Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thích thú những clip chống COVID-19 của các bệnh viện

(MangYTe)- Clip cổ động và hướng dẫn phòng, ngừa dịch COVID-19 của các bệnh viện ở TP.HCM thu hút nhiều người xem.

Nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM tạo ra những clip cổ động và hướng dẫn biện pháp phòng chống COVID-19 sinh động, sáng tạo và hiệu quả.

Cổ động phong trào rửa tay và hạn chế ra ngoài

“… Cùng rửa tay xoa xoa xoa đều. Đừng cho tay lên mắt, mũi, miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người. Đẩy lùi virus corona, corona. Luôn nâng cao sức khoe và vệ sinh không gian xung quanh mình. Cùng nâng cao ý thức của xã hội. Đẩy lùi virus corona corona…”.

Hình ảnh trong clip cổ động rửa tay và hạn chế ra ngoài của BV quận 11. Ảnh: BVCC

Bài hát sôi động “Ghen Cô Vy” của nhạc sĩ Khắc Hưng được Đoàn thanh niên BV quận 11 sử dụng làm nền cho clip có nội dung cổ động phong trào rửa tay và hạn chế ra nơi công cộng.

Những động tác rửa tay, không đưa tay lên mắt mũi miệng, hạn chế ra ngoài… được diễn tả sống động bởi hơn 10 đoàn viên thanh niên là bác sĩ (BS), điều dưỡng, nhân viên của BV. Clip quay nhiều phân cảnh chân thực khiến người xem thích thú và hiểu rõ nội dung.

BS Lê Nguyễn Hoàng, Bí thư Đoàn thanh niên BV quận 11, cho biết clip nói trên được hình thành nhằm chào mừng ngày thành lập Đoàn 26-3 và góp phần cổ động phòng chống dịch COVID-19. “Nội dung, dàn dựng, quay phim đều do Đoàn thanh niên BV thực hiện. Cho dù hình ảnh và kỹ xảo chưa thực sự đẹp nhưng hiệu quả cổ động phong trào rửa tay, hạn chế ra ngoài vẫn lan tỏa’ – BS Hoàng chia sẻ.

Hướng dẫn ngừa dịch tại cơ sở y tế

Tương tự, tiết tấu sôi động của bài hát “Ghen Cô Vy” cũng được khoa Tạo hình thẩm mỹ-Thần kinh nhãn khoa BV Mắt TP.HCM sử dụng trong clip tuyên truyền rửa tay, mang khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế, không tụ tập đông người, ngồi cách xa 2 m… để bảo vệ chính mình.

Cũng tại BV Mắt TP.HCM,  “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” của nhạc sĩ Minh Beta có đoạn "Đừng share chuyện sai trên Facebook. Phải đeo khẩu trang cho đúng lúc. Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay Corona…” được khoa Dược sử dụng làm nền cho clip hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại cơ sở y tế.

Clip quay hình ảnh điều dưỡng mở cửa sổ, lau chùi bàn ghế cùng máy tính nơi làm việc kèm dòng chữ “Thực hiện thông thoáng khu vực làm việc”, “Thực hiện vệ sinh khu vực làm việc” để người xem dễ tiếp thu.

Clip còn quay cận cảnh BS, điều dưỡng của khoa hai tay chụm lại tạo hình trái tim kèm dòng chữ “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì chúng tôi” như thông điệp nhắc nhở mọi người hạn chế ra đường khi không cần thiết.

Cuối clip, dòng chữ “Chiến thắng Corona. Đồng lòng chống dịch Corona. Bình yên, hạnh phúc đến mọi nhà. Diệt tan virus từng khu phố. Chờ ngày chiến thắng ắt về ta” xuất hiện trên màn hình thể hiện sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 của toàn thể nhân viên y tế BV Mắt TP.HCM.

BS Tạ Thùy Linh, Chủ tịch Công đoàn BV Mắt TP.HCM cho biết BV tự làm 22 clip với nội dung cổ động và hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 .

“Kịch bản, dàn dựng, quay phim do chính nhân viên y tế BV thực hiện dựa theo tài liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài BS và điều dưỡng, clip còn có sự tham gia của bệnh nhân nên cho dù động tác diễn tả chưa nhuần nhuyễn, thiếu nhịp nhàng nhưng vẫn gây hứng thú cho người xem bởi có tính sáng tạo. Tất cả clip được đăng tại trên trang điện tử của BV” – BS Linh nói.

Chỉ cách bảo vệ da tay và làm sạch điện thoại

Tại BV Da liễu TP.HCM, ngoài clip cổ động và tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, phòng Truyền thông còn làm clip hướng dẫn bảo vệ da tay không khô ráp, nức nẻ do liên tục rửa tay hoặc chỉ cách vệ sinh điện thoại di động để tự bảo vệ sức khỏe giữa mùa dịch COVID-19.


Hình bàn tay nứt nẻ được minh họa trong clip hướng dẫn bảo vệ da tay của BV Da liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

Clip bảo vệ da tay ghi cận cảnh hình ảnh bàn tay bị khô, ngứa ngáy, nức nẻ, chảy máu… do thường xuyên rửa với nước cùng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn.

Để không rơi vào tình trạng trên, ThS-BS Nguyễn Duy Quân hướng dẫn dùng khăn giấy chùi nhẹ bàn tay sau khi rửa nước với xà phòng. Tiếp theo dùng kem dưỡng ẩm xoa đều hai bàn tay, chú ý các đầu ngón tay vì là vị trí dễ khô và nứt nẻ. Trong trường hợp rửa tay với dung dịch sát khuẩn chứa cồn, nên chờ tay khô hoàn toàn trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm.

Kèm những lời hướng dẫn của BS Quân là hình ảnh minh họa sử dụng kem dưỡng ẩm và dòng chữ chạy phía dưới để người xem dễ nắm bắt nội dung. Clip sử dụng âm nhạc nhẹ nhàng, dịu êm để tăng thêm sức thu hút người xem.

Tương tự, clip hướng dẫn vệ sinh điện thoại di động giữa mùa dịch COVID-19 để bảm bảo sức khỏe bản thân do ThS-BS Phan Ngọc Huy “đóng vai chính” thu hút nhiều người xem bởi góc quay đẹp kèm hình ảnh minh họa tinh tế, hấp dẫn.

TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết BV cho ra những clip thực tế gắn liền với hoạt động phòng chống COVID-19 nhằm truyền thông tới từng người bệnh, thân nhân để chung tay góp phần mau chóng đẩy lùi dịch bệnh.

“Clip dược đăng tải trên trang điện tử của BV và được sự đón xem của rất đông người bệnh và thân nhân” – TS-BS Hào nói.

Tôi hiện là bệnh nhân khoa Lâm sàng 1 của BV Da liễu TP.HCM. Tôi thường vào trang điện tử của BV để xem các clip cổ động và hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.

Từ những clip này, tôi có thêm kiến thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình trước bệnh COVID-19 để không bị lây nhiễm trong cộng đồng. Bà N.T.TM, 54 tuổi, bệnh nhân khoa Lâm sàng 1 BV Da liễu TP.HCM.

TRẦN NGỌC

Mạng Y Tế
Nguồn: PLO (https://plo.vn/suc-khoe/thich-thu-nhung-clip-chong-covid19-cua-cac-benh-vien-904997.html)

Tin cùng nội dung

  • Những ngày giáp tết, Mangyte.vn nhận được rất nhiều câu hỏi về việc khám chữa bệnh trong những ngày tết, số điện thoại cấp cứu và lịch nghỉ tết của các bệnh viện. Chúng tôi xin giải đáp chung như sau:
  • Sau khi Mangyte trả lời câu hỏi của bạn Thanh Vân (van.le…@gmail.com) về Thuốc “tiêu sợi huyết” dùng để cấp cứu đột quỵ, nhiều bạn đọc hỏi bệnh viện ở địa phương mình có sử dụng Thuốc này hay không?
  • Thưa bác sĩ, Tôi có người bạn viêm thận mãn độ 4, hơn 1 năm nay trị liệu bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc tại nhà, nhưng tình hình sức khỏe gần đây không khả quan. Nay bạn tôi muốn thay thận (do người cô ruột cho) xin hỏi bác sĩ:
  • Mangyte cho em hỏi các bệnh viện lớn ở TPHCM được nghỉ tết âm lịch mấy ngày? Vì nhà em ở xa lên tết này em có người nhà ở đó, em đi lên đó chơi tiện em đi khám luôn nhưng không biết ngày nào. Mong Mangyte giúp em với! (Em Dũng - Lâm Đồng) Mangyte cho tôi hỏi mùng 4 tết BV Bạch Mai làm việc chưa? Hôm qua tôi bị đau thắt ngực, hôm nay thì lại không sao nhưng tôi muốn đi kiểm tra tim mạch cho yên tâm. Cảm ơn Mangyte! (Nguyễn Văn Tuấn - Hà Nội)
  • Tết tây này được nghỉ tới 4 ngày, tôi muốn tranh thủ mấy ngày nghỉ đi làm mấy cái xét nghiệm mà không biết BV Hòa Hảo có nghỉ tết tây không? Ông bác tôi thì định đến BV Đại học Y dược để nội soi qua mũi, liệu có đi được không hay đợi qua năm mới? Còn Khám bệnh online của Mangyte có nghỉ tết tây không vậy? Cảm ơn Mangyte, chúc năm mới nhiều niềm vui! (Trần Đức Nhân - TPHCM)
  • Chào bác sĩ, Cháu bị lệch sống mũi do va chạm cách đây 4 năm. Hiện cháu không tự tin khi giao tiếp vì chiếc mũi bị lệch 1 bên. Cháu muốn chỉnh mũi lại nhưng không biết nhiều thông tin về lệch sống mũi, phương pháp chữa lệch sống mũi nào giúp lành và tự nhiên nhất, nên khám chữa tại bệnh viện nào và giá cả là bao nhiêu? Mong nhận được hồi âm sớm từ BS. Cháu cám ơn BS nhiều! (Hùng Lê - hungle...@gmail.com)
  • Bác sĩ cho em hỏi khám ngực ở bệnh viện nào uy tín vậy ạ? (Thanh Tuyền – TPHCM)
  • Em muốn mua bảo hiểm y tế của bệnh viện da liễu TPHCM, vậy em có thể mua ngay tại BV không ạ? Nếu có thể thì được lấy ngay không và giá bao nhiêu vậy ạ? Em rất mong nhận được phản hồi từ mangyte, em xin cám ơn. (Anh Vân - tranong...@gmail.com)
  • Tết đến Xuân về trên khắp các nẻo đường trên cả nước nhưng có lẽ, tại các bệnh viện, không khí Tết luôn lặng lẽ hơn bởi nơi đây còn biết bao lo âu, bao nỗi buồn... hiển hiện trên gương mặt những người bệnh nặng sẽ phải ăn Tết trong bệnh viện.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY