Phóng sự hôm nay

Thoát nghèo từ những cánh đồng lớn

Từ những vùng đất lỗ chỗ đủ loại hoa màu, canh tác theo thói quen lạc hậu của đồng bào Ê Đê, Ba Na...

trải dài trên vùng đất trù phú của tỉnh Gia Lai nhưng đời sống vẫn không khấm khá lên được. Chính vậy nên chính quyền địa phương đã làm cuộc “cách mạng tâm lý” vận động hàng ngàn người dân từ bỏ ý nghĩ làm ăn manh mún, hứng khởi bước vào một quy trình sản xuất mới, dồn điền đổi thửa để có những mẫu lớn. Từ những lớn này, mở ra khát vọng kiến thiết đời sống mới.

Những cánh đồng mẫu lớn mở ra hy vọng thoát nghèo của hàng ngàn người dân vùng sâu.

Nhớ những ngày đầu quyết định vận động cả họ hàng, chòm xóm của mình từ bỏ tư duy cũ, ông Rah Lan Ký (ở buôn Ơi Briu 2) - Trưởng cánh đồng mẫu lớn xã Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) phấn khởi khoe: Mình được mọi người gọi là tiên phong trong việc thay đổi tập quán sản xuất. Ban đầu cũng sợ thất bại nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy, thực ra thì cũng đơn giản thôi, khi được chính quyền vận động và cam kết tham gia cánh đồng mẫu lớn sẽ thoát được nghèo, sẽ được các doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm đồng loạt, không phải mạnh ai nấy làm nữa nên ưng ngay. Niềm tin lúc đầu cũng mong manh lắm nhưng khi thấy cả lãnh đạo huyện cũng nói thế thì làm theo thôi.

Sáng tỏ ý nghĩ, ông Lanh Ký và hàng loạt gia đình khác có diện tích đất gần tương đương nhau nô nức ra đồng đi phá bờ, san đất phẳng chẳng mấy chốc đã thành một cánh đồng lớn mênh mông, bạt ngàn màu xanh của mía cao sản. Các cán bộ khoa học - kỹ thuật xuống tận ruộng cầm tay chỉ việc. Các công ty mía đường thì đầu tư 100% chi phí sản xuất như: Làm đất, giống, phân bón, Thu*c bảo vệ thực vật đồng thời khi thu hoạch đến đâu thu mua hết ngay đến đó, giá cao.

Bốc vác mãi vẫn không đủ lo cho đời sống sung túc, A Linh (xã Ia Tul, Ia Pa) ban đầu quyết gia nhập xây dựng cánh đồng mẫu lớn với ý nghĩ giản đơn là chẳng phải đi xa. Rồi, hai mùa vụ liên tiếp, mía được mùa, sản lượng vượt trội, cuộc sống thay đổi hẳn.

Bước vào năm 2020, A Linh bộc bạch: Giờ con cái ốm đau cũng không sợ thiếu tiền mua Thu*c. Tết đến nhà có đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm rồi. Cánh đồng mẫu lớn cứ như là cánh cửa của những hy vọng mới với những người dân nơi đây vậy.

Thấy các cánh đồng ở xã bạn không còn chật vật lo nước tưới thủ công với nhiều loại hoa màu khác nhau mà có máy tưới công nghiệp làm cho bao la mía quanh năm xanh tốt nên hàng loạt người dân ở các buôn Tơ Khế, buôn Biah A (xã Ia Tul, Ia Pa) cũng xung phong được thay đổi nếp nghĩ cũ, không giữ những thửa ruộng nhỏ bé của gia đình mình nữa mà góp vào với cộng đồng thành những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo quy trình hiện đại.

Người dân - là chủ thể của đất chỉ phải phân công nhau làm những việc phụ còn tất cả đã có máy móc lo. Các kỹ thuật mới, phân bón cũng đã được mang đến tận nhà hướng dẫn cặn kẽ.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Ia Pa thì với cách sản xuất cũ trên những thửa ruộng nhỏ, không áp dụng cơ giới được, cũng không chủ động nước tưới được nên năng suất rất thấp. Với mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ tăng năng suất gấp đôi. Đơn cử như cánh đồng mía mẫu Chư Mố 25 ha sản lượng có thể đến gần 80 tấn/ha, sau khi trừ mọi chi phí còn lời hơn 25 triệu/ha. Trong khi làm theo tập quán cũ chỉ đủ ăn là may. Với các cánh đồng mẫu về sắn, ngô cũng có năng suất tương tự. Thay đổi nếp nghĩ rồi, nông dân không còn lo mất mùa, mất giá nữa, tinh thần lao động sẽ được nâng cao.

Ông A Tùng ở xã Ia Tul tràn đầy tự tin: Trước đây không dám mơ sẽ làm giàu trên chính quê hương mình. Nhưng đến năm 2019, hàng trăm hộ dân đã thoát hẳn cảnh nghèo nhờ các cánh đồng mẫu lớn. Một số gia đình khá giả, sắm được đủ các phương tiện đắt tiền phục vụ cho cuộc sống. Khi đời sống vật chất được bảo đảm, văn hóa tinh thần cũng được củng cố. Hầu hết các buôn đều hăng say bài trừ các hủ tục. Không còn cảnh đua nhau đẻ nhiều và nheo nhóc, suy dinh dưỡng nữa.

Những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Hồ hởi trên cánh đồng mẫu Knông (xã Chư Mố) nhiều người dân tộc thiểu số lẫn người Kinh chia sẻ: Trước đây nhà nào biết nhà đó, làm xong mùa vụ rồi về nhà chơi không thôi, ít khi được ngồi họp bàn và trao đổi kinh nghiệm và các vấn đề vướng mắc trong cuộc sống với nhau. Nhưng từ khi nhà nhà phá bờ, dồn thửa góp đất tham gia cánh đồng mẫu lớn, thấy hoa màu tăng trưởng nhanh nên ngày nào cũng tìm đến nhau để chia vui. Những ngày hàng chục gia đình cùng ra đồng lao động trên một thửa ruộng càng tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó. Ai cũng mang tinh thần tự giác vì những vụ mùa bội thu đang ở phía trước.

Niềm vui còn được nhân lên khi ở tất cả các cánh đồng mẫu đều được cơ giới hóa từ khâu trồng - chăm sóc - thu hoạch. 100% chi phí sản xuất như làm đất, giống, phân bón đều được chính quyền địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trước cho người dân.

Vừa trở về từ cánh đồng mía cao sản, ông Kpa Thanh ở làng Plieu Pa, xã Chư Mố nhẩm tính: Tổ chúng tôi có gần 10 gia đình, mỗi nhà góp vài héc-ta đất để tạo nên cánh đồng mẫu lớn theo chủ trương của Nhà nước. Trong khi các ruộng mía nhỏ lẻ còi cọc vì thiếu nước, suy dinh dưỡng thì cánh đồng mẫu này quanh năm xanh tươi, phát triển rất tốt do được trang bị hệ thống tưới tiêu hiện đại, các giếng khoan sâu nằm ngay trên đồng mía. Vụ thu hoạch mía năm 2019 lời được 23 triệu/ha gấp 3 lần canh tác nhỏ lẻ trước kia. Đời sống khởi sắc từng ngày nên mỗi cuối tuần các tổ, xóm lại tìm đến nhau để bàn chuyện làm giàu, không lo cái ăn ngắn hạn nữa.

Bên cạnh cây mía, hàng trăm người dân đồng bào Ja Rai ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa) cũng đã mạnh dạn tham gia những cánh đồng mẫu lúa cao sản. Dù bận đến mấy nhưng cứ mỗi cuối tuần ông Kpa Thanh một trong những người năng nổ tiên phong tham gia cánh đồng mẫu lúa cao sản ở Ia Tul đều tập hợp các hộ dân tham gia cánh đồng này để quây quần chia sẻ về sự tăng trưởng của cây lúa. Họ cùng tự hào trao đổi những kiến thức khoa học mới mẻ về nông nghiệp mà mình vừa lĩnh hội được. Ông Thanh bảo: Có hôm còn thức trắng bên cánh đồng lúa bạt ngàn vì vui mừng. Niềm vui ấy khiến cho nhà nhà càng háo hức lao động hơn, không còn thụ động nữa.

Nhiều buôn làng no ấm nhờ tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Từ sự thành công của những cánh đồng mẫu đầu tiên đến nay mô hình cánh đồng mẫu đã hình thành ở nhiều huyện nghèo của Gia Lai như: KBang, An Khê, Kông Chro... Nhiều vùng đất tham gia canh tác mô hình này năng suất đã tăng gấp 3 lần so với các kiểu canh tác cũ, mở ra cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu cho hàng ngàn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh này.

Điển hình như ông Đinh Liu, Đinh Hải ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro) trước đây chỉ đủ đắp đổi qua ngày nhưng từ khi tham gia cánh đồng mẫu, chỉ việc tưới nước và nhổ cỏ mà năng suất mía lên đến hơn 100 tấn/ha. Mọi công việc khác đã có cán bộ khoa học và các doanh nghiệp liên kết lo nên trừ mọi chi phí, mỗi năm bỏ túi 95 triệu đồng, không còn cảnh thiếu thốn như trước nữa. Các con cháu của ông Đinh Liu, Đinh Hải đều được đầu tư về các thành phố học tập để quay về xây dựng quê hương.

Theo UBND tỉnh Gia Lai thì: Tỉnh chọn cách triển khai các cánh đồng mẫu lớn là bước đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế của cộng đồng các dân tộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Gia Lai. Có 6 loại cây được đưa vào quy hoạch đồng mẫu lớn là: cà phê, hồ tiêu, mía, sắn, lúa nước và cây rau. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm cánh đồng mẫu lớn hoạt động bài bản, hiệu quả. Thực tế đã chứng minh lợi thế của những cánh đồng này. Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng liên kết chặt chẽ với nhau. Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng lên thành 259 cánh đồng mẫu lớn. Khi ấy, đời sống của hàng ngàn hộ dân sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Bài và ảnh: Đông Hưng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/thoat-ngheo-tu-nhung-canh-dong-lon-n168031.html)

Chủ đề liên quan:

cánh đồn cánh đồng thoát nghèo

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY