Kinh tế xã hội hôm nay

“Tờ giấy lời ước” ở gốc cây đêm giao thừa của người Dao đỏ

MangYTe - Sau thời khắc giao thừa, người Dao đỏ sinh sống ở Tây Bắc sẽ cầm trên tay một mảnh giấy cùng người thân đi xuất hành, tìm đến một gốc cây to để nhét những tờ giấy lời ước vào thân cây…

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 30 tháng Chạp, gia đình ông Phùng Văn Thọ (thôn Tát Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) lại tổ chức bữa cơm tất niên tổng kết năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới. Ngay từ sáng sớm, chị em phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống chuẩn bị lá chít, gạo nếp, thịt lợn để làm bánh gù - một loại bánh truyền thống của người dân tộc Dao.

"Ngày xưa, người Dao đỏ chúng tôi thường sống trên núi cao, nhưng sau này đã chuyển xuống ở dưới chân núi. Tuy nhiên, phong tục đón Tết và nhiều phong tục khác vẫn được chúng tôi duy trì và truyền từ đời này sang đời khác. Năm nay gia đình tổ chức mổ con lợn gần 70kg cùng đàn gà thiến được nuôi từ đầu năm để mời họ hàng đến uống rượu chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong năm mới", ông Thọ nói và cho biết – riêng xã Khai Trung người Dao đỏ chiếm tỷ lệ gần 70% dân số toàn xã.

“Tờ giấy lời ước” ở gốc cây đêm giao thừa của người Dao đỏ - Ảnh 1.

Chị em phụ nữ Dao đỏ làm bánh truyền thống - bánh lưng gù. Ảnh: Bảo Nguyên

Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ ở Yên Bái đón Tết cổ truyền theo lịch âm với tâm niệm Tết là dịp để cả gia đình được nghỉ ngơi, sum họp. Đây cũng là dịp để họ cúng báo với tổ tiên thành quả lao động, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm.

Để chuẩn bị đón một Tết đầy đủ, trước Tết 5 tháng, bà con dân tộc Dao đỏ đã nuôi lợn, gà, chuẩn bị thóc, gạo để dành riêng cho ngày Tết. Họ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Chiều 30 Tết, họ làm lễ quét nhà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, quét đi những điều không may mắn của năm cũ. Cả gia đình cùng tập trung dọn dẹp, làm cơm để cúng tất niên. Trên bàn thờ người Dao đỏ lúc nào cũng có nước, rượu và hương đốt liên tục. Tất cả quần áo, đồ dùng trong ngày Tết đều phải lấy ra ngoài trước đêm giao thừa. Ba ngày Tết phải kiêng không được mở rương hòm vì người Dao đỏ quan niệm, làm như vậy mới giữ lại được những thứ mình làm ra.

"Theo tục của người Dao đỏ để lại, trước Tết, người ta sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ nhau nhưng trong 3 ngày Tết không bao giờ cho ai thứ gì ngoài mừng tuổi trẻ con và mời ăn uống tại nhà", bà Triệu Thị Nhậy, ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên chia sẻ thêm.

“Tờ giấy lời ước” ở gốc cây đêm giao thừa của người Dao đỏ - Ảnh 2.

Thầy cúng làm phép trong dịp Tết cho gia đình người Dao đỏ.

Việc thờ cúng tổ tiên được người Dao đỏ ở Yên Bái đặc biệt quan tâm. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở một góc trái gian chính nhà giữa nơi sạch sẽ và gọn gàng nhất. Người Dao đỏ coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con, nhất là ông trưởng họ luôn nhớ về nguồn gốc, lịch sử truyền thống của dân tộc mình, họ đã dùng chữ Hán nôm để ghi chép lại tất cả những gì diễn ra trong đời người.

Sau bữa cơm tất niên, người Dao đỏ tắm rửa bằng nước được đun với lá và rễ cây với ý nghĩa rũ sạch bụi bẩn, những điều xấu xa của năm cũ để bước vào năm mới sạch sẽ, may mắn hơn. Nếu là những bộ quần áo mặc thường ngày thì người Dao Đỏ không quá chăm chút nhưng lễ phục thì lại rất cầu kỳ, công phu với nhiều màu sắc rực rỡ. Chiếc áo lễ phục được xẻ ngực, nẹp áo được thêu, cài bằng khuy bạc, hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng được làm từ mảnh vải dài khoảng hai sải tay...

“Tờ giấy lời ước” ở gốc cây đêm giao thừa của người Dao đỏ - Ảnh 3.

Bữa cơm ngày Tết quây quần của bà con người Dao đỏ ở Yên Bái.

Bà Lý Thị Pham, thôn làng Sài, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên kể về đêm giao thừa của người Dao đỏ: "Chuẩn bị đón giao thừa các thành viên trong gia đình thay cho mình những bộ quần áo mới nhất để đón chào năm mới với mong muốn mọi điều an lành, may mắn và khoẻ mạnh. Sau đó đợi đến giờ xuất hành, mỗi thành viên trong gia đình cầm trên tay một mảnh giấy cùng đi xuất hành, tìm đến một gốc cây to. Chủ nhà sẽ chém ba nhát dao lên thân cây rồi lần lượt từng thành viên nhét những tờ giấy vào thân cây với những lời nguyện ước: Gửi cho cây những điều xui xẻo của năm cũ qua đi, cầu cho năm mới mọi thành viên trong gia đình ai cũng mạnh khoẻ, làm ăn phát tài, lợn gà đầy chuồng, thóc gạo đầy bồ…".

Đêm Giao thừa người Dao đỏ không đốt pháo mà bắn ba phát súng kíp hoặc ba phát nỏ theo hướng đã định. Phút Giao thừa vừa điểm, chủ nhà đốt hương, khấn tụng gia tiên, bàn vương và các thánh thần về ăn Tết và phù hộ cho con cháu. Sáng ngày mồng một Tết, họ chuẩn bị bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới, sau đó mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem theo một tờ tiền vàng hàng mã để đốt ngay khi ra khỏi nhà với tâm niệm đốt đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn.

Người Dao đỏ đón khách xông nhà bằng rượu, không chỉ uống một chén lấy lệ mà khách và chủ nhà phải uống liền 6 chén rượu. Trước tiên chủ nhà rót 4 chén tượng trưng cho tứ quý trong năm, chủ và khách cùng uống để cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới. Sau đó họ rót tiếp 2 chén để mời và chúc nhau sức khoẻ, những điều may mắn, tốt lành…

Bảo Nguyên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/to-giay-loi-uoc-o-goc-cay-dem-giao-thua-cua-nguoi-dao-do-20210207231152884.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY