Dinh dưỡng hôm nay

Thư thái và nhiều lợi ích như trà hoa cúc

Nâng chén trà cúc trên tay, thưởng cái tinh túy của hương hoa đồng nội để tâm hồn thư thái hơn và thể lực được phục hồi.

Để có chén trà cúc ngon, hoa cúc được hái vào mùa Thu khi vừa chớm nở, để vào chỗ khô lạnh cho héo khô. Khéo lượm những bông cúc tăm vừa vặn, vàng xuộm hay trắng tinh khiết, chỉ cần bỏ 4-5 bông vào ấm trà hãm nước sôi trong vòng vài phút là có thể dùng ngay được. Nhờ đặc tính nhẹ, thanh mà trà hoa cúc được lựa chọn làm đồ uống thích hợp cho bữa ăn, tạo sự hưng phấn kích thích cảm giác ngon miệng.

Trà hoa cúc - Vệ sĩ cho sức khỏe

Theo Đông y, trà cúc như một loại thảo dược chống viêm nhiễm, giảm đau và chống lở loét, chống ôxy hóa. Tây y thì coi đây là một loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Các nhà nghiên cứu Anh đã tìm thấy hương thơm nhẹ thoảng, tinh chất của trà cúc trắng có tác dụng giảm mệt mỏi.

Nghiên cứu của trường Đại học Imperial ở London tiến hành kiểm tra nước tiểu của 14 người uống trà hoa cúc La Mã cho thấy chất glyxin và chất chống viêm khuẩn trong nước tiểu tăng cao, giải tỏa các triệu chứng mệt mỏi cơ bắp và có hiệu quả kéo dài sau đó.

Tinh dầu từ hoa cúc có tác dụng khử trùng tốt, giúp giảm thân nhiệt, tốt cho vùng viêm nhiễm, phòng cảm và loại bỏ các cơn đau thắt cơ và rối loạn kinh nguyệt gây ra. Mỗi ngày uống 5 tách trà trong vòng hai tuần là đủ để thải ra một lượng chất độc trong nước tiểu. Hoạt chất alkylamides trong trà cúc có khả năng điều chỉnh hệ miễn dịch, kích hoạt làm gia tăng sức đề kháng chống lại những tác động có hại của vi trùng, vi khuẩn.

Trà hoa cúc tốt cho thị lực

Hoạt chất trong hoa cúc giải tỏa những áp lực của mắt, cải thiện hoạt động của mao mạch, tăng cường lưu thông khí huyết đến mắt giúp đẩy lùi tình trạng nhức mỏi và quầng thâm.

Nhờ chất ôxy hóa trong hoa cúc giúp trung hòa những gốc tự do để bảo vệ cấu trúc collagen ở mắt giúp cải thiện một số bệnh mạn tính về mắt do thoái hóa các tổ chức ở khu vực này.

Dùng bông gòn thấm dịch trà hoa cúc, xoa lên vùng quanh mắt, hiện tượng thũng sẽ nhanh biến mất hoặc dùng 3-4 cốc trà/ngày cũng là liệu pháp giúp bạn hồi phục thị lực.

Nếu thường xuyên đọc sách nhiều thì nên uống loại trà này để mắt sáng và tinh thần luôn tỉnh táo.

Trà hoa cúc có thể kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Thí nghiệm ảnh hưởng của trà hoa cúc trên chuột mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cho thấy, sau khi uống trà cúc với một lượng vừa phải trong 3 tuần, mức đường huyết giảm tới 1/4 lần so với trước. Tinh chất hoa cúc giúp kiểm soát và ngăn ngừa những biến chứng phức tạp của căn bệnh này đang được nghiên cứu để làm dược phẩm chữa bệnh tiểu đường.

Đây còn là món quà quý cho những người cao huyết áp. Khi kết hợp với lá trà thì hoa cúc có thêm tác dụng lợi tiểu, mát gan, khai thông kinh mạch nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh.

Lưu ý: Với những người có tiền sử dị ứng cỏ phấn hương nên cẩn trọng với trà cúc bởi nó có thể gây ra những phản ứng khó chịu. Trà hoa cúc La Mã cũng ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ chất sắt, vì vậy phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên thận trọng khi uống.

Vi Vi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/thu-thai-va-nhieu-loi-ich-nhu-tra-hoa-cuc-22508/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY