Kính viễn vọng FAST sẽ thay thế Đài quan sát Arecibo, giúp cộng đồng nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong vũ trụ.
Kính viễn vọng FAST ở Quý Châu. Ảnh: NAO.
Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 m ở huyện Bình Đàm, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc (FAST), vượt qua Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, trở thành kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2016. Trước đó, Đài quan sát Arecibo giữ kỷ lục này trong suốt 53 năm. Sau hai lần đứt cáp đầu năm nay, kính viễn vọng vô tuyến ở Arecibo sụp đổ hồi tháng 11, khiến đài quan sát chính thức ngừng hoạt động. Thay thế Arecibo, FAST đang mở cửa chào đón các nhà thiên văn học trên khắp thế giới.
"Hội đồng khoa học của chúng tôi hướng đến mở cửa FAST với cộng đồng quốc tế", Wang Qiming, quản lý của trung tâm vận hành và phát triển FAST, cho biết.
Trung Quốc sẽ tiếp nhận yêu cầu sử dụng thiết bị từ các nhà khoa học quốc tế từ năm 2021. Với đĩa thu tín hiệu đường kính 500 m, FAST không chỉ lớn hơn kính viễn vọng Arecibo đã bị hư hỏng mà còn nhạy hơn gấp 3 lần. Bắt đầu vận hành từ tháng 1/2020, FAST còn được bao quanh bởi vùng giảm nhiễu có bán kính 5 km, trong đó không được phép sử dụng điện thoại di động và máy tính.
Những kính viễn vọng vô tuyến như FAST sử dụng ăngten và cột thu tín hiệu để phát hiện sóng vô tuyến từ những nguồn trong vũ trụ như sao, thiên hà và hố đen. Các thiết bị này có thể được sử dụng để phát tín hiệu vô tuyến, thậm chí phản xạ ánh sáng từ vật thể trong hệ Mặt Trời. Giới nghiên cứu có thể sử dụng FAST để khám phá vũ trụ cũng như ngoại hành tinh, xác định liệu chúng có nằm trong vùng ở được quanh sao chủ hay không.
An Khang (Theo Live Science)
Chủ đề liên quan:
kính viễn vọng kính viễn vọng vô tuyến kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới lớn nhất tín hiệu vô tuyến