Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Thời tiết cực đoan: Một mùa hè nắng nóng

Từ đầu năm tới nay, mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực sự chuẩn bị các phương án ứng phó với nắng nóng được dự báo là kỷ lục trong năm 2020. Cùng đó, sự bất thường của thời tiết cực đoan cũng gây ra nhiều hậu quả, cụ thể là những trận mưa đá tại một số địa phương miền núi phía Bắc mới đây.

Thời tiết cực đoan: Một mùa hè nắng nóng

Mực nước tại cửa nhận nước Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah giảm thấp.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức kỷ lục cao nhất trong giai đoạn 2010-2019. Đây là 5 năm liên tiếp có nền nhiệt cao nhất trong 140 năm qua. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng.Cùng với đó, dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C.

Nóng bức, mưa lũ lớn bất thường

Dựa trên phân tích của các cơ quan khí tượng quốc tế, cơ quan khí tượng Việt Nam vừa cảnh báo về những hình thái thời tiết cực đoan xảy ra trên cả nước từ nay đến cuối năm 2020 để giúp người dân chủ động phòng tránh. Hiện, bản tin dự báo xa cho thấy nắng nóng sẽ tập trung tại Tây Bắc Bộ trong tháng 5, tại Đông Bắc Bộ vào các tháng 5-6 và khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung Bộ vào khoảng tháng 4 đến tháng 8. Tại Đông Nam bộ, nắng nóng còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, do vậy tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn đến khoảng cuối tháng 5.

Cơ quan khí tượng cũng nhận định mùa bão năm 2020 trên Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ trong khoảng nửa cuối năm.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định mưa lũ năm 2020 phức tạp khiến nước trên các sông cũng sẽ có diễn biến khác thường. Các thông số ghi nhận được cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo cơ quan các cấp cần sớm rà soát phương án ứng phó bão, mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống.

Đồng khô, hồ cạn

Nửa đầu năm 2020, Bắc bộ thiếu nước, Trung bộ -Tây Nguyên hạn hán và Nam Bộ bị mặn xâm nhập. Cụ thể Ninh Thuận đang đối mặt với đợt hạn hán, mà ngành nông nghiệp - thủy lợi đánh giá khốc liệt như đợt hạn năm 2015. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã không còn màu xanh của ruộng đồng vì thiếu nước, ngừng sản xuất. Hiện mực nước ở 21 hồ chứa của tỉnh chỉ còn 60,97/194,49 triệu m3, chiếm 35,9% so với dung tích thiết kế, trong đó có nhiều hồ chứa không còn lượng nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tình hình khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài và rất khó lường. Dù nguồn nước của hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) còn hơn 120/165 triệu m3 (chiếm hơn 72% dung tích thiết kế) và đang xả với lưu lượng 14,52 m3/giây, vừa phục vụ phát điện của Nhà máy thủy điện Đa Nhim và vừa phục vụ nước cho sinh hoạt, tưới tiêu ở vùng hạ lưu của tỉnh nhưng thực tế lượng nước nguồn bổ sung vào hồ chỉ đạt 6,35 m3/giây. Do đó, nguồn nước của hồ Đơn Dương có nguy cơ sớm cạn kiệt, không đủ đáp ứng sau này.

Thời tiết cực đoan: Một mùa hè nắng nóng - 1

Nhiều hồ chứa đang cạn kiệt.

Tương tự, tỉnh Bình Thuận cũng đang phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, lượng mưa thấp nên đã làm mực nước hầu hết các hồ chứa và sông chính trên địa bàn tỉnh cạn dần. Do đó tỉnh luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài… Bước vào đầu vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nguồn nước tất cả các hồ chứa chỉ đạt 78% thiết kế, thiếu hơn 230 triệu m3 so với dung tích thiết kế; các hồ chứa nước khu vực phía Bắc tỉnh chỉ đạt từ 50% - 60% dung tích thiết kế. Đặc biệt, hồ thủy điện Đại Ninh (nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận) đạt chưa đến 40% dụng tích thiết kế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh ước có khoảng 21.448 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt tại các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Phú Quý và thành phố Phan Thiết.

Cùng với 2 tỉnh trên, Tây Nguyên cũng đang quay cuồng trong khô hạn với tình cảnh sông suối khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, hàng chục nghìn ha cây trồng mất mùa, ch*t khô, nông dân vật lộn tìm nguồn nước tưới và sinh hoạt. Năm 2016, năm tỉnh Tây Nguyên từng hứng chịu đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, tổng thiệt hại trên 160.000 ha cây trồng. Riêng Gia Lai, đỉnh điểm “cơn khát” khiến gần 50.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, mất trắng. Gây thiệt hại hơn 150 tỷ đồng, 15.000 hộ thiếu đói.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên năm 2020 còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75 % so với cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 90%.

Nguy cơ cháy rừng

Nắng nóng và khô hanh kéo dài nhiều tháng nay đang đẩy hàng loạt các cánh rừng ở Tây Nguyên, Nam bộ và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 72 điểm cháy, với tổng diện tích rừng bị cháy là 45,68 ha, loại rừng bị cháy chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Trạng thái rừng bị cháy chủ yếu rừng chưa trữ lượng (RLP), rừng nghèo (RLN). Các điểm cháy rừng đều được phát hiện kịp thời, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại đến cây rừng.

Tại Bình Thuận, hiện hơn 80% diện tích rừng ở Bình Thuận dễ xảy ra cháy rừng và có nguy cơ cháy cao do ảnh hưởng thời tiết khô hanh vào mùa khô. Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, toàn tỉnh có hơn 298.643 ha rừng, trong đó hơn 272.928 ha rừng tự nhiên và 25.715 ha rừng trồng.

Bên cạnh đó, nhiều cánh rừng ở khu vực Tây Nguyên cũng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm trong khi dự báo cao điểm khô hạn còn kéo dài sang tháng 5/2020. Cục Kiểm lâm khuyến cáo người dân tạm dừng các hoạt động sản xuất như tỉa thưa, khai thác rừng, lấy mật ong, đốt nương rẫy để phòng, tránh cháy rừng. Đứng đầu trong danh sách, tỉnh Đắk Lắk đang có khoảng hơn 57.000ha rừng thuộc diện có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong đó, có khoảng hơn 7.000ha rừng trồng và 33.000ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Ea Kar, Buôn Đôn... Còn tỉnh Đăk Nông hiện có hơn 250 ngàn ha rừng, phần lớn được đưa vào phương án phòng cháy, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao lên đến hơn 50 ngàn ha…

Thời tiết cực đoan: Một mùa hè nắng nóng - 2

Ông Hoàng Phúc Lâm.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Năm nay, sẽ có khoảng 5-6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nắng nóng cũng được dự báo đến sớm với nền nhiệt cao hơn nhiều năm. Trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Nửa đầu năm lượng mưa có xu hướng thiếu hụt trên phạm vi toàn quốc. Từ tháng 6 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN, đặc biệt ở khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2020.

Ông Lâm cũng dự báo, xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng từ xấp xỉ đến ít hơn so với TBNN, khả năng hoạt động nhiều trong các tháng cuối năm 2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía nam. Cần tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của không khí lạnh trong những tháng đầu năm 2020 và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa tháng 3, 4, và tháng 5 trên phạm vi toàn quốc.

Yên Bái thiệt hại nặng nề do dông lốc, mưa đá

Từ đêm ngày 22/4 đến sáng ngày 23/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhiều nơi đã có mưa to đến rất to, tại một số địa phương có xuất hiện mưa đá và dông lốc đã khiến 1 người ch*t và 6 người bị thương. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái đến 7h ngày 24/4. Toàn tỉnh có 7 người thương vong, trong đó 1 người ch*t và 6 người bị thương do sét đánh. Thiệt hại về nhà có 792 nhà, trong đó 8 nhà bị sập hoàn toàn còn lại bị hư hỏng và tốc mái; tại huyện Trấn Yên có 2 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, có 473ha hoa màu, cây lâm nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng.

Đức Khuê

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/moi-truong/thoi-tiet-cuc-doan-mot-mua-he-nang-nong-tintuc464964)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY