Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Tin giả mùa dịch: Triệu người chống sao lại chục người phá?

(MangYTe) Tin giả, tin thất thiệt về dịch cúm do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã được các cơ quan quản lý cảnh báo từ lâu, rằng nó hoàn toàn có thể thành đại dịch nguy hiểm hơn cả Covid-19, sẽ tàn phá sự ổn định xã hội, nền kinh tế và nặng nề nhất là niềm tin trong mỗi con người.

1. "Thông tin mà chính quyền và báo chí chính thống không dám đăng thì bảo là thất thiệt?", một tài khoản Facebook đã đặt dấu hỏi như vậy khi tin tức về việc xử lý trách nhiệm của Facebook Dang Nhu Quynh được đăng tải rộng khắp trên báo chí, trang mạng.

Chuyện bắt đầu từ ngày 27/3, khi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã tiến hành triệu tập ông Dang Nhu Quynh (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), là chủ tài khoản Facebook có nhiều người theo dõi để làm rõ về hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, từ tháng 2/2020 đến nay, Facebook Dang Nhu Quynh đã đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước...

Qua đấu tranh, chủ Facebook Dang Nhu Quynh khai nhận đã thu thập thông tin "nóng" từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng. Sau đó, chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt. Một số bài viết kèm theo hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức về thông tin người nhiễm Covid-19 hoặc cần đưa vào diện cách ly làm ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, khiến người dân hoang mang phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực gây mất an ninh trật tự.

Do đó, Facebook Dang Nhu Quynh đã phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Bộ Công an đang khẩn trương củng cố tài liệu để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Facebook Dang Nhu Quynh và những người có liên quan.

2. Sau Facebook Dang Nhu Quynh là Facebook Nguyen Sin, tài khoản có cả trăm ngàn người theo dõi. Cụ thể, trưa 28/3, Facebook Nguyen Sin đã đăng tải nội dung: “Vậy là chúng ta đã có ca đầu tiên Tu vong”. Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến cộng đồng hoang mang bởi tất cả các ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đều đang có sức khỏe ổn định, không có ca nào Tu vong, các bệnh nhân đang được điều trị không có ca nào phải hỗ trợ thở máy.

Sang ngày 29/3, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cho biết đã mời chủ tài khoản Facebook Nguyen Sin đến làm việc vào thứ hai (ngày 30/3) để làm rõ việc tung tin về việc có ca Tu vong vì Covid-19. Sau khi làm việc với chủ tài khoản, căn cứ kết quả, Thanh tra sở sẽ có hình thức xử lý với chủ tài khoản này theo quy định pháp luật. Ngay sau đó, Facebook Nguyen Sin đã có đính chính thông tin, gửi lời xin lỗi tới cộng đồng. Chủ tài khoản Facebook này cũng đã làm việc với Sở TT&TT TP.HCM và gửi lời cảm ơn tới cán bộ trực tiếp mời làm việc.

Chuyện 2 "KOLs" có ảnh hưởng trên mạng xã hội Facebook bị mời làm việc, có thể bị xử lý trách nhiệm ai cũng đã biết, nhưng không phải ai cũng để ý rằng tại Việt Nam, số lượng người tung tin giả, tin thất thiệt thậm chí còn nhiều hơn số lượng người nhiễm Covid-19.

Tin giả, tin thất thiệt làm người dân hoảng loạn, mất niềm tin. Đó cũng chính là căn nguyên dân tới việc có không ít trường hợp vì hoang mang, không tin tưởng mà trốn/né cách ly, khai báo sai sự thật, tự sơ tán, tự chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực,… làm mất an ninh trật tự và gây khó khăn lớn cho công tác chủ động phòng chống dịch của các địa phương, các cấp ngành.

3. Dịch cúm đã kéo dài sang tháng thứ 3, lây lan và tàn phá khắp các châu lục trên thế giới, mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, giải trí,… bị định trệ. Việt Nam là quốc gia giáp biên với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch, vừa phải phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh, tính toán hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vừa phải căng mình ngăn chặn, xử lý tin giả, tin thất thiệt.

Như đã phân tích, xã hội giật thót vì Covid-19 thì ít, mà tin giả về nó thì nhiều. Bởi chỉ riêng của Facebook Dang Nhu Quynh với gần 300 bài viết và 216 bài có nội dung thông tin chưa được kiểm chứng hay chứa bình luận với nội dung xuyên tạc bị buộc phải gỡ bỏ chỉ trong chưa đầy 2 tháng là con số quá khủng khiếp. Trong khi đó, kể cả các tờ báo với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, đông đảo, ngày ngày tỏa đi khắp nơi để ghi nhận, phỏng vấn, điều tra, xác minh… cũng khó có thể sản xuất ra một lượng tin bài về dịch bệnh nhiều đến thế, lượt thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment) và ảnh hưởng tới niềm tin xã hội lớn đến thế.

Đáng chú ý, đối với trường hợp Facebook Dang Nhu Quynh, cách thông tin của người này trên mạng xã hội viết theo kiểu "nằm vùng", rất thạo tin, thậm chí có cả hình ảnh văn bản chưa được tiết lộ của cơ quan quản lý nhà nước. Và đó có lẽ là nguồn cơn dẫn tới việc người dân đặt câu hỏi: "Thông tin mà chính quyền và báo chí chính thống không dám đăng thì bảo là thất thiệt?", rồi tiếp tục ghim chặt hoài nghi, sẵn sàng tiếp tay cho phát tán tin giả, tin thất thiệt.

Đã đến lúc cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm các nguồn tin giả, tin thất thiệt liên quan tới dịch Covid-19, bởi công sức của cả triệu cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang căng mình chống dịch sẽ đổ sông đổ bể chỉ bởi một vài người nằm nhà đăng các thông tin chưa được kiểm chứng, sau đó chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân, phá hoại niềm tin xã hội.

Thêm nữa, xử lý hời hợt, qua loa liệu có quá bất công với những nhà báo, phóng viên đang mải miết đồng hành với ngành chức năng bằng những sản phẩm báo chí có mồ hôi, có nước mắt, có lương tri, trách nhiệm?

An Nhiên

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/tin-gia-mua-dich-trieu-nguoi-chong-sao-lai-chuc-nguoi-pha-post75803.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY