Tâm linh hôm nay

Thiền sư Nguyễn Minh không và một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc

Các lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc có liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không bên cạnh ý nghĩa biểu hiện tấm lòng tôn kính, ngưỡng vọng ngài của tín đồ, phật tử và người dân, còn là minh chứng cụ thể cho lịch sử gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam.

1. Thiền sư Nguyễn Minh Không, lịch sử và huyền thoại

Theo pháp hệ được Thiền Uyển Tập Anh ghi lại, Thiền sư Nguyễn Minh Không (1066 – 1141) là vị Thiền sư thuộc thế hệ thứ mười ba của dòng Pháp Tỳ Ni Đa Lưu Chi. ngài nổi danh là một vị thiền sư đức cao vọng trọng, được triều đình nhà Lý tôn phong làm Quốc sư. Thân thế và công nghiệp của ngài được cả chính sử lẫn dã sử đề cập, trong đó đáng chú ý có một số yếu tố nhuốm màu huyền thoại.

Chính sử tiêu biểu là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Tân Hợi, Thuận Thiên năm thứ 4 (1131). Dựng nhà cho đại sư Minh Không”. Đến “Bính Thìn, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 4 (1136), tháng 3 (…) Vua (Lý Thần Tông) bệnh nặng, chữa Thu*c không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư”. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn cho biết thêm: “Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem Thu*c niệm thần chú rồi trao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”. như vậy theo đó, Thiền sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, vốn là học trò của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngài được triều đình trọng vọng, dựng nhà cho ở. Về sau, với y thuật siêu việt, ngài chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được nhà vua ban phong làm Quốc sư. Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngài viên tịch vào năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) đời vua Lý Anh Tông: “Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không mất”. mỗi khi có tai ương hạn lụt, ngài đều ứng hiện giúp dân.

Hay như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có ghi: “Bính Thìn, năm thứ 4 (1136), tháng 3, mùa xuân (…) Nhà vua đã khỏi tật; ban hiệu Quốc sư cho Minh Không”. Ngoài ra còn ban tô thuế mấy trăm hộ để ngài được hưởng dụng.

Sách Thiền Uyển Tập Anh khi đề cập tới hành trạng ngài có bổ sung chi tiết hơn: “Quốc sư Minh Không, chùa Quốc Thanh, Trường An, người làng Đàm Xá, Đại Hoàng, họ Nguyễn tên Chí Thành”. Ngài bản tính ham học hỏi, thường đi du lãm khắp nơi. Một ngày đến chùa Thiên Phúc, Ngài được Thiền sư Từ Đạo Hạnh yêu mến, thu nhận đi theo. Qua 17 năm trời khổ cực, ngài được Thiền sư Từ Đạo Hạnh ban tâm ấn, cho tên là Minh Không. Khi vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, các lương y trong thiên hạ đều bất lực, vô phương cứu chữa. ngài ra tay, bệnh tình nhà vua mới khỏi hết. Ngài được nhà vua phong làm Quốc sư, cho thuế vài trăm hộ để tưởng thưởng.

Đó là những dữ liệu lịch sử ghi nhận về Thiền sư Nguyễn Minh Không. Sang huyền thoại về Ngài, có nhiều dã sử và truyền thuyết dân gian xưng tụng. Trước hết là sự tích quan hệ giữa Ngài và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lĩnh Nam Chích Quái viết: “Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, đất Trường An, có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo pháp, trải hơn mười năm”.

Theo tích này thì Ngài là đệ tử của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, được Thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền cho đạo pháp. Việt Điện U Linh lại nêu một thuyết khác, đó là giữa ngài, Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải là bạn bè. Cả ba người cùng nhau học được linh pháp. Ban đầu do có chút hiểu lầm nên bất hòa, sau đó hiểu lầm được hóa giải, ba người kết nghĩa anh em. Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em út, cùng nhau trao đổi phép tiên. Còn theo Thiền Uyển Tập Anh thì Thiền sư Từ Đạo Hạnh và ngài đều thuộc dòng pháp Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tuy nhiên, Thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ thứ mười hai, và là thầy của Ngài

Thứ hai là sự tích ngài chữa bệnh cho vua. các truyền thuyết đều đề cập đến chi tiết vua Lý Thần Tông bị bệnh lạ, lông tóc mọc dài, thân thể rất đau đớn. các lương y giỏi nhất đã dùng đủ mọi cách mà vẫn bất lực. Triều đình đang tuyệt vọng thì nghe trẻ con hát rằng: “Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không” (nghĩa là: muốn chữa bệnh thiên tử, phải tìm Nguyễn Minh Không). Sứ giả được lệnh tức tốc lên đường. Khi gặp được ngài, quan quân mệt mỏi rã rời, ngài bèn lấy nồi nhỏ nấu cơm cho ăn, lạ kỳ thay mọi người ăn mãi vẫn không hết. Đêm hôm đó, Ngài bảo lính thuyền cứ ngủ say. Sáng hôm sau, thuyền đã về đến kinh sư, ai nấy đều lấy làm kính phục. Vào triều kiến thiên tử, quần thần thấy ngài y phục quê mùa nên xem thường. Ngài bèn lấy một cây đinh dài đóng vào cột điện, thách ai nhổ ra được. Quần thần không ai dám bước ra, Ngài mỉm cười lấy 2 ngón tay kéo cây đinh ra, từ đó không kẻ nào dám coi thường Ngài. Ngài sai lấy vạc đựng dầu, đun sôi lên sùng sục, cho tay vào khoắng mấy lần rồi vẩy lên mình vua, tức khắc bệnh vua khỏi hết. Ở sự tích này, Việt Điện U Linh có thêm chi tiết là Thiền sư Giác Hải phụ trợ bên Ngài để làm phép.

Thứ ba là sự tích Tổ nghề đúc đồng. Thiền sư Nguyễn Minh Không được dân gian suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Truyền thuyết lưu truyền rằng Ngài là người có công đúc nên “Tứ đại khí” nổi danh thời Lý: Tháp báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. Nhiều làng nghề đúc đồng nổi tiếng như làng Chè, Rỵ (Thanh Hóa), làng Tống Xá (Nam Định), Lò Đúc, Ngũ Xã (Hà Nội)... đều thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không làm Tổ nghề. Hội hè hàng năm đều có nghi thức tế rước Ngài một cách long trọng với mong muốn được ngài chở che, phù hộ làng nghề phát triển, no ấm. Một hoạt động khá độc đáo ở hội chợ Viềng (Nam Định) hay hội Ngũ Xã (Hà Nội) gắn với sự tích Tổ nghề đúc đồng của Thiền sư Nguyễn Minh Không, đó là cứ đến hội người dân thường bày bán đồ đồng để tưởng nhớ đến Ngài. Theo quan niệm dân gian, người nào mua được món đồ đồng ưng ý tại hội về nhà thì sẽ có lộc suốt cả năm.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không đôi khi có sự đồng nhất với Thiền sư Dương Không Lộ. Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng nêu chi tiết Nguyễn Minh Không tu ở ngôi chùa có tên là Không Lộ. Không Lộ thiền sư ký ngữ lục lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình) thuật lại tiểu sử Dương Không Lộ, chỉ khác tên họ, quê quán, còn lại sự tích hoàn toàn trùng khớp với Nguyễn Minh Không. Theo Thánh tổ thực lục diễn ca cũng tại chính chùa Keo (Thái Bình) lại nói Không Lộ là pháp hiệu của Nguyễn Minh Không. Xét trên góc độ học thuật, thân thế hai vị Thiền sư phần nào đã được các nhà nghiên cứu làm rõ . Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian, đặc biệt tại các nơi thờ tự, tách biệt về sự tích giữa Thiền sư Nguyễn Minh Không và Thiền sư Dương Không Lộ thường mờ nhạt, trong nhiều trường hợp đã được hòa làm một.

2. Một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc có liên quan

Với đức hạnh và công nghiệp cao cả, Thiền sư Nguyễn Minh Không được thờ tự ở nhiều đền chùa trên khắp cả nước. Trong số các chùa thờ ngài, tập trung nhiều tại các địa phương miền Bắc, tiêu biểu như chùa Viên Quang (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Ngũ Xã (Hà Nội), chùa Trông (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Cũng tại các chùa này, hàng năm đều có mở hội tưởng nhớ và tôn vinh công đức Ngài.

Lễ hội chùa Viên Quang

Tích xưa truyền rằng, Thiền sư Nguyễn Minh Không sau khi đắc đạo đã trở về quê hương Đàm Xá dựng ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Viên Quang, nay thuộc địa phận hai xã Gia Thắng, Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. ngài đã tu trì Phật pháp tại đây cho đến lúc viên tịch. Nhân dân về sau đã biến chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài (còn gọi là đền Thánh Nguyễn), được xưng tụng là một trong “Hoa Lư tứ trấn”.

Tự hào là mảnh đất xuất sinh Thiền sư Nguyễn Minh Không, cứ đến ngày mồng 6, mồng 7/3 Âm lịch, hội chùa Viên Quang lại được diễn ra. Phần lễ trang trọng với nghi thức dâng hương chư Phật, tế rước Đức Thánh Nguyễn là Thiền sư Nguyễn Minh Không. Phần hội nhộn nhịp với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Có một chi tiết đậm màu huyền hoặc trong lễ hội là người dự hội sẽ được chiêm ngưỡng cây đèn đá cao hơn một mét, tương truyền khi Thiền sư Nguyễn Minh Không ngồi thiền tịnh, cây đèn đá này tự nhiên mọc lên, ánh đèn sáng tỏ tới tận trời cao, chim thú theo đó mà kéo về chầu tụ xung quanh.

Lễ hội chùa Keo

Chùa Keo còn có tên chữ là Thần Quang tự, nằm ở địa phận xã Duy nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây được đánh giá là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với lịch sử gần 400 năm. Theo Thánh tổ thực lục diễn ca lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa có tên gọi là Nghiêm Quang tự, sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư: Thiền sư Nguyễn Minh Không (pháp hiệu là Không Lộ). Nhằm suy tôn và tưởng nhớ tới Ngài, lễ hội chùa Keo hàng năm được diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/9 Âm lịch với nhiều nghi lễ tôn giáo và tập tục cổ truyền.

Phần lễ của hội chùa Keo bắt đầu từ sáng ngày 13/9 với nghi thức dâng hương tế bái tại ban thờ sư tổ cùng chư Phật. Tiếp sau là nghi thức rước kiệu quy mô lớn, phỏng lại các sự tích giúp Vua giúp nước của sư tổ xưa. Đi đầu đám rước là đôi ngựa hồng, ngựa bạch với đầy đủ yên cương, chân ngựa có 4 bánh, do các trai làng khỏe mạnh kéo. Theo theo là 8 lá cờ thần, có đội bát bửu, lỗ bộ cùng 42 người vác đồ tế khí hộ tống. Kiệu Thánh là cỗ kiệu bát cống uy nghi, hai bên là những người cầm quạt che kín. Đám rước với hàng nghìn người tham dự, mô phỏng sự tích nhà Vua mời Ngài vào cung chữa bệnh. Chiều ngày 14, tại tòa Giá Roi thực hiện nghi lễ Chầu Thánh. Ngày 15, đám rước hoàn cung.

Phần hội chùa Keo đáng chú ý với nhiều trò chơi dân gian cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật độc đáo. Chiều ngày 13 diễn ra các cuộc thi bơi chải sôi động, gợi nhớ lại tích ngài làm phép đưa thuyền về kinh sư trong một đêm. Tối ngày 13 còn có thêm các cuộc thi kèn, trống. Chiều ngày 14, hội lại rộn ràng với các điệu múa chèo cạn, múa “ếch vồ” mang đậm chất phóng khoáng của vùng dân cư ven sông nước. Song song với những hoạt động hội ngoài trời, bên trong chùa cũng nhộn nhịp với các cuộc thi diễn xướng về đề tài: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Qua 3 ngày 3 đêm, lễ hội chùa Keo đã thể hiện được tấm lòng thành kính của người dân nơi đây đối với Thiền sư Nguyễn Minh Không - vị Thiền sư có nhiều công lao giúp dân giúp nước thời nhà Lý. Đồng thời qua đó cũng phản ánh thêm nét sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của nền văn hóa nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ.

Lễ hội chùa Cổ Lễ

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mười tư tháng Chín thì về hội Ông

Hội Ông hay chính là hội chùa cổ Lễ, nhằm để tưởng nhớ tới Thiền sư Nguyễn Minh Không. Hội được diễn ra từ ngày 13 đến 16/9 Âm lịch tại chùa Cổ Lễ, thuộc địa phận thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tương truyền vào thế kỷ XII, Thiền sư Nguyễn Minh Không tu thành chính quả đã về đây dựng chùa. Trong suốt thời gian trụ trì chùa Cổ Lễ, ngoài tu giảng Phật pháp, ngài còn bốc Thu*c chữa bệnh giúp dân, đúc nên “Tứ đại khí” lừng danh, được người dân ca tụng, tôn xưng ông Tổ nghề đúc đồng.

Hội chùa Cổ Lễ được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa cổ truyền. Phần lễ có các nghi thức dâng hương cúng Phật, tế rước Thánh sư tức Thiền sư Nguyễn Minh Không. Lễ rước chính được tổ chức vào 14/9 Âm lịch - tương truyền là ngày Thánh Đản sinh. Đám rước kiệu Thánh từ chùa vòng đi quanh làng. Dẫn đầu là đội múa lân sư mở đường, đi sau là đội tế nam quan, nữ quan, nghi trượng, bát bửu, biểu lệnh. Đặc biệt, một bảo vật rất có giá trị ở chùa Cổ Lễ, khẳng định niềm tự hào về vị Thánh sư đúc đồng của tín đồ, phật tử và người dân nơi đây là quả chuông cao hơn 4m, nặng 9 tấn, được đúc với nhiều họa tiết tinh xảo.

Phần hội ngoài các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, tổ tôm, múa rối nước thì đặc sắc nhất là hội thi bơi chải. Đây là hoạt động diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội, kỷ niệm sự tích Thiền sư Nguyễn Minh Không xuôi theo đường thủy lên kinh chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Theo quan niệm dân gian tại hội chùa Cổ Lễ thì “Hễ mà bơi chải râm ran; Thánh cho đôi chữ bình an đời đời”nên các cuộc thi tài vô cùng sôi động và quyết liệt. Chải được nhà chùa phối hợp cùng ban tổ chức mời các nghệ nhân lành nghề đóng. Các họ tham gia tuyển chọn trai tráng tập luyện, chuẩn bị đầy đủ trang phục, dụng cụ thi đấu.

Chiều 12/9 Âm lịch các họ tổ chức rước kiệu lên chùa hầu Thánh, trên cạn là kiệu rước, đội bát âm, dưới nước có các đội bơi chải, gọi là nghi thức “bơi chầu Thánh”. Sáng 13/9 Âm lịch, sau khi nhà sư trụ trì chùa Cổ Lễ làm lễ tẩy uế các chải, hội bơi chải chính thức được bắt đầu. Trên mỗi chải có khoảng 16 người, gồm 12 tay bơi, 1 người lái 1 tay mõ, 1 tay cờ và 1 tay tát nước. Các chải phân biệt qua màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Trong 4 ngày hội (13 - 16), mỗi ngày các chải thi đấu 4 vòng quanh sông, thành tích được tính theo điểm số quy định. Chải thắng cuộc là chải có sự phối hợp nhịp nhàng, khéo léo nhất giữa các thành viên. năm nào chải của họ nào thắng thì cả họ năm đó tin rằng sẽ được Thánh phù hộ cho may mắn.

Lễ hội chùa Ngũ Xã

Chùa Ngũ Xã hay còn gọi là chùa Thần Quang thuộc địa phận làng Ngũ Xã, vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng đất Thăng Long xưa, nay là phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo bia Thần Quang tự bi ký tại đây thì chùa có niên đại từ thế kỷ XVIII, thờ Phật cùng Thiền sư Nguyễn Minh Không - được dân làng Ngũ Xã xưng tụng là Đức Thánh Tổ Thành Hoàng, Tổ sư nghề đúc đồng. Tên gọi Thần Quang tự của chùa được đặt theo tên chữ chùa Keo (Thần Quang tự) ngôi chùa gốc thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không ở Thái bình.

Hàng năm, cứ đến ngày mồng 1/11 Âm lịch, chùa Ngũ Xã lại cùng với dân làng mở hội tưởng nhớ vị tổ nghề đúc đồng - Thiền sư Nguyễn Minh Không. Hội Ngũ Xã gắn với truyền thuyết trâu vàng hồ Tây, truyện xưa kể rằng khi Thiền sư Nguyễn Minh Không ra Thăng Long có đúc một quả chuông đồng. Chuông đúc xong đánh lên tiếng vang rất xa. Trâu vàng trong kho của nhà Tống bên Trung Quốc nghe thấy tưởng tiếng trâu mẹ gọi bèn vùng lên chạy sang. Sợ hai nước vì thế mà hiểu lầm, sinh ra chiến tranh nên Thiền sư Nguyễn Minh Không cho đẩy chuông xuống hồ, trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống rồi lặn mất. Chùa Ngũ Xã hiện nay còn lưu giữ một pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng tọa trên đài sen cao gần 4m, nặng hơn 10 tấn, là kiệt tác đúc đồng của nghệ nhân Ngũ Xã, từng được sách Kỷ lục Việt Nam năm 2010 ghi nhận là pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng lâu đời nhất Việt nam hiện còn với nhiều giá trị lịch sử và thẩm mỹ quý báu.

Hội chùa Ngũ Xã diễn ra trang trọng với nghi thức dâng hương thỉnh Phật, thỉnh Tổ. Dân làng Ngũ Xã coi đây là lễ giỗ Tổ chung của làng, các họ đều bày soạn cỗ tế với xôi gà, hoa quả thịnh soạn. Phần hội tiếp theo với màn hát văn, quan họ cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi như đấu cờ, chọi gà. Ngoài ra, du khách tới hội còn được chiêm ngưỡng triển lãm các sản phẩm đúc đồng truyền thống Ngũ Xã như đỉnh đồng, lư hương, hạc, tượng tinh xảo.

Lễ hội chùa Trông

Ấn ban phong tặng Quốc sư Linh cấp thiêm gia Thánh tổ (Ấn ban phong tặng Quốc sư Linh thiêng ban thêm Thánh tổ) Đó là đôi câu đối tại chùa Trông ca ngợi công tích Thiền sư Nguyễn Minh Không. Chùa Trông tên chữ là Hưng Long tự, thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tương truyền chùa được Thiền sư Nguyễn Minh Không dựng nên vào khoảng thế kỷ XII, đời vua Lý Thần Tông. Sự tích chùa kể rằng, hai làng Hán Lý, Hào Khê (xã Hưng Long) xưa vốn là một làng, cũng chính là quê mẹ của ngài. Sau khi ngài chữa khỏi bệnh cho nhà Vua đã không màng danh lợi, mà dời gót thiền về đây dựng chùa, rồi hóa trên ngọn núi Tam Viên. Để ghi nhớ công ơn, hàng năm từ 15 đến 26/3 Âm lịch, nhà chùa cùng với nhân dân Hán Lý, Hào Khê lại mở hội tôn vinh Ngài.

Hội chùa Trông diễn ra trang trọng với nhiều nghi lễ tế rước trang nghiêm. Trong đó, quan trọng nhất là các lễ: rước nước (15/3), “xuất đông nhập tây” (20/3) và lễ tế Thánh về trời (26/3).

Lễ rước nước bắt đầu vào ngày 15/3. Đây là nghi lễ xin nước để cầu mong Thánh tổ Nguyễn Minh Không che chở. Ngay từ sáng sớm, người dân trong xã đã tập trung về chùa, đợi có hiệu lệnh của chủ tế sẽ xuất hành ra đê sông Luộc. Tại đây, Ban tổ chức bố trí sẵn 2 thuyền rước, vật phẩm mang theo có chóe sứ, thau đồng, gáo đồng, bát bửu, trống cái, trống con… mỗi thuyền chở khoảng 20 người, bơi ra đến giữa dòng sông lấy nước gọi là nước “Thanh thủy”, thời gian lấy nước thường vào đúng 12 giờ trưa. Nước sau đó được đưa trở lại chùa, dùng để dâng lên tế lễ, tắm tượng, thay áo mới cho Thánh. Áo cũ thay ra được chia thành nhiều mảnh, với quan niệm là “lộc Thánh” ban cho các giáp.

Qua mấy ngày hội hè rộn rã, đến 20/3, hội tổ chức lễ “xuất đông, nhập tây”. Đây là nghi lễ tưởng nhớ ân đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không cùng thân mẫu, thân phụ Ngài. Đoàn rước gồm 3 kiệu là kiệu Thánh tổ, kiệu thân phụ và kiệu thân mẫu Thánh. Các kiệu đi theo cung đường “nghinh thần”: từ cổng phải chùa (phía đông) ở Hán Lý vòng qua Hào Khê đến cổng Tam Viên (nơi ngài hóa, còn gọi là Mả Thầy) rồi trở về chùa theo cổng trái (phía tây). Tiếp sau đó sẽ tiến hành nghi thức tế Thánh. Theo lệ, tế phẩm phải gồm lục lễ là hương, đăng, hoa, quả, trà, oản. Thời gian tế khoảng 2 đến 3 tiếng, đến cuối buổi tế mới đọc chúc văn.

Kết thúc lễ hội chùa Trông là nghi lễ tế Thánh về trời vào sáng ngày 26/3. Toàn thể tín đồ, phật tử, người dân tham dự thành kính dâng hương trước tượng đức Thánh. Lễ tế được kết thúc trước giờ Ngọ (12 giờ trưa) vì tương truyền rằng đó là giờ thiêng để Thánh về cõi Phật.

Ngoài phần lễ chính, lễ hội chùa Trông còn có phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như hát chèo, múa hoa đăng, chọi gà, vật võ cổ truyền cùng nhiều trò chơi dân gian phong phú, đặc sắc khác.

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm

Thuộc địa phận xã Tràng an, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng ninh, chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng là ngôi chùa cổ, từng được xem là một trong những trung tâm Phật giáo Đại Việt xưa. Tương truyền chùa được khởi dựng cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI thời Tiền Lý. Sang thế kỷ XI-XII, Thiền sư Nguyễn Minh Không từng có thời gian tu tập ở chùa. ngài đã đúc cho chùa pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng nguyên khối, cao hơn 6 trượng - dân gian quen gọi là tượng Phật Quỳnh Lâm, được xưng tụng là một trong “Tứ đại khí” của nước Nam. Ngoài ra tại chùa, ngài còn tạc thêm một tấm bia đá có chiều cao gần 2,5m, bề ngang khoảng 1,5m. Sang thế kỷ XIV, với sự vận động tích cực của trụ trì chùa lúc đó là Trúc Lâm nhị Tổ Pháp Loa, chùa Quỳnh Lâm đã trở thành “Đệ nhất danh lam”, cơ sở tu tập, truyền kinh, giảng đạo hàng đầu cả nước.

Dẫu qua bao thăng trầm của lịch sử, cứ mồng 1 đến mồng 4/2 Âm lịch hàng năm, chùa Quỳnh Lâm lại mở hội tưởng nhớ đến công ơn hộ quốc tý dân, hoằng dương Phật pháp của các vị sư tổ, trong đó, Thiền sư Nguyễn Minh Không là vị Sư tổ với nhiều huyền tích xoay quanh. Tượng Phật Quỳnh Lâm ngài đúc hiện chỉ còn trong ghi chép của sử sách, bia đá cao lớn với hoa văn uốn lượn ghi dấu tạc của ngài cũng mai một qua thời gian. Nhưng trong tâm thức dân gian, tới lễ hội chùa Quỳnh Lâm, tín đồ, phật tử và khách hành hương luôn hướng tới ngài với tấm lòng thành kính nhất. Khai lễ chùa là màn tế rước, dâng hương chư Phật cùng các vị sư tổ. Ngoài tín đồ, phật tử và du khách, các làng của xã Tràng An theo truyền thống cũng tới chùa tế bái. Ai nấy đều trang nghiêm, cầu mong cho tâm hồn luôn được an lạc, thanh thản.

Tiếp sau phần lễ là phần hội chùa với những nét văn hóa đặc sắc. Các chương trình nghệ thuật chọn lọc, nhiều trò chơi dân gian độc đáo, kèm theo là những hoạt động thể thao sôi nổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi người. Lễ hội chùa Quỳnh Lâm có thể nói là sự hài hòa giữa truyền thống tôn giáo mà cụ thể ở đây là Phật giáo với truyền thống văn hóa dân tộc, được biểu hiện rõ nét qua hành tích, công nghiệp của vị sư tổ - Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Ngoài những lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc có liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không đã nêu trên, còn một số lễ hội Phật giáo khác có liên quan tới Ngài, trong khuôn khổ quy định của bài viết chúng tôi chưa có điều kiện đề cập được hết. Hy vọng có dịp trở lại, chúng tôi sẽ trình bày vấn đề được đầy đủ và chi tiết hơn.

3. Đôi lời kết

Thiền sư Nguyễn Minh Không - một nhân vật Phật giáo được nhân dân nhớ ơn, xưng tụng như một vị Tổ sư nghề đúc đồng, biểu hiện qua nhiều lễ hội Phật giáo tôn vinh. Các sự tích về ngài mang đậm nét văn hóa kết tinh giữa tinh hoa Phật giáo với tín ngưỡng cổ truyền, được tái hiện sinh động trong các nghi thức lễ hội: Đám rước kiệu long trọng - tưởng nhớ tích nhà vua mời ngài lên kinh chữa bệnh; hội bơi chải - tưởng nhớ tích ngài hóa phép cho thuyền tới Thăng Long trong một đêm; lễ tế Thánh sư - tưởng nhớ tích Ngài đúc nên Tứ đại khí, ông Tổ nghề đúc đồng nước Nam.

Các lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc có liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không bên cạnh ý nghĩa biểu hiện tấm lòng tôn kính, ngưỡng vọng ngài của tín đồ, phật tử và người dân, còn là minh chứng cụ thể cho lịch sử gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam. Về giá trị văn hóa, hoạt động lễ hội còn góp phần phản ánh thêm nét sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ.

Ths.Trần mạnh Quang - Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014

NCPH

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/thien-su-nguyen-minh-khong-va-mot-so-le-hoi-phat-giao-tieu-bieu-o-mien-bac-d15643.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY