Vùng đất U Minh Hạ (Cà Mau) nổi tiếng với mật ong rừng. Để thưởng thức nóng vị mật ngọt, thơm từ tổ ong siêu to thì trải nghiệm ăn ong là hành trình thú vị khi vừa hào hứng, vừa thót cả tim.
Ở u minh hạ (tỉnh cà mau), nơi bốn bể là tràm, mật ong rừng được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng đất cực nam tổ quốc này.
Đi "ăn" ong (lấy mật ong trong rừng) là một trải nghiệm có thể nói là rất thú vị đối với du khách phương xa khi đến đây.
Để được trải nghiệm "ăn" ong thì phải có "thổ địa" chỉ dẫn đảm bảo không lạc đường và tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, chẳng hạn như bị ong đốt.
Một lần về U Minh Hạ, chúng tôi tìm đến điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Gặp anh Phạm Duy Khanh (quản lý điểm du lịch) là một trong những người có kinh nghiệm về "ăn" ong.
Anh Khanh cho biết, nghề gác kèo ong lấy mật diễn ra quanh năm. Anh Khanh khái quát, để gác kèo ong, thì cây kèo chủ yếu là cây tràm "chính hiệu" ở đất U Minh Hạ. Địa điểm để gác kèo có thể là ở những vạt sậy hay rừng tràm rậm rạp.
Sau khi chọn một điểm thích hợp, người dân thường sẽ gác cây kèo vào đó với một bên thấp, một bên cao. Sau đó, chờ một thời gian thì ong bắt đầu "tụ tập" về làm tổ và cho mật.
Theo anh Khanh, gác kèo chừng khoảng nửa tháng là có thể đã có mật. Mùa nắng có tổ (ổ) ong lấy được từ 2 lít đến 10 lít mật, còn mùa mưa hơn 1 lít, tùy vào tổ lớn hay nhỏ.
"Một địa điểm có thể gác kèo khoảng 2 - 3 lần, tùy thời tiết, đảm bảo luôn có mật ong", anh Khanh chia sẻ.
|
Ở vùng U Minh Hạ, đi vào sâu trong rừng "ăn" ong có thể dùng vỏ máy (một loại ghe, xuồng nhỏ có gắn động cơ) để đi lại trên những con rạch nhỏ, hai bên bờ cây cỏ um tùm. |
|
Theo chủ rừng là anh Phạm Duy Khanh cho biết, ở đây có nhiều cư dân cùng làm một cái miếu thờ Thần Rừng. Nơi này để thắp hương "xin" những điều tốt đẹp khi đi rừng như đi lại an toàn, thu hoạch được nhiều sản vật... |
|
Một nữ du khách đến thắp hương Thần Rừng trước khi vào rừng "ăn" ong và trải nghiệm sinh thái rừng. |
|
Khi đi "ăn" ong, một trong những giải pháp tránh ong đốt là dùng tấm lưới trùm kín lên đầu. Việc này có thể phần nào bảo vệ được vùng mặt an toàn. |
|
Vào đến tổ ong, người "ăn" ong dùng một bùi nhùi bằng rơm (hoặc có thể thứ khác) đốt lên sao cho khói thật nhiều để xua đi đàn ong hàng ngàn con đang bám dính tổ. Thời điểm này, theo người có kinh nghiệm, nếu ong bám vào người, tốt nhất là không giết ch*t hoặc phủi con ong đó đi mà cứ để tự nhiên cho ong bám sẽ an toàn hơn cho mình. |
|
Sau vài phút dùng lửa khói có thể xua đuổi gần như hết đàn ong thì tổ ong "lộ" ra một cách "trần trụi", dễ dàng cho việc lấy mật sau này. |
|
Tổ ong được lấy từ điểm gác kèo ra ngoài, với 2 người mỗi người một đầu khiêng đi một cách phải nhẹ nhàng để tổ không bị rơi rụng khỏi kèo. Ở khu vực gác kèo, nhiều con ong vẫn đang bay theo tổ của mình nên tốt nhất lúc này vẫn chưa thể gỡ bỏ lưới chắn. |
|
Trong lúc di chuyển từ rừng vào trong nhà, tổ ong "siêu to" thế này vẫn cần được đảm bảo "yên vị", nên 1 hoặc 2 người có thể thay phiên nhau gác lên vai của mình cho chắc chắn. |
|
Theo chủ rừng cho biết, những con ong còn lại bám trong tổ thường là những con ong non nên lúc này rất ít khả năng đốt, chích được nữa. Vì thế, có thể dùng tay cho ong bám vào "nhởn nhơ" trên đó, xem như không có gì xảy ra. |
|
Về đến nhà, đưa tổ ong từ vỏ máy lên bờ cũng cần phải có 2 người vác lên vai thế này, đi lại đều nhau, đảm bảo tổ ong không bị rung rinh. Đến đây, xem như kết thúc hành trình trải nghiệm đi "ăn" ong với sự háo hức nhưng cũng rất hồi hộp. |
|
Từng mảng tổ ong nơi có nhiều mật nhất dùng dao cắt ra... |
|
... sẽ thấy bên trong là màu vàng óng ánh của mật ong rừng. Thưởng thức mật ong "ngay và luôn" được lấy "nóng" từ điểm gác kèo ong với vị ngọt, thơm... chắc chắn sẽ làm du khách nhớ mãi. |
Trước đó, tổ chức kỷ lục việt nam đã trao xác lập top 100 đặc sản quà tặng việt nam đối với mật ong rừng u minh. Mật ong rừng U Minh được lấy từ vùng U Minh Hạ, nơi nổi tiếng với bốn bể là tràm. Vào mùa ong lấy mật, hoa tràm nở rộ trắng cả rừng, từ đó đã tạo nên những vị mật ngọt, thơm ngon... nức tiếng gần xa. |
Theo Dân trí