Tâm sự hôm nay

Tình yêu lớn dành cho chồng nên tôi nhẫn nhịn được bố mẹ chồng

Bao công sức chăm lo, sắm sửa, chữa bệnh cho ông bà nhiều năm qua, chắc họ không ghi nhận ở tôi bất cứ điều gì.

Tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì cuộc đời đã ban cho mình; mặc dù xuyên suốt quá trình gần 40 năm cuộc đời, có nhiều thử thách về mặt tinh thần đối với tôi và nhiều lần tôi buộc phải im lặng, nhẫn nhịn. Vợ chồng tôi có hai cháu, một gái một trai, ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ. Chồng hơn tôi chín tuổi, xuất thân từ vùng quê ở tỉnh lẻ. Anh không gọi là giàu có nhưng hiền lành, luôn hướng về gia đình và thương yêu vợ con.

Cha mẹ chồng tôi là những người nông dân chính hiệu; cha chồng từng đi bộ đội và sau khi giải ngũ có làm việc tầm 20 năm ở một cơ quan nhà nước. Mặc dù có khá nhiều quan điểm khác biệt giữa tôi với bố mẹ chồng nhưng về cơ bản chúng tôi không sống chung, dù không thích nhau cũng chẳng sao cả. Tôi là con dâu, nghĩ mình đã và đang làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ. Đương nhiên, tình yêu lớn lao tôi dành cho chồng khiến tôi có thể làm nhiều việc cho cha mẹ chồng mà không xuất phát từ trái tim mình. Tôi rất thẳng thắn chia sẻ điều đó, điều mà tôi tin chắc không có nhiều cô con dâu dám nói ra.

Trong suốt 15 năm qua:

Đám cưới, cha mẹ chồng tuyệt nhiên không cho tôi một phân vàng hay một nghìn đồng bạc nào. Xong đám cưới cũng tự ông bà kiểm đếm tiền mừng và giữ lại cho họ mặc dù khách mời có cả bạn bè và đồng nghiệp của vợ chồng tôi. Tôi biết nhưng không trách móc. Nói thật về cơ bản, tôi không cần tiền.

Cưới được hai tháng, mẹ chồng phán: "Mày có gì chưa? Có cần tao đưa chúng mày đi khoan điếc không"? Tôi buồn nhưng không nói. Khi tôi có bầu, con lớn sắp sinh, về quê chơi, mẹ chồng vứt cho một xấp tiền trị giá năm triệu đồng (đúng nghĩa là vứt xuống giường chỗ tôi đang nằm), bảo: "Tao cho mày đi đẻ". Tôi buồn, nhờ chồng ít hôm sau biếu lại ông bà đúng số tiền đó. Con đầu được sáu tháng, tôi đi tu nghiệp và phải gửi con cho ông bà ngoại cách hơn 2.000 km chăm sóc giúp hơn bốn năm. Cha mẹ chồng không nói nửa câu và cũng không hề có ý kiến gì. Tôi biết nhưng nghĩ việc đó tùy tâm, con tôi thì tôi tự sắp xếp.

Đẻ con thứ hai, mẹ chồng lên hộ tôi năm tháng. Chứng kiến vợ chồng tôi vui vẻ thương yêu nhau, bà không thích. Mua quà biếu bà, bà móc mỉa: "Con tao không đưa tiền cho mày thì mày làm gì có tiền mua đồ cho tao". Năm năm trước, chính bố chồng tôi bịa ra câu chuyện làm quà với họ hàng rằng bố mẹ tôi phá sản và phải bán tháo nhà cửa để trả nợ. Ông trời có mắt nên để vợ chồng tôi và bố mẹ tôi gặp mặt một trong những người họ hàng đó trong TP HCM, mọi chuyện mới vỡ lẽ. Tôi giận run người, định về nói rõ trắng đen nhưng sợ chồng xấu hổ nên tôi chỉ nhờ anh ấy về nhắc nhở bố mình.

Vì vậy, câu chuyện ông than mất tiền, mất ví ở nhà tôi chỉ là "giọt nước tràn ly" cho bao nhiêu sự nhẫn nhịn của tôi trong nhiều năm qua. Vâng, tôi chính là tác giả của bài "Cách cha chồng tìm chiếc ví bị mất làm tôi tổn thương". Tôi không thể chấp nhận được. Cha mẹ chồng tôi chưa hề lẫn hay mất trí, ông bà hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, đến mức hàng ngày vẫn đem chuyện gia đình người khác về nhà bàn luận và bình phẩm, trong khi bản thân mình thì...

Đó chính là những quan điểm và thái độ sống hoàn toàn khác tôi, thiết nghĩ nếu ở cùng thì không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Hiện tại, công việc chính và cả việc tay trái của tôi cũng cho tôi những nguồn thu nhập gọi là cao so với mặt bằng chung. Ngay cả bố mẹ ruột tôi cũng là những người có ăn học, có điều kiện kinh tế tốt, chưa phải nhờ vả gì các con. Tôi nói vậy để trả lời cho những câu hỏi "Tiền biếu cha mẹ chồng là tiền của tôi hay của chồng" của một số bạn đọc. Xin cảm ơn những đóng góp của mọi người cho câu chuyện của tôi.

Như Ý

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/tinh-yeu-lon-danh-cho-chong-nen-toi-nhan-nhin-duoc-bo-me-chong-4596211.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY