Tâm sự hôm nay

Hà Nội dẹp than tổ ong: Quyết liệt làm theo lộ trình

Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Có thể thấy, đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu để xây dựng Thủ đô văn minh, giữ gìn môi trường thật sự xanh - sạch.

Vào giờ cao điểm mỗi buổi sáng, không khó để bắt gặp cảnh khói than mù mịt ở những khu tập thể cũ, khu lao động hay ngay tại trung tâm chính. Từ những quán ăn bình dân cho đến những quán cà phê sang trọng cũng sử dụng bếp than như một nguồn nhiên liệu để tiết giảm những chi phí sản xuất. Những bếp than đỏ lửa được để trần trụi hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa các-tông có thể dễ dàng bắt gặp trên khắp các vỉa hè, gốc cây hoặc chân cột điện.

Hà Nội yêu cầu chấm dứt sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường.

Đa phần người dân đều nhận thức được sự nguy hại đến sức khỏe từ bếp than tổ ong. Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế “siêu rẻ”, nhiều hộ kinh doanh biết độc hại nhưng vẫn sử dụng.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Hà Nội cho biết, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày người dân đốt tới 528 tấn than tổ ong. Đây là một trong những lý do khiến không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm. Theo ông Thái, với số lượng than 528 tấn/ngày, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2, đấy là số liệu minh chứng, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trong những ngày qua.

Năm 2018, Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ môi trường tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác hại của bếp than đối với môi trường và sức khỏe. Quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin về thực trạng và ý thức bảo vệ sức khỏe của cộng đồng trước tác hại của bếp than cho thấy, đa số người dân lựa chọn sử dụng bếp than do chi phí thấp, tiện lợi. Hậu quả cho thấy, khi đốt than sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs...). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới mắc bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa.

Thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng cho thấy, một trong 9 nguồn khí độc gây bụi mịn PM2.5 và PM10 chính là khí từ bếp than tổ ong. Vì sự cấp thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, Hà Nội đã phải ra chủ trương vào năm 2021 sẽ cấm toàn bộ bếp than trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bà Lê Thanh Thủy - Trưởng Phòng Quản lý dự án và truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói, chúng tôi đã nghiên cứu và kết quả cho thấy là khi đốt cháy than cho nồng độ khí thải như bụi mịn, CO2 là những khí gây ngộ độc nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Ngoài ra, bếp than này khi sử dụng trong không gian kín, trong nhà thì nồng độ phơi nhiễm chất độc hại từ than tăng lên từ 7 - 10 lần. Và điều đặc biệt, những người sử dụng than có nguy cơ mắc ung thư khá cao.

Theo thông tin từ bà Thủy, thời gian qua, Hà Nội đã xóa bỏ được 17.600 bếp than (chiếm 32%) trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, trong năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng thêm chính sách để hỗ trợ các đơn vị sản xuất cũng như người cung cấp than để làm sao sau đó người sản xuất chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ để sản xuất bếp cải tiến phù hợp với người tiêu dùng.

Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nhiều biện pháp để thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than và bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền về tác hại của bếp than và vận động người dân sử dụng các loại bếp thay thế phù hợp, từng bước triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tại một số quận, khu đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo các chuyên gia, sử dụng bếp than tiết kiệm được vài nghìn mỗi ngày, nhưng chi phí bỏ ra để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người xung quanh có thể lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc cấm bếp than trở thành chủ trương cấp thiết cần triển khai và thực hiện sớm để môi trường không khí cho người dân được trở nên trong sạch.

Loại bỏ và chấm dứt hẳn việc sử dụng than trên toàn địa bàn Hà Nội là chủ trương đúng đắn. Việc tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng, từ đó tự giác không dùng bếp than gây hại cho môi trường là việc làm quan trọng, thiết thực, cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa trên địa bàn trong thời gian tới.

- Giai đoạn 2: từ ngày ban hành chỉ thị đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm chuyển đổi từ việc sử dụng than, bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, ở giai đoạn này, các cơ quan ban ngành của Hà Nội cũng sẽ triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát nhằm chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

- Giai đoạn 3: từ ngày 1/1/2021, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử phạt hành chính với các hành vi sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.

Xuân Mai

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-dep-than-to-ong-quyet-liet-lam-theo-lo-trinh-n165608.html)
Từ khóa: than tổ ong

Chủ đề liên quan:

quyết liệt than tổ ong tổ ong

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY