tất cả đều là nhà nước của tướng lĩnh. Mô thức tổ chức ấy rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc ấy.

Bấy giờ, lẽ tự nhiên của tướng cầm quân là phải giỏi võ nghệ, nhưng một khi tướng cầm quân trở thành tướng cầm quyền điều khiển vận mệnh quốc gia thì tất yếu họ phải được trang bị thêm những kỹ năng quan trọng khác.

Thời Bắc thuộc, tất cả quan lại đô hộ của Trung Quốc không có phận sự và cũng chẳng có chút thôi thúc nào củatình cảm để huấn luyện người Việt nắm vững loại tri thức đặc biệt này. Để thành công, các vị tướng lĩnh cầm quyền lúc ấy đã phải tiến hành nhiều cuộc thể nghiệm rất khác nhau. Và, cuộc thể nghiệm mang lại hiệu quả độc đáo nhất chính là tận dụng trí tuệ của đội ngũ các Nhà sư và Đạo Sĩ giàu lòng yêu nước.

Trước đó, Phật giáo và Đạo giáo đã có một lịch sử truyền bá và tiếp nhận dài ngót cả ngàn năm. Ý thức nhập thế tích cực đã cho phép các Nhà sư và Đạo sĩ hiểu đất Việt, hiểu người Việt, hiểu cách là sao cho quốc thái dân an.Thực tế sinh động này đã tỏ rõ sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu giữa thiện tâm của các nhà tu hành với nhà nước đương thời. Không ít Nhà sư và Đạo sĩ giàu lòng yêu nước đã hoan hỷ hợp tác với chính quyền, cùng chung lo cho vận nước. Lịch sử mãi mãi trân trọng khắc ghi tên tuổi các bậc cao tăng đã có cống hiến xuất sắc đối với quốc gia trong thế kỷ X như:

- Cao tăng Ngô Chân Lưu[1], người được Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng Thống[2], hiệu là Khuông Việt Đại Sư (vị Đại Sư khuông phò nước Việt) và luôn tin cậy mời đến hỏi về phép trị nước. Ông tạ thế năm 1011, hưởng thọ 78 tuổi.

- Đại Sư Đỗ Pháp Thuận[3], người có vị trí chẳng khác gì cố vấn của Lê Hoàn. Mọi kế sách về đối nội cũng như đối ngoại, Lê Hoàn đều trân trọng tham vấn ý kiến. Đại Sư Đỗ Pháp Thuận từ trần vào năm 990, hưởng thọ 76 tuổi.

- Đại Sư Quách Ngang[4] là người được phong làm Tăng Thống trong giai đoạn cuối của thời Tiền Lê. Tiếc là lúc bấy giờ, vì Lê Ngọa Triều bạo ngược, Tăng Thống Quách Ngang không có cơ hội để thể hiện tài năng của mình.

Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ học đã đào được ở cố đô Hoa Lư hai chiếc cột đá và gọi đó là cột kinh. Những dòng chữ được khắc trên cột kinh này xác nhận rằng năm Quý Dậu (973), Nam Việt Vương Đinh Liễn[5] đã cho dựng ở Hoa Lư 100 cột kinh như thế. Nói khác hơn, vị trí của Phật giáo trong triều đình nhà Đinh (và cả nhà Tiền Lê sau đó nữa) là rất lớn lao.

02. Các bộ máy nhà nước trước thời Lý tuy đã biết cách trọng dụng tài năng của các bậc tu hành, nhưng chưa biết cách tập hợp họ vào một tổ chức hẳn hòi, cho nên, trí tuệ của họ chưa thực sự được khơi dậy mạnh mẽ và càng chưa được khai thác hết. Đó là hạn chế chung, hạn chế tất yếu của buổi đầu thiết lập nền tự chủ, hạn chế bao trùm đối với toàn bộ đội ngũ quan lại và xuyên suốt nhiều đời trị vì. Hạn chế này được nhà Lý và nhà Trần khắc phục, đem lại hiệu quả rất tốt. Đây là bước phát triển nổi bật nhất của quan chế thời Lý–Trần. Năm 1097, nhà Lý biên soạn xong bộ Hội điển [6].

Những vấn đề có tính nguyên tắc bền vững về việc xây dựng bộ máy quan lại và lễ nghi triều chính đều được ghi rõ ở đây. Năm 1230, nhà Trần hoàn thành hai bộ sách rất lớn là Quốc triều thông chế và Quốc triều thông lễ [7]. Nếu xét về nội dung thì hai bộ này tuy có mới hơn nhưng quy cách biên soạn thì cũng tương tự như bộ Hội điền của nhà Lý. Nói khác hơn, những vấn đề có tính nguyên tắc bền vững về xây dựng bộ máy quan lại và lễ nghi triều chính được chỉnh lý, bổ sung và nâng cao, nhằm tạo ra sự thích ứng lớn nhất.

Cần lưu ý là nhà Trần được thành lập vào năm 1226 thì 4 năm sau (năm 1230), Quốc triều thông chế và Quốc triều thông lễ đã ra đời. So với các triều đại trước thì nhà Trần đã tỏ ra nhanh nhạy và có phần sắc bén hơn. Nhà nước thời Lý (1010-1225) và thời Trần (1226-1400) có không ít điểm tương đồng rất dễ nhận. Đó là vai trò chi phối của quý tộc. Đó là thái độ trân trọng đối với các nhà tu hành Phật giáo và Đạo giáo. Thái độ này vốn đã xuất hiện và tồn tại xuyên suốt các bộ máy nhà nước trong thế kỷ X, nhưng đến đây thì mang sắc thái hoàn toàn mới.

03. Thư tịch cổ cho hay, toàn bộ đội ngũ quan lại của nhà Lý và nhà Trần được chia thành bốn ban, mỗi ban có phạm vi quyền hạn và trách nhiệm khác nhau. Thực tế cho thấy rằng, đó là sự phân chia hợp lý và mang lại những hiệu quả rất thiết thực.


- Ban thứ nhất là Văn Ban. Các quan trong ban này chuyên trông coi về thuế khóa, hành chính và lễ nghi. Hầu hết các quan trong Văn Ban đều giỏi văn chương chữ nghĩa. Họ được tuyển chọn từ nhiều nguồn và nhiều cách khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là thông qua khoa cử. Từ thời Trần trở đi, lực lượng quan lại của Văn Ban xuất thân từ đại khoa Nho học ngày một đông.

- Ban thứ hai là Võ Ban. Đội ngũ quan lại của Võ Ban phần lớn đều không phải là các tướng lĩnh trực tiếp cầm quân mà là những người chuyên lo việc phục vụ cho hoạt động của lực lượng vũ trang. Tuy chưa chính quy nhưng quan lại trong Võ Ban cũng được tuyển lựa với những quy chế khá chặt chẽ.

- Ban thứ ba là Thái Giám Ban. Đây là ban của hoạn quan, những người chuyên trông coi hoạt động của hậu cung. Do thường được hầu cận Hoàng Đế và hoàng gia nên tiếng nói của các quan trong Thái Giám Ban thường có ảnh hưởng không nhỏ đến triều đình.

- Ban thứ tư là Tăng Ban. Đây là ban đặc biệt, dành riêng cho các bậc tu hành Phật giáo và Đạo giáo nổi danh tài cao đức dày, được xã hội và triều đình trọng vọng. Theo ghi chép của thư tịch cổ thì Tăng Ban chỉ có dưới thời Lý và thời Trần

04. Xét về phương diện tổ chức, sự ra đời và tồn tại trong nhiều thế kỷ của Tăng Ban thực sự là một bước tiến. Từ đây, triều đình không phải chỉ bày tỏ thái độ trọng vọng đối với các nhà tu hành mà còn biết tập hợp họ và biết trân trọng lắng nghe tiếng nói chân thành của họ, biết khôn khéo tìm cách khai thác tài năng đa dạng của họ, ích nước lợi dân quả thật là không nhỏ. Nói theo cách của Bảng Nhãn Lê Văn Hưu (1230-1322) thì trong điều lợi lại còn có thêm điều lợi nữa. Về hình thức, Tăng Ban gồm cả Nhà sư và Đạo sĩ nhưng trong thực tế thì lực lượng Nhà sư luôn chiếm tỷ lệ cao hơn. Đó là lẽ tự nhiên, bình thường và rất dễ hiểu. Trên vũ đài chính trị và tư tưởng nước nhà thời trung đại, Phật giáo và Đạo giáo tuy gắn bó rất chặt chẽ với nhau nhưng Đạo giáo bao giờ cũng ở vị thế thấp hơn. Phật giáo không có ý định đảo lộn trật tự này đã đành, Đạo giáo cũng không hề có ý muốn thay đổi. Từ thời nhà Hồ trở đi thì Tăng Ban không còn nữa.

05. Trách nhiệm cụ thể của Tăng Ban là gì ? Vai trò và vị trí của Tăng Ban trong bộ máy nhà nước thời Lý–Trần ra sao ? Lần theo ghi chép của các thư tịch cổ thì thấy :

- Tăng Ban là cơ quan chuyên trông coi các hoạt động của đời sống tâm linh. Đây thực sự là một trách nhiệm rất nặng nề. Trong nhận thức cũng như tình cảm của cả xã hội đương thời, đời sống tâm linh luôn có vị thế cực kỳ quan trọng, từ Hoàng Đế đến thứ dân, không một ai dám lơ là. Chư Phật và liệt thánh được kính thờ ở khắp nơi, việc lễ bái bao giờ cũng trang nghiêm và chu tất. Chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện các nghi thức chính là Tăng Ban. Thói thường, lễ Phật là việc của Nhà sư, tế thần là việc của Đạo sĩ, nhưng cũng có lúc đứng trước những sự kiện có thể gây nguy hại cho hoàng tộc, trăm họ và quốc gia như thiên tai, địch họa, dịch bệnh, bạo loạn…toàn bộ Tăng Ban được huy động để cùng cầu xin Trời Phật và liệt thánh độ trì. Trước đây (và hiện nay chừng như vẫn còn) có ý kiến cho rằng đó là biểu hiện của mê tín dị đoan. Có lẽ là khoan hãy vội minh định xem thế nào là mê tín, thế nào là dị đoan, nhưng điều chắc chắn có thể nói ngay là loại ý kiến này tỏ rõ hiểu biết về tôn giáo quá nông cạn, quan trọng hơn nữa, tỏ rõ là chưa thấy được tâm thành ngời sáng chất nhân văn trong phép ứng xử của người xưa.

- Tăng Ban là cơ quan chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách và phép giữ đức. Trên vũ đài chính trị tư tưởng của đất nước thời Lý và gần trọn thời Trần, Phật giáo giữ vị trí quan trọng hàng đầu, sau đó là Đạo giáo và cuối cùng mới đến Nho giáo. Bấy giờ, người tu hành (xuất gia và tại gia) rất đông, trong đó có không ít người xuất thân là hoàng tộc, thậm chí còn có cả Hoàng Đế [8] và khá nhiều bậc đại khoa Nho học nữa [9]. Nghe giảng giáo lý, thực hành nghi lễ, tự răn mình theo giới luật…đó là việc làm thường xuyên của trăm quan và thân thuộc thời Lý – Trần.

Tất nhiên là mỗi thời và mỗi giai cấp luôn có những quan niệm riêng về đạo đức, nhưng giữa vô số sự khác biệt ấy, vẫn có các hằng số bất biến xuyên suốt cả mọi thời mà một trong những hằng số bất biến ấy chính là biết kính sợ chư Phật và liệt thánh. Lòng kính sợ khiến người ta biết tôn thờ điều tốt và lên án điều xấu, đại đức làm người nhờ đó mà được đề cao. Có lẽ cũng cần phải lưu ý rằng giảng kinh cho Hoàng Đế và trăm quan hoàn toàn không dễ.

Họ chỉ nghe và tin theo chừng nào trí tuệ một đời họ dày công tích tụ được bị thuyết phục bởi những giá trị triết lý và đạo lý đã thực sự kết tinh trong lời giảng sâu sắc của các cao tăng. Thực tế cho thấy Tăng Ban đã thành công. Đức tin đối với Phật giáo và Đạo giáo đã thấm sâu trong nhận thức của triều đình, thấm sâu trong tình cảm của xã hội và thấm sâu trong phép ứng xử phổ biến cả một giai đoạn lịch sử khá lâu dài.

- Tăng Ban là cơ quan quản lý các hoạt động của giáo hội Phật giáo và Đạo giáo. Bấy giờ, Phật giáo và Đạo giáo phát triển rất mạnh mẽ nhưng rất tiếc là thiếu hẳn một hệ thống tổ chức chặt chẽ trên phạm vi cả nước. Mối liên hệ giữa các dòng tu và hệ phái, giữa các bậc tu hành xuất gia và tại gia, trước hết và chủ yếu vẫn nẩy sinh từ tình cảm rất tự nhiên giữa những người đồng đạo chứ không phải là từ sự kết nối giữa các thành viên trong một khuôn khổ nào đó. Dẫu vậy, sự ra đời và tồn tại trong nhiều thế kỷ của Tăng Ban cũng rất xứng đáng được trân trọng ghi nhận.

Thứ nhất, Tăng Ban là cơ quan được ủy thác việc cấp phép cho người xuất gia tu hành[10] và đề nghị triều đình phong chức Quốc Sư cho một số bậc cao tăng [11].

Thứ hai, Tăng Ban tổ chức cho Nhà sư và Đạo sĩ tham dự các kỳ thi [12] để định rõ thứ bậc cao thấp và trên cơ sở đó, đề nghị triều đình ban chức tho họ. Cuộc thi tìm hiểu về kinh Kim cương vào tháng 10 năm Tân Dậu (1321)[13] có thể coi là ví dụ tiêu biểu. Thứ ba, thống kê rồi chia chùa chiền và đạo quán trong khắp cả nước thành ba loại chính : đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam [14]. Việc làm này có ý nghĩa giúp cho triều đình quản lý hệ thống các danh thắng của quốc gia. Thứ tư, Tăng Ban chuyên lo các đại lễ cầu đảo hoặc tạ ơn [15] tại kinh thành Thăng Long cũng như ở các địa phương quan trọng khác. Thứ năm, Tăng Ban luôn là cơ quan đồng tổ chức các khoa thi Tam giáo[16] vẫn thường được tiến hành dưới thời Lý và thời Trần.

- Tăng Ban là cơ quan quy tụ các cố vấn của triều đình. Nhà Lý và nhà Trần thường công khai bày tỏ thái độ đề cao người tài, chân thành lắng nghe tiếng nói của người tài. Trước thời Lý, lực lượng người tài gồm chủ yếu là Nhà sư và Đạo sĩ. Như trên đã nói, từ thời Lý trở đi thì các Nhà sư và Đạo sĩ có tài được tập hợp lại trong Tăng Ban. Với tất cả lòng ưu thời mẫn thế, Tăng Ban đã liên tục có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng của hoàng tộc, triều đình và quốc gia, các vị Hoàng Đế thường tham khảo ý kiến của Tăng Ban.

Nhiều vị Hoàng Đế nhà Lý và nhà Trần tỏ ra chừng mực trong hưởng thụ, nhân từ trong trị nước, mềm mại trong bang giao. Sự tốt đẹp này tất nhiên là kết quả của sự thụ bẩm nhiều nội dung giáo huấn khác nhau, trong đó, lời của Tăng Ban giữ vai trò rất quan trọng. Kể từ thời Lý, khoa cử Nho học bắt đầu được tổ chức và đến cuối thời nhà Trần, khoa cử Nho học đã đạt tới trình độ tương đối chính quy. Các bậc đại khoa Nho học luôn được coi là hiền nhân quân tử, là người tài.

Triều đình nhà Lý và nhà Trần tuy rất đề cao họ nhưng không coi họ là lực lượng trí thức mạnh nhất và duy nhất của quốc gia. Tăng Ban vẫn tiếp tục tồn tại và việc tham khảo ý kiến của Tăng Ban vẫn được triều đình thường xuyên duy trì. Hơn thế nữa, nhà Lý và nhà Trần còn cho rằng, người thực sự có tài phải là người thông hiểu cả Nho, Phật và Đạo. Cả ba hệ thống tri thức này phải liên kết và bổ sung cho nhau.

Đây chính là nền tảng nẩy sinh của hai hiện tượng gần như chỉ có dưới thời Lý–Trần. Một là về mặt lý luận, chủ trương Tam giáo đồng nguyên[17] hay Tam giáo đồng quy [18] được rất nhiều người ủng hộ. Nhận thức tuy có khác nhau nhưng xu hướng gắn kết tri thức của Nho học, Phật học và Đạo học là đồng nhất.

Muôn đời đều vậy, trí tuệ luôn luôn là quá trình quy nạp thành tựu tư duy của nhiều nguồn khác nhau. Hai là về mặt thực tiễn thì các khoa Tam giáo được tổ chức khá nhiều. Triều đình đặt ra các khoa thi là chuyện của triều đình còn như sĩ tử có tham gia hay không thì lại là chuyện của xã hội. Hai hiện tượng khá độc đáo nói trên đã tự xác nhận vai trò và ảnh hưởng mạnh mẽ của Tăng Ban.

* * *

Xuất phát từ tình cảm và nhận thức khác nhau, mỗi người được quyền có một thái độ khác nhau đối với Phật giáo và Đạo giáo. Nhưng, một khi đã thừa nhận cống hiến to lớn của nhà Lý và nhà Trần thì cũng có nghĩa là đã đương nhiên thừa nhận công lao không nhỏ của Tăng Ban, tức là của Phật giáo và Đạo giáo lúc bấy giờ.

Tp.Hồ Chí Minh, 5-2010

Nguyễn Khắc Thuần - Trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Bình Dương

-

[1] Bậc cao tăng này thuộc đời tổ thứ 5 của dòng Vô Ngôn Thông, một dòng Thiền Tông đã xuất hiện ở nước ta vào cuối thời Bắc thuộc. và truyền nối được 16 đời.

[2] Người đứng đầu lực lượng các Nhà sư của nước nhà.

[3] Đại Sư Đỗ Pháp Thuận là người thuộc đời tổ thứ 11 của dòng Thiền Tông Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci).

[4] Hiện chúng tôi chưa rõ Tăng Thống Quách Ngang thuộc dòng tu nào.

[5] Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5, tờ 6-a).

[7] Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5, tờ 6-a).

[8] Ví dụ : Hoàng Đế Lý Thái Tổ (1010-1028) tu tập tại gia theo dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Hoàng Đế Lý Thánh Tông (1054-1072) tu tập tại gia và là một trong những bậc thuộc đời tổ thứ nhất của dòng Thảo Đường. Hoàng Đế Lý Anh Tông ((1138-1175) tu tập tại gia và cũng là một trong những bậc thuộc đời tổ thứ ba của dòng Thảo Đường. Hoàng Đế Lý Cao Tông (1175-1210) tu tập tại gia và được coi là một trong những bậc thuộc đời tổ thứ năm của dòng Thảo Đường. Hoàng Đế Lý Huệ Tông (1210-1224) xuất gia tu hành tại chùa Chân Giáo (nay thuộc Hà Nội). Hoàng Đế Trần Thái Tông (1226-1258) tu tập theo dòng Lâm Tế. Hoàng Đế Trần Nhân Tông (1278-1293) xuất gia tu hành vào năm 1299, là người khai sáng và cũng là đời tổ thứ nhất của dòng Trúc Lâm Yên Tử, đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng.

[9] Ví dụ như trường hợp Trạng Nguyên Lý Đạo Tái (cũng có một số tài liệu viết là Trần Đạo Tái), đời tổ thứ ba của dòng Trúc Lâm Yên Tử, đạo hiệu là Huyền Quang.

[10] KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Chính biên, quyển II – tờ 21) cho biết, vào năm 1018, nhà Lý đã cho phép hàng loạt người trong cả nước được đi tu theo Phật giáo. Cũng ở quyển II, tờ 36 của sách này đã cho hay, năm 1031, nhà Lý cấp ký lục (giấy chứng nhận tu hành cho Đạo sĩ) cho khá nhiều người.

[11] Theo ghi chép của KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Chính biên) thì năm 1088, Nhà sư Khô Đầu được triều đình Lý Nhân Tông (1072-1127) phong làm Quốc Sư (quyển III, tờ 46). Năm 1136, đến lượt Nhà sư Minh Không được triều đình Lý Thần Tông (1128-1138) phong làm Quốc Sư (quyển IV, tờ 31)..

[12] KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Chính biên, quyển IX, tờ 19 và Chính biên quyển XI, tờ 23).

[13] KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Chính biên, quyển IX, tờ 19).

[14] Cuộc khảo sát và thống kê có quy mô lớn nhất tiến hành vào năm 1087, thời Lý Nhân Tông (1072-1127).

[15] Đại lễ tổ chức năm 1149 ở ngay trong kinh thành Thăng Long thời Lý Anh Tông (1138-1175) là một ví dụ.

[16] Ví dụ : khoa thi Tam giáo do triều đình Lý Cao Tông (1175-1210) tổ chức năm 1195.

[17] Tam giáo đồng nguyên : Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều cùng xuất phát từ một nguồn, một kho tàng trí tuệ chung của nhân loại.

[18] Tam giáo đồng quy : Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo tuy là ba tôn giáo rất khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở lý tưởng vì đạo đức và học thức của nhân sinh.

Sponsors_logo_a_chau_1_1381809468.jpgSitemap – Hyperlinks Faculty of Literature and Linguistics's Sitemap

University of Social Sciences and Humanities, VNU HCMC Hyperlinks Online Members We have 6007 guests online

Articles by Same Author


Nguyễn Khắc Thuần

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tang-ban-trong-bo-may-nha-nuoc-thoi-ly-tran-d16793.html)
Từ khóa: Nhà nước

Chủ đề liên quan:

bộ máy Nhà nước

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY