Kinh tế xã hội hôm nay

Tính mức chịu thuế thu nhập cá nhân: Không nên áp dụng như nhau?

MangYTe - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính mức chịu thuế thu nhập cá nhân còn nhiều bất cập, điển hình là việc lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau, nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là… quá muộn. Ảnh minh họa

Điều chỉnh quá muộn?

Mở đầu cuộc trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS La Văn Thái, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng là… quá muộn.

Theo TS Thái, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) thêm 2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và thêm 800.000 đồng/tháng cho người phụ thuộc là dựa trên mức tăng tương ứng khi CPI biến động tăng trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm áp dụng mức GTGC gần nhất.

TS La Văn Thái.

Tuy nhiên TS Thái cho rằng, việc chờ đến lúc CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh là không hợp lý. Bởi vì, trong trường hợp, lạm phát chỉ chạm mức 20% kéo dài trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ chịu thiệt. "Do vậy, chỉ nên xem biến động của CPI là một trong những căn cứ xem xét để điều chỉnh GTGC, bên cạnh đó cần tính đến các biến số khác như tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân, mức sống của các khu vực khác nhau. Chi phí sinh hoạt tối thiểu của người dân ở các thành phố lớn chắc chắn cao hơn hẳn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Thế nhưng mức GTGC lại áp dụng bằng nhau là chưa hợp lý", TS La Văn Thái nói.

Ông Thái cho rằng, chính sách cần khuyến khích người dân chi tiêu hoặc tái đầu tư vào giáo dục, nâng cao dân trí để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động quốc gia.

Cần khuyến khích người lao động có thu nhập cao

Th.S Đinh Tuấn Minh.

Cùng bàn về câu chuyện này, Th.S Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tương đối cao trong giai đoạn vừa qua và lạm phát nhiều năm dồn lại, tôi cho rằng ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng mà Bộ Tài chính đề xuất là quá thấp. Mục đích thuế thu nhập cá nhân là đánh thuế vào người có thu nhập cao trong xã hội, do đó lẽ ra ngưỡng chịu thuế phải ở mức cao. Để quy định mới không trở nên lạc hậu quá nhanh, ngưỡng chịu thuế cần phải ở mức cao hơn".

Việc chỉ dựa vào mức tăng CPI để điều chỉnh ngưỡng chịu thuế là không phù hợp, lẽ ra phải căn cứ vào mức tăng thu nhập của người dân để điều chỉnh, bởi thuế thu nhập cá nhân dùng để đánh vào người có thu nhập cao chứ không phải đánh vào đại đa số dân có thu nhập trung bình. Năm 2019, ngưỡng chịu thuế 9 triệu đồng có thể xem là mức thu nhập trung bình cao (với GDP bình quân đầu người khoảng 1.900 USD). Nay, GDP bình quân đầu người đã 3.000 USD, tức là thu nhập đã tăng 36%. Thu nhập tăng nhanh như vậy mà ngưỡng chịu thuế chỉ căn cứ vào lạm phát thì không đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân", Th.S Minh nói thêm về cách tính ngưỡng chịu thuế theo CPI.

Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ, để Luật Thuế thu nhập cá nhân có tính pháp lý bền vững, ổn định lâu dài, không bị lạc hậu, không phải thường xuyên điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế khi lạm phát hàng năm của nền kinh tế nước ta luôn có sự biến động thì không nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân bằng một số tiền tuyệt đối là 5 triệu đồng hoặc 10 triệu đồng.

Ngoài ra, để khuyến khích được những người lao động có tài năng có thu nhập cao, chống thất thu thuế, nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch.

Nói về ý kiến cho rằng mức GTGC phải căn cứ vào thực tế chi tiêu của người dân (chẳng hạn học phí của con, tiền khám chữa bệnh, nếu có hóa đơn chứng từ thì những chi phí đó sẽ được tính vào GTGC), PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng điều này vô lý. “Ví dụ ông nhà giàu, ông cho con đi học trường quốc tế, đi bệnh viện quốc tế, xong ông tính chi phí đó vào giảm trừ là không được, không công bằng với những người có điều kiện thấp hơn… Khi xây dựng luật là phải đòi hỏi sự công bằng, ông giàu, nghèo như nhau, không thể ông nhiều tiền, tiêu nhiều thì lại hưởng ưu ái hơn”, PGS. TS Ngô Trí Long chia sẻ.

Nhật Tân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tinh-muc-chiu-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-nen-ap-dung-nhu-nhau-20200304204039154.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY