Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1921-2000) |
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23/12/1921 (25/11/Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ ông Vũ Đức Khanh, thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Thinh. Hoà thượng có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.
Khi lên 6 tuổi, Hoà thượng được song thân cho theo học chữ Hán với các cụ đồ tại địa phương. Năm 15 tuổi, hạt giống xuất trần phát triển, khi nhân duyên hội đủ, Hòa thượng đã noi gương chị gái là sư bà Đàm Hữu, phát tâm xuất gia với sư cụ chùa Linh Đường. Về sau xin cầu Pháp ý chỉ với Hòa thượng Thích Thanh Khoát trụ trì chùa Bạch Chư (Phú Yên, tỉnh Vĩnh Phú).
Sau khi thụ giới sa di, năm 19 tuổi, để mở mang kiến thức Phật học, làm tư lương tiến tu hành đạo. Hòa thượng đã lần lượt theo học với các chốn Tổ: Tổ Giám Cồn, và Hòa thượng Thanh Thuyên chùa Cao Phong.
Năm 22 tuổi, để viên mãn tam đàn giới pháp, Hòa thượng được Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo tại chốn Tổ Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phú.
Trong thời gian lưu học tại Quán Sứ, Bồ Đề, Hòa thượng đã hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học với các huynh đệ đồng môn như cố Hòa thượng Tâm Giác.v.v…
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Giáo hội được thành lập, Giáo hội Tăng già Bắc Việt là hậu thân của Giáo hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do cố Hòa thượng Tố Liên khởi xướng.
Năm 1954, trong chương trình đào tạo tăng tài cho Phật giáo, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Hội An nam Phật học và Giáo hội Tăng già Bắc Việt, đã cử Hòa thượng đi du học Nhật Bản với cố Hòa thượng Thích Tâm Giác.
Trong thời gian lưu học tại Đại học đường Rissho, Hòa thượng thi đậu bằng Cử nhân Phật học (Năm 1959). Năm 1961 đậu bằng Tiến sĩ Phật học.
Năm 1963 trong phong trào đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Hòa thượng đã cùng quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, phật tử đấu tranh tích cực cho đến khi cách mạng thành công.
Sau ngày 11/11/1963, cách mạng thành công, Phật giáo được thoát nạn. Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Hòa thượng được cử làm Vụ Trưởng phiên dịch thuộc Tổng Vụ hoằng pháp, do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng Vụ trưởng.
Từ 1964 đến 1971, Hòa thượng đã cùng Hòa thượng Tâm Giác và Chư tăng ni, phật tử miền Vĩnh Nghiêm, hỗ trợ xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm để làm trụ sở cho Miền, và đã hoàn thành một cách trang nghiêm tú lệ như ngày hôm nay.
Kể từ năm 1973, sau khi Hòa thượng Tâm Giác, Chánh đại diện Miền Vĩnh Nghiêm, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, Hòa thượng đã được Giáo hội và Miền cũng như môn phái Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chánh đại diện kiêm trụ trì chốn Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngày viên tịch.
Sau năm 1975, trải qua một thời gian khó khăn ngắn, Hoà thượng vẫn tiếp tục trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa lớn nhất ở Sài Gòn, Việt Nam. Dù ở trong thời thế nào, Hòa thượng luôn luôn đặt trọng tâm vào việc phát triển đạo Pháp lên trên hết.
Vào năm 1987, Hoà thượng đã tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm Trường Cơ bản Phật học để Chư tăng ni sinh và Chư tăng trong môn phái về tu học thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ.
Nhận thấy sau một cuộc chiến tranh dài và vì ý thức hệ chính trị nên nền Phật giáo tại miền Bắc có phần suy yếu, Hòa thượng đã chú trọng rất nhiều vào việc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc trên phương diện nhân sự. Hòa thượng đã tuyển vài khóa tăng sinh từ miền Bắc để vào Nam (chùa Vĩnh Nghiêm) tu học. Sau đó, vì nhận thấy có nhiều điều bất tiện trong việc di chuyển, nên Hòa thượng phối hợp với Chư tăng miền Bắc tổ chức ngay tại làng Đại Mỗ, tỉnh Hà Tây một trường Trung cấp Phật học, đồng thời tiến tới việc thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Với trình độ uyên thâm, quảng bác, quán thông, Hòa thượng đã tham gia rất nhiều vào công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo tăng tài cho Phật giáo, Ngài đảm nhiệm làm Giáo sư Viện Cao đẳng Phật học, Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam .v.v…
Qua giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn tòng lâm, nên từ những thập niên 60, Hòa thượng đã được thỉnh làm Giới sư, Thập sư, Chứng minh truyền giới trong các Giới đàn.
Tại Sóc Trăng, trong đàn Bửu Lai, Hòa thượng được cung thỉnh làm đàn đầu Hòa thượng. Tại An Giang, Hòa thượng làm đường đàn Hòa thượng. Tại Bà Rịa, Vũng Tàu, trong giới đàn Thiện Hòa, Hòa thượng được cử làm Yết Ma A Xà Lê. Tại Đồng Nai và Lâm Đồng, Hòa thượng được cung thỉnh làm tuyên luật sư và Yết Ma A Xà Lê, để truyền giới cho các giới tử.
Ngoài công tác hoằng dương Phật pháp tiếp dẫn hậu lai báo phật ân, Hòa thượng còn lưu lại nhiều các tác phẩm văn hóa, giáo dục: Diễn Thuyết Tập, Hà Nội, 1951; Phật Pháp Sơ Học, Hà Nội, 1952; Nghiên Cứu Về Tư Tưởng Bản Giác Của Phật Giáo (Nhật Ngữ); Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc; Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ; Lược Giảng Kinh Pháp Hoa; Kinh Viên Giác; Khóa Hư Lục; Thiền Lâm Bảo Huấn; Pháp Hoa Yếu Lược; Luật Học Đại Cương; Luận A Tỳ Đàm Câu Xá; Sách Dạy Cắm Hoa; và nhiều bài viết đăng trên các báo Phật giáo trong và ngoài nước.
Để đền đáp công ơn thầy Tổ và trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Hòa thượng đã cùng sơn môn pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu, Tổ Vĩnh Phú được hoàn thành, trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở Phật giáo tại địa phương và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài ra, Hòa thượng cũng còn chú trọng vào việc dạy dỗ các thanh niên phật tử. Từ thập niên 50, Hòa thượng đã đảm trách cố vấn giáo hạnh tổ chức GĐPT thuộc Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội cho đến ngày hôm nay là GĐPT Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Trong hơn 40 năm qua, một số các thành viên GĐPT Vĩnh Nghiêm đã trở nên những anh tài ưu tú ở trong và ngoài nước, âu đó cũng là nhờ thiền đức của Hòa thượng.
Đối với công đức của Hòa thượng đã hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội, Hòa thượng đã được toàn thể Chư tăng và phật tử trong và ngoài nước ngưỡng mộ quý mến.
Hòa thượng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sinh, còn tiếp đóng góp nhiều hơn nữa. Vào ngày 26/12/2000, Hòa thượng lâm bệnh bất thường, mặc dù đã được tận tình chữa trị, nhưng không thuyên giảm. Thế rồi, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, thúc thân an nhiên thị tịch vào lúc 1 giờ 30 ngày 30 tháng 12 năm 2000 nhằm ngày 5 tháng 12 Canh Thìn. Trụ thế 80 năm. Hạ lạp 58 năm.
Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn lưu lại thế gian, trong tâm tư ký ức tăng ni, phật tử Việt Nam cũng như trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.