Da , Tóc , Da liễu hôm nay

Tôi bị mụn mủ ở mông, uống Thuốc hoài không hết BS ơi!

(Mangyte) - Tôi bị mụn mủ ở mông gần hậu môn cả năm nay, mới đầu rất nhỏ nhưng sau lan rộng ra. Nó sưng lên rất đau...

Thưa bác sĩ,

Tôi mủ ở mông gần hậu môn được 1 năm nay, mới đầu rất nhỏ nhưng sau lan rộng ra. Nó sưng lên rất đau, đau xong rồi bể mủ có màu đỏ gần giống máu.

Tôi đã đi khám tại BV Da Liễu nhưng mỗi lần đi khám thì các bác sĩ lại chẩn đoán khác nhau. Người thì chẩn đoán là viêm mô tế bào, người thì kêu bị nhọt, nhọt cụm nhưng theo đơn thì không hết.

Giờ tôi muốn điều trị dứt điểm thì phải làm như thế nào? Cảm ơn BS! (Ngọc Thắng - Q.9, TPHCM) >> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn

Trả lời:

Chào bạn,

Với các triệu chứng như bạn mô tả thì bạn đang bị nhiễm trùng ở sâu trong da. Mụn mủ ở mông gần hậu môn lúc đầu nhỏ sau lan rộng, sưng, đau và bể mủ có màu đỏ, kéo dài gần 1 năm nay, không hết, điều này chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng da nói trên chưa được không chế. Bạn xem lại các yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân kéo dài của bệnh :

- Bạn đã giữ gìn vệ sinh cơ thể và đặc biệt là vệ sinh da vùng mông đúng cách chưa ?

Bạn phải vệ sinh vùng mông bằng cách rửa với xà bông hoặc dung dịch có tính kháng khuẩn như Betadin, Thuốc tím pha loãng màu hồng, nước muối pha loãng và rửa mỗi ngày 2-3 lần: sáng, trưa, tối, sau đó lau bằng khăn khô hoặc khăn giấy sạch và bôi Thuốc chống nhiễm khuẩn như: Fucidine, Bactroban, Betadin, Eosine mỗi ngày 2-3 lần, đồng thời thay quần áo sạch hằng ngày

- Chế độ ăn uống, làm việc nghỉ ngơi của bạn đã phù hợp chưa?

Bạn phải hạn chế ăn chất ngọt, ăn nhiều rau, trái cây tươi, uống nhiều nước 2,5- 3lít/ ngày, tập thể dục hằng ngày, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress….

- Bạn kiểm tra xem có bệnh tiểu đường hay đang dùng Thuốc làm giảm miễn dịch như Corticoide… không ?

Các yếu tố trên làm giảm sức đề kháng cơ thể, có thể là nguyên nhân khiến bệnh kéo dài. Nếu loại bỏ các yếu tố trên, bạn cần nghĩ đến 2 vấn đề sau:

- Thuốc kháng sinh bạn đang sử dụng chưa phù hợp với tác nhân gây bệnh. Bạn cần tái khám để làm xét nghiệm cấy dịch mủ và làm kháng sinh đồ nhằm chọn kháng sinh thích hợp.

- Nhiễm trùng sâu trong da vùng mông cạnh hậu môn của bạn chính là 1 áp-xe quanh hậu môn đã chuyển sang giai đoạn rò (dò) hậu môn.

Trường hợp này bạn cần đến chuyên khoa Ngoại để BS rạch da, phá hết các ngóc ngách, lấy hết tổ chức xơ, dẫn thoát lưu mủ, và dùng kháng sinh đặc hiệu.

Chúc bạn trị liệu thành công !

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu - AloBacsi.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/toi-bi-mun-mu-o-mong-uong-thuoc-hoai-khong-het-bs-oi-n31826.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY