Và rồi, môi trường kinh tế mở này sẽ tiếp tục chào đón, trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư với những dự án mang tính chất động lực, đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị mà Thanh Hóa đang vươn lên mạnh mẽ, chi thường xuyên đã gần như tự chủ, kinh tế đang chuyển mình trở thành vùng trọng điểm của khu vực Bắc miền Trung. Thanh Hóa đã gần như xóa bỏ cái mác là “tỉnh nghèo” trong mắt các tỉnh bạn. Với một loạt những kết quả, thành tựu đã đạt được, Thanh Hóa đã và đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2020
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ban, ngành cùng toàn thể nhân dân toàn tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả rất đáng vui mừng. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, đã có 8 huyện, TP, gần 376 xã (đạt 64,4%), gần 1.000 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra). Năm 2015 Thanh Hóa thu ngân sách mới đạt 11.000 tỉ đồng; năm 2016 là 11.300 tỉ đồng; năm 2017 là 13.300 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Thanh Hóa thu ngân sách cao kỷ lục, lên tới 23.464 tỉ đồng; năm 2019 là hơn 28.000 tỉ đồng; năm 2020, ước tính gần 29.000 tỉ đồng (đứng thứ 11 cả nước). Ngoài ra, quy mô nền kinh tế lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 là 15,16%, năm 2019 là 17,15% (toàn nhiệm kỳ là 12,1%), đứng đầu Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.
Đến với Thanh Hóa, nổi bật nhất đó là sự phát triển mạnh mẽ của 4 khu vực trọng điểm. Đó là khu kinh tế Nghi Sơn, khu du lịch Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, và khu công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn.
Một góc TP Thanh Hóa
Những năm gần đây, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện, lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một phong phú. Cảng Nghi Sơn cũng đã có tuyến hàng hải quốc tế, mở ra cơ hội phát triển to lớn và sự thông thương hàng hóa qua đây.
Với sự quan tâm đúng mực của các cấp, ban, ngành, khu du lịch biển Sầm Sơn cũng đã có sự thay da đổi thịt chóng mặt, hoàn toàn theo hướng tích cực, mang đến diện mạo mới, thu hút khách du lịch không chỉ nội địa mà còn cả ở quốc tế. Với sự đồng tư đồng bộ của tập đoàn FLC và sắp tới là Sun group, dự báo trong thời gian tới, Sầm Sơn còn có thể phát triển rực rỡ hơn nữa.
Từ sản lượng 2,5 triệu tấn/năm, đến nay Bỉm Sơn đã đạt gần 9 triệu tấn/năm và đang tiếp tục đi lên, góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh sản xuất xi măng hàng đầu cả nước.
Đến với Nghi Sơn, phát triển đột phá được thúc đẩy bởi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mà hạt nhân là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9 tỉ USD. Cuối cùng là một Lam Sơn - Sao Vàng đang từng ngày hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành "thành phố sân bay".
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến khẳng định, Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và nước ngoài; cam kết luôn đồng hành, sát cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng hơn; cam kết bảo đảm an ninh trật tự; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ngày 17/7 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, chính thức thông qua đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tại cuộc họp, Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của các cấp, các ngành, từ đó xác định những giải pháp mới, đột phá, thu hút mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Đây sẽ là giai đoạn đầy cơ hội và cũng ngập thách thức đối với tỉnh Thanh trong thời gian tới. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, Thanh Hóa đã và đang thay đổi và chuyển mình để bứt phá, nhanh chóng vươn mình để khẳng định tầm vóc sánh ngang với các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Thành Phan