Tâm linh hôm nay

Tham luận của BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận

Nước Việt Nam có 4000 năm văn hiến thì Phật giáo đã hòa nhập, đồng hành cùng dân tộc đến hơn 2000 năm. Với ngần ấy thời gian, Phật giáo Việt Nam luôn hòa quyện, chung lòng, song hành và tích cực tham gia trợ lực chống các cuộc ngoại xâm và sống cùng với sự thăng trầm của đất nước.

Theo tinh thần đó, các nhà tư tưởng Phật học đã ví Phật giáo qua một ảnh dụ: “Phật giáo như nước - tùy theo vật dụng chứa đựng nó mà nước theo đó biểu hiện hình dạng: vuông, tròn, dài, ngắn, to, nhỏ… khác nhau v.v…”. Vì bản chất Phật giáo là “tùy duyên bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại


Trải qua 35 năm thành lập Giáo hội, nay đã đến Đại hội lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một Giáo hội trong lòng dân tộc, nhờ sự trợ duyên của Đảng, Nhà nước; vận động thống nhất các sơn môn hệ phái, thống nhất từ trong ý niệm - tổ chức và phương thức hành động. Nhờ đó tạo nên sự ổn định nội tại, phát huy được chức năng và đầy đủ sức mạnh để dung hòa - xây dựng Giáo hội với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.


Công bằng mà suy cứu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp và đầy sinh lực nhập thế mà tiền nhân đã để lại. Cho nên, trong bối cảnh nước nhà hoàn toàn độc lập, Phật giáo cũng thống nhất trong tổ chức, thống nhất ý chí và tư duy biện chứng để thể hiện tốt bản hoài câu châm ngôn thực tiễn trong lòng tăng ni, phật tử và dân tộc.


Về nội hàm ý nghĩa và mục tiêu câu châm ngôn này, hầu như Phật giáo Việt Nam đã thực hiện ngay từ khi có mặt ở đầu kỷ nguyên. Điển hình qua cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng kết thúc, nhiều nữ tướng của hai bà đã bỏ cuộc sống trần tục, theo tựa cửa Thiền như: Bát Nàn phu nhân, Tiều Hoa, Vĩnh Huy… Họ đi vào cửa Thiền không phải để tiêu cực lánh đời, mà họ thừa biết cửa Thiền có triết lý sống độ lượng, bao dung, từ bi vô ngã… để có thể từ đó, họ phục vụ xã hội nhân sinh dưới hình thức khác.

Như vậy, đạo pháp và dân tộc đã hòa quyện với nhau. Trên phương diện luận lý, không thể nói có đạo mà không có đời, hoặc chỉ có đời mà không có đạo. Vì con người hành đạo cũng từ người đời mà có và con người đời đã hàm dung đạo. Bởi lẽ đạo là chỗ dựa tâm linh, nằm ngay trong con người xã hội và vượt lên trên xã hội. Các nhà nghiên cứu tôn giáo cho rằng: “Từ khởi thủy, con người đã tìm đến đạo qua sự kiện bái vật linh, bái tự nhiên… mây mưa sấm chớp… Vì trong hiện thực, con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên. Khi xã hội chưa khai phóng, khoa học chưa tiến bộ, con người lo sợ trước những hiện tượng kỳ lạ nên cần phải có chỗ dựa ở tâm linh, từ đó mà có Đạo - Tôn giáo”.


Ngày nay, Phật giáo chúng ta sống và hành đạo trong nhịp thở của toàn cầu, trong xã hội văn minh tiến bộ, khoa học công nghệ đã lên đến mức cao xa; đặc biệt ở Việt Nam, lấy triết lý xã hội bình đẳng, tiến bộ, văn minh vì quần chúng của triết học Mác Lênin là điểm tựa, thì Phật giáo lấy con đường “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” là tất yếu.


Trải qua quá trình lịch sử với nền độc lập đầu tiên, thời nhà Đinh và Tiền Lê, Phật giáo hoàn toàn nhập thế với bổn phận hộ quốc an dân. Nhiều cao tăng đã giúp vua giữ nước, xây dựng xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “… Ngô Ma Ni làm tăng lục, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư…”. Theo đó, các sử gia đã đánh giá: “Ngô Chân Lưu không chỉ là nhà tôn giáo, mà còn là nhà văn hóa lớn, nhà ngoại giao, nhà chính trị và là nhà tư tưởng lớn giúp vua trị nước.” Đặc biệt là thời Lý, Trần, Lê, các vị cao tăng đã từng đóng góp cho xã hội, đất nước nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong đó có các vị như: Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Không Lộ. Hoặc nhà Trần có Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… từng là những anh hùng dân tộc. Ấy thế mà, khi xong nhiệm vụ họ lại quay về cửa Thiền làm Tổ Thiền phái Trúc Lâm, để lại cho hậu thế một Thánh tích vô cùng quý giá.


Nói như thế là để thấy tính nhất quán đặc thù của Phật giáo. Phật giáo luôn mang tính từ hòa, hỷ xả, vô ngã vị tha đối với mọi loài. Vì vậy, việc phục vụ chúng sanh, cứu giúp con người và xây dựng đất nước khi cần thiết là nghĩa vụ của người con Phật. Còn chủ nghĩa Mác Lênin có tính cộng thông, đoàn kết, bình đẳng, vì nhân dân lao động. Cho nên, đứng về lịch sử, Phật giáo mang tính quần chúng và tạo mô hình xã hội bình đẳng, điển hình là cuộc cách mạng xã hội giai cấp chuyên chính đầu tiên ở Ấn Độ đã hơn 2561 năm trên thế giới. Thế thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, dùng dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm phương châm triết lý để hành đạo, thật là mang tính khế cơ và khế lý và là một sự kế thừa đạo lý Phật giáo từ quá khứ để hành đạo trong hiện tại.


Phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đặc trưng trong tinh thần Bồ tát đạo. Bồ tát đạo lấy con người làm đối tượng để tu hạnh thí xả. Lấy xã hội làm quốc độ để kiến tạo nếp sống thánh thiện - an vui. Kinh Phật dạy: “Chúng sanh bệnh là Bồ tát bệnh, chúng sanh khổ là Bồ tát khổ”. Bồ tát xem sự đau khổ hay hạnh phúc an vui của chúng sanh như thực tế của bản thân mình. Vì:


Bồ tát thanh lương nguyệt

Du ư tất cánh không

Chúng sanh tâm cấu tận

Bồ đề ảnh hiện trung


Cũng vậy, Kinh A Hàm đức Phật dạy: “Ta ra đời vì lợi ích cho số đông, vì lợi ích cho chư thiên và loài người…”. Điều đó không khác gì lý tưởng xã hội chủ nghĩa công bằng - bình đẳng - vì lợi ích cho tầng lớp công nông, giải phóng nô lệ, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang ở trong thời điểm có nhiều thuận lợi để phát triển toàn diện. Thuận lợi vì có một sự tương đồng giữa chủ nghĩa Mácxit và triết lý Phật giáo. Thuận lợi vì Đảng và Nhà nước đều xem các tôn giáo bình đẳng như nhau, không thiên vị. Thuận lợi vì mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng.


Nó giống như lời của đức Phật đã nói với Tu Bạt Đà La: “Ông đừng tin ta, cũng đừng tin các đạo sư tự xưng là tối thượng, mà ông hãy đem đạo lý ấy ứng dụng, nếu đem lại lợi ích cho mình, cho người và cho cả hai thì ông hãy tin”. Phật giáo là vậy, rất tự do, rất thực tiễn. Cho nên, có một số nhà tư tưởng thời đại đã xem Phật giáo ngày nay phát triển rực rỡ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội không khác gì thời đại vàng son của Phật giáo thời Lý Trần. Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tâm suy xét thì Phật giáo Việt Nam ngày nay có lợi thế hơn các thời đại trước đây về nhiều mặt.


1. Hơn về mặt thời đại toàn cầu hóa


Ngày nay, các nước đang có xu hướng liên kết một xã hội cộng thông, không gian được thu hẹp, thời gian được rút ngắn. Khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, bùng nổ thông tin toàn cầu. Vì vậy, Phật giáo thuận lợi trong việc tiếp cận quần chúng để cân nhắc, soi rọi, so sánh, chọn lọc và hòa nhập vào xã hội theo định hướng của mình; để đến với từng lĩnh vực, từng tầng lớp con người mà vẫn giữ được sắc thái của riêng mình.


2. Hơn về mặt hệ thống tổ chức

Từ khoa học, xã hội, công nghệ tiên tiến, tổ chức Phật giáo được định hình một cách bài bản trật tự. Từ vai trò lãnh đạo, danh xưng chức vị trong bộ máy hành chính, đến hệ thống văn phòng, thiết bị máy móc làm việc… theo một quy trình tương ứng với xã hội bên ngoài, nên việc điều hành phật sự rất nhanh gọn, thích hợp và hiệu quả, phổ cập hiệu lệnh thông tin đến các cơ sở thứ cấp một cách dễ dàng.


3. Hơn về mặt nhân sự


Thông thường có thể nói “Nhân tài thời nào cũng có”. Thế nhưng, để có một bộ phận nhân sự bài bản, đồng bộ, được đào tạo hẳn hoi, có kiến thức chuyên môn cao thì không phải thời nào cũng có được. Thời cha ông chúng ta cũng có những bậc tài năng xuất chúng nhưng đó chỉ là cá biệt, tài năng đó gần như tự nhiên mà có, tự rèn luyện, tự học, rồi tự tham gia ứng dụng là chính. Còn Giáo hội Phật giáo nay đã đạt được một hệ thống giáo dục đồng bộ. Trên cả nước có 4 học viện chính quy, 8 lớp cao đẳng; hơn 30 trường trung cấp và 50 lớp sơ cấp.


30 năm qua đã cho ra trường đến hàng nghìn cử nhân, cao đẳng và đã đào tạo hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ từ nước ngoài. Đó là những thành quả mà hệ thống giáo dục của Phật giáo đã đào tạo ra những nhân tố thiết thực cho thời đại. Dầu muốn hay không, những nhân sự đó là sản phẩm của Giáo hội; là nhân tố đương nhiên trên nền tảng đương nhiên của xã hội.


4. Hơn về mặt thiết thực trong việc hành đạo


Các tăng ni tốt nghiệp các trường Phật học ngày càng nhiều, họ lan tỏa đi mọi miền đất nước để hoằng dương Phật pháp.Các đô thị lớn là nơi hội tụ, còn các vùng sâu, vùng xa vẫn được lan rộng để thiết lập đạo tràng, tạo nên sự phong phú về chương trình tu học như: tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, Bát quan trai, Phật thất, một ngày - một giờ an lạc v.v… để đáp ứng mọi căn cơ của quần chúng tiếp cận và thâu nạp giáo lý căn bản của Phật một cách không ranh giới. Có thể nói, trong thời đại văn minh, công nghệ tiến bộ, Phật giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc và văn hóa đạo đức của dân tộc.


5. Hơn về mặt văn hóa kiến trúc vật chất


Chúng ta có thể cảm thông rằng, vì thời xưa khoa học kỹ thuật chưa phát triển, lại thêm chiến tranh triền miên, vì vậy các công trình tôn giáo, kiến trúc chùa chiền tháp miếu… chưa được xây dựng quy mô. Kinh sách tranh tượng chưa được in ấn nhiều. Ngày nay, sống trong thời đại hòa bình, với sự trợ duyên của Đảng, Nhà nước, việc chùa tháp được trùng tu, xây dựng mới với thiết kế khang trang từ thành thị đến nông thôn là điều phải công nhận. Nhiều công trình chùa tháp mang tầm khu vực và quốc tế như chùa Bái Đính, chùa Đại Nam, chùa Đại Tòng Lâm, hoặc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh…, Tượng Thích Ca bằng đồng nặng 100 tấn ở Văn hóa Tràng An, tượng Phật ngọc nguyên khối hàng chục tấn ở chùa Tùng Vân - Vĩnh Phúc, quả cầu Như Ý 6,5 tấn bằng đá rubi ở chùa Lân - Yên Tử… Phật giáo Việt Nam cũng đã dịch xong bộ Đại tạng kinh Pali và hàng nghìn đầu kinh sách được xuất bản… Điều làm cho thế giới nhìn về Việt Nam với sự cởi mở rằng: Việt Nam thật sự có tự do tín ngưỡng - tôn giáo.


6. Hơn về mặt phổ cập xã hội


Xưa thì quần chúng nhân dân thường bảo “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Từ đó cho ta thấy, người dân xưa kia thường chỉ biết đến chùa làng, tụng kinh, niệm Phật, lễ bái cầu an, cầu siêu và vị tu sĩ ở chùa cũng chỉ làm trách nhiệm xoa dịu nỗi đau khổ cho quần chúng ở mức tín ngưỡng tâm linh đơn giản như vậy. Còn hiện nay, chúng ta có đầy đủ máy móc băng đĩa, kinh sách, giảng pháp và phổ nhạc kinh điển đủ hạng loại, được phổ biến đến cả những người không phải là phật tử.


Tất cả họ là tài xế taxi, là người bán vé số, bán hàng rong, xe ôm v.v… cũng có thể nghe nhạc kinh A Di Đà, nhạc Pháp Hoa, chú Bát Nhã, vãng sanh niệm Phật…, phương pháp truyền bá ấy đã trở thành văn hóa tâm linh thời đại. Vì vậy, Phật giáo không cần phải là Quốc đạo hay Quốc giáo mà nó đơn giản là Đạo của dân tộc, của quần chúng là đủ. Lý do là nó đã đi vào lòng người trong xã hội một cách êm ả, nhẹ nhàng từ lúc nào không biết.


Kết luận


Trong quá khứ cũng như hiện tại, Phật giáo với dân tộc là một. Dù ở xã hội phong kiến hay xã hội chủ nghĩa, vai trò Phật giáo vẫn tùy thuận đóng góp vào bản sắc văn hóa của dân tộc, trợ giúp con người, tham gia xây dựng đạo đức xã hội. Tuy nhiên, xã hội chủ nghĩa với đạo pháp hôm nay là một nấc thang để cho Phật giáo phát huy toàn diện năng lực của mình. Vì xã hội chủ nghĩa mang lý tưởng, công bằng, bình đẳng, văn minh, tiến bộ, ấm no hạnh phúc cao cả mà con người hướng đến. Cũng vậy, tăng đoàn Phật giáo với bản tính từ bi, bình đẳng, hòa hợp là mục đích cao cả mà người Phật giáo luôn tâm niệm. Như vậy, cả hai đều chung bản hoài, chung mục đích, chung lý tưởng, cho nên đạo đời ở đây đều cùng nhau nhìn về một hướng. Với giáo nghĩa Bồ tát đạo, lòng từ vô lượng, hỷ xả bao dung, hòa hợp đoàn kết vô ngã vị tha, Phật giáo Việt Nam sẽ đem lại cuộc sống văn minh tiến bộ ấm no hạnh phúc nhất mà bao nhiêu tôn giáo, bao nhà triết học, xã hội tư tưởng… đều mong mỏi.


Tham luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)

PGVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tham-luan-cua-bts-ghpgvn-tinh-binh-thuan-d29037.html)

Chủ đề liên quan:

bình thuận tỉnh bình thuận

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY