Chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng, gia cảnh tương đối vất vả, ông bà gần như không có thu nhập gì, chỉ có mảnh ruộng lúa đủ gạo ăn. Tuy nhiên vẫn có người bác ở xa thi thoảng cho ông bà ít tiền tiêu nên vợ chồng tôi chưa hẳn áp lực nuôi ông bà.
Tôi sống chung bố mẹ chồng không hẳn thật êm ấm nhưng cũng không có gì quá đáng. Con trai tôi khỏe mạnh, tôi luôn gắng nuôi con thật tiến bộ. Về kinh tế, vợ chồng tôi phải tự lực toàn bộ. Ông đau yếu, bà chăm ông và giúp chúng tôi chăm cháu khi bố mẹ đi làm. Bố mẹ tôi là viên chức nghỉ hưu, cũng phụ tôi chăm cháu khi cần.
Câu chuyện của tôi thuộc về hai vợ chồng. Cụ thể là tôi không hài lòng về chồng mình, về thu nhập và ý chí phấn đấu của chồng. Tôi nghĩ do liên quan vài điểm về tính cách, cư xử còn hạn chế của anh ấy. Xét về điểm mạnh, chồng tôi không phá phách, lo toan cho gia đình, không gái gú, hư hỏng gì. Tôi khẳng định chồng tôi có bao nhiêu thu nhập đều đưa hết cho vợ, chắc chắn không có phòng nhì (tôi suy xét từ tính cách và cư xử của chồng). Tôi viết rõ vậy để bạn đọc đỡ nghĩ sang hướng khác mà tôi biết hiện tại là không có.
Xét về điểm yếu, chồng tôi không lo toan tốt cho gia đình. Anh thu nhập thấp, bấp bênh. Anh là kĩ sư, trình độ đại học dạng top ở Việt Nam, ra trường đi làm đã 12 năm nhưng vẫn chưa có nổi một công việc tốt. Các công việc trước mà anh có đều nhờ người anh họ có vai vế xin cho, cũng chỉ 8 triệu/tháng. Nhưng rồi công ty sa sút, chồng tôi phải nghỉ, người anh họ xin cho anh công việc khác, đi làm ở Lào, khá hơn được 13 triệu/tháng. Không biết công ty làm ăn có tốt không (anh luôn giấu tôi mọi chuyện công việc, kể cả tôi hỏi), nhưng tôi thấy hết hạn hợp đồng một năm họ cũng cho chồng tôi nghỉ, còn những người khác vẫn làm bình thường.
Từ đó, vì nhiều lý do mà không có sự giúp đỡ từ người anh họ nữa, chồng tôi tự tìm công việc. Mất 3 tháng chẳng có việc làm, cô tôi - người đã làm mai cho tôi và chồng - lo lắng nhờ người quen xin cho một công việc. Từ đó đến giờ đã hơn 6 tháng, chồng tôi vẫn không được ký hợp đồng làm việc chính thức, thu nhập tính theo ngày công. Bình thường được 10 triệu, tháng nghỉ Tết còn được 3 triệu. Tết chẳng có thêm thưởng hay bất kỳ chế độ gì khác ngoài lương.
Tôi cũng trình độ đại học chính quy, cũng là trường tốt, làm viên chức, lương bình thường, nhưng tôi làm thêm nhiều, tổng thu nhập cũng được 10 triệu/tháng. Nửa năm nay tôi có làm thêm hơn, được tổng 15 triệu/tháng, hoàn toàn là mức thu nhập rất bình dân của xã hội, nhưng tôi vẫn nói ra vì tôi có sự so sánh với chồng. Công việc tôi làm thêm, anh cũng không phụ tôi được vì đặc thù chuyên môn.
Tôi không rõ nghề kĩ sư có mức lương mặt bằng chung là thế nào (tất nhiên tôi biết có rất nhiều người giỏi thu nhập khủng, tôi chỉ nói mặt bằng chung); nhưng tôi nghĩ, nếu là người có ý chí, biết phấn đấu và xoay xở, thì không thể hài lòng với mức lương còm cõi như chồng tôi được, cũng không thể để bản thân rơi vào các tình huống công việc khó khăn đến vậy, trong khi anh có bằng cấp (tôi không cùng ngành, không đánh giá được chuyên môn của anh), đã ra trường đi làm khá dài, độ tuổi lẽ ra đã gặt hái được ít nhiều thành quả trong công việc, sự nghiệp.
Đặc thù công việc anh phải xa nhà, không thể phụ việc nhà để tôi có thêm thời gian làm thêm hay học tập nâng cao chuyên môn, nên lẽ ra anh phải kiếm được tiền tốt hơn như thế. Tôi tự nhận mình là người ý chí, cầu tiến, luôn mong ước được có cuộc sống tốt. Tôi luôn nhắc chồng phải phấn đấu nỗ lực, lương công ty trả không cao thì phải tìm cách làm thêm bên ngoài, tìm công việc phù hợp mà làm; hoặc trau dồi chuyên môn để có thể tìm được công việc tốt hơn.
Ngoài chuyện công việc, tôi thấy cách chồng cư xử trong cuộc sống cũng không tốt, khiến tôi hoàn toàn không nể phục. Chồng giao tiếp kém cỏi, khép kín, rụt rè. Gặp đồng nghiệp tôi, anh cũng lảng tránh không chào, khiến các chị thắc mắc, tôi cũng có chút ngại, nhưng biết thừa tính anh như vậy. Chồng thiếu năng nổ, nhiều chuyện nhỏ nhặt anh cũng không giải quyết nổi, khiến tôi cứ phải làm thay. Anh làm không tốt khiến tôi phải chạy đi xử lý hậu quả. Nhưng tôi nói thì anh không chấp nhận, còn cáu gắt lại tôi (tôi nói nhiều tôi cũng gắt). Anh khô khan và nhiều lúc cư xử rất tệ. Tôi biết tính anh xử lý sự việc còn nhiều hạn chế, rất bị động nên thường nhắc anh.
Lúc tôi sinh mổ ở bệnh viện, tôi đi sinh diện chi trả của bảo hiểm y tế, ở bệnh viện công lập là nơi tôi làm việc. Lúc ra viện vì là chỗ quen biết nên không thể cảm ơn bằng phong bì, tôi bảo anh giúp tôi chuẩn bị quà biếu người ta. Anh cứ nhờ người khác liên lạc rồi chờ đợi, trong khi tôi sắp phải ra viện rồi, không trễ được. Tôi thúc giục anh tự liên lạc trực tiếp để xem tình hình thì anh cáu gắt, rồi đánh tôi ngay trước mặt nhiều bệnh nhân trong phòng.
Tôi nghĩ có lẽ do trước đó tôi từng ý kiến với anh nhiều về tính cách này, tôi luôn yêu cầu anh làm gì cũng nên chủ động và trực tiếp để nắm được tình hình, nên lần đó anh cáu quá. Nhưng tôi thực sự thất vọng. Tất nhiên tôi khóc. Và tôi còn khóc nhiều lần khác nữa. Chồng tôi cũng rất khô khan. Anh không bao giờ mua tặng vợ món gì bất kể ngày gì. Tôi nghĩ cũng là do anh không có tiền. Anh mặc định lương đã đưa hết cho tôi rồi nên mọi thứ tôi đều phải tự chi tiêu, đi đâu làm gì tôi chủ động trả tiền.
Tôi luôn nhắc chồng gắng chịu khó đọc thêm sách vở, nâng cao trí thức, tâm hồn; hoặc học thêm bất kỳ thứ gì mà mình nghĩ sẽ tốt thêm cho công việc cuộc sống, hoặc nuôi dạy con, hoặc định hướng dài hơi sau này sẽ làm thêm gì thì chuẩn bị sẵn. Tôi nhắc rất nhiều, nhưng anh không bao giờ rõ ràng với tôi điều gì. Tôi hỏi anh có kế hoạch gì cho công việc và kiếm tiền, anh luôn không bao giờ trả lời được, mà hỏi vặn lại tôi và bảo tôi cứ làm đi. Tôi thấy anh thật hèn.
Tôi luôn có kế hoạch lâu dài để kiếm tiền và phát triển công việc, nhưng do còn bận con cái nên tôi chưa làm được. Chồng tôi thì chẳng có kế hoạch gì cho tương lai, anh cũng khác ngành nghề tôi nên tôi thấy anh cũng không thể tham gia cùng tôi được. Anh chẳng mấy khi ở nhà, nhưng có về nhà anh cũng không thể phụ tôi chăm con, vì anh thiếu tâm lý, thiếu săn sóc, vì anh nghĩ chăm con là việc của tôi, nên cứ ỷ lại.
Tôi thấy tương lai gia đình mình thật vô định và không tin tưởng vào năng lực, khả năng kiếm tiền của chồng. Những thứ tôi nhắc anh, về việc ứng xử, về việc chủ động hơn khi tìm việc và chủ động hơn khi xử lý mọi việc trong cuộc sống, anh có thay đổi ít nhiều. Nhưng tôi nghĩ, kỳ vọng một ai đó thay đổi thật quá hão huyền. Ở tuổi này của chồng tôi, đã có quá nhiều thứ thành thói quen, tôi e là không biết để sửa, mà cũng khó có thể sửa. Nghỉ dịch bệnh, chồng tôi vẫn vô tư ở nhà, không có lương. Tôi mua thêm sách vở đọc để nuôi dạy con, anh cũng không sờ đến. Có sách nọ sách kia tôi ngọt nhạt năn nỉ anh đọc thêm, anh cũng chẳng hứng thú gì, dù anh làm công trường tôi biết là có thời gian rỗi.
Tôi cũng nhận rất nhiều trái đắng. Tôi bị chồng trách mắng vì nói nhiều, bị anh cáu gắt, mắng mỏ khi khác nhiều về quan điểm, cách xử lý giải quyết sự việc. Tôi thực sự rất mệt mỏi, nhiều lúc nghĩ tôi cứ khóc. Tôi thấy áp lực mình phải gánh vác gia đình, phải nuôi dạy con, lo toan kinh tế một mình. Anh chẳng giúp được gì cho tôi. Tôi tự nhận việc tôi phải chịu bây giờ, trước hết do tôi không tìm hiểu kỹ và lường trước về cuộc sống hôn nhân, chẳng suy nghĩ gì để rồi thất vọng nhiều. Bản thân tôi dễ nhìn, có trình độ, gia đình gia giáo, thân thiện và thường được quý mến. Tôi cũng có nhược điểm, nhưng đã sửa đổi và kiểm soát dần. Giờ tôi không biết tôi phải làm sao, tôi nên nghĩ thế nào. Tôi không hài lòng về chồng. Tôi buồn nhiều về điều đó. Tôi không biết nghĩ vậy có là quá đáng không? Tôi có đòi hỏi quá không? Tôi có nên nghĩ khác đi, an phận chấp nhận cuộc sống không? Như tình huống của tôi, liệu tôi có nên ly hôn, làm lại cuộc đời của mình không?
Thực sự tôi cũng nghĩ tới việc ly hôn, vì tôi hiểu mình có hạnh phúc thì con mình mới vui vẻ và sống tốt, hơn nữa mình cũng chỉ sống có một cuộc đời; nhưng cuộc sống của tôi lại chưa bất hạnh tới mức quyết định luôn được việc ly hôn, chồng không hư hỏng, không bạo hành; nếu ly hôn sẽ rất tai tiếng, rất khó khăn để vượt qua; con của tôi sẽ phải chịu nhiều áp lực tâm lý bất lợi khi luôn có rất nhiều người lớn ngoài xã hội, cả vô tình, cả cố tình nói nhiều điều khó nghe mà trẻ con chưa đủ khả năng nhận định và xử lý; bản thân tôi cũng sẽ bị áp lực tâm lý rất nhiều từ xã hội và cơ quan. Rồi việc phụ nữ đã một lần đổ vỡ, tôi hiểu cơ hội để gặp một người đàn ông tốt như tôi nghĩ cũng sẽ khó. Tôi rất mong được chuyên gia tư vấn, được bạn đọc góp ý. Tôi xin cảm ơn.
Qua thư, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn nhất giữa hai vợ chồng bạn là mục tiêu phấn đấu cho cuộc sống, cho gia đình.
Bạn luôn biết cách đặt mục tiêu rõ ràng, có ý chí và ước mong thay đổi cải thiện cuộc sống. Nhưng chồng bạn thì ngược lại hoàn toàn. Theo những điều bạn kể, anh ấy có quá nhiều điểm hạn chế, vì vậy cuộc sống gia đình, sự nghiệp, các mối quan hệ đều trở nên bế tắc, khó khăn. Đặc biệt giờ đây, mái ấm của các bạn có thêm đứa con nhỏ gần 3 tuổi, mọi thứ đòi hỏi phải có thêm những nỗ lực từ cả hai vợ chồng như việc chăm sóc giáo dục con, chi phí để dành để lo cho con và tương lai, rồi còn bố mẹ già yếu... Nhưng lúc này, những hạn chế của chồng bạn lại càng bộc lộ rõ rệt.
Đầu tiên, bạn cho rằng chồng mình thiếu các kỹ năng giao tiếp. Trong khi đó, 12 năm qua nghề nghiệp chính của anh ấy là kĩ sư xây dựng, thường xuyên xa nhà. Đáng lẽ với môi trường mở, thường xuyên đi đây đó như vậy, chồng bạn phải là người đàn ông từng trải, khôn ngoan, hiểu rõ sự đời. Nhưng ở đây, anh ấy lại rụt rè, ngại giao tiếp, ít mối quan hệ. Vậy nguyên nhân thực sự là đâu, bạn đã tìm hiểu ngọn nguồn? Ngay từ nhỏ tính cách của chồng bạn đã như vậy chăng? Sao anh ấy lại chọn ngành nghề xây dựng, thường xuyên phải ra ngoài, gặp gỡ người lạ, thay đổi môi trường mới liên tục?
Nếu nghề nghiệp hiện tại chưa đem lại sự hứng thú hoặc để anh ấy khẳng định bản thân. Rất có thể anh ấy đã chọn sai nghề. Vì vậy, khó có thể có thành quả, động lực phấn đấu để xây dựng sự nghiệp. Hãy khéo léo gợi ý cho chồng về những công việc anh ấy thực sự muốn làm và có thể làm tốt. Tôi lấy ví dụ, chồng bạn có thể đi làm bảo vệ tại một công ty gần nhà. Mức thu nhập trung bình 5-7 triệu đồng ổn định. Có thời gian cùng vợ chăm sóc con cái, cha mẹ già. Công việc bảo vệ có thể bị đánh giá là tầm thường với một kĩ sư xây dựng từng học trường đại học top đầu. Tuy nhiên, biết đâu lại khiến chồng bạn thấy phù hợp với năng lực của bản thân, thấy được niềm vui trong lao động. Ở đây, tôi chỉ ví dụ như vậy, bởi điều quan trọng là phải tìm ra được điều chồng bạn muốn làm và làm tốt, khơi gợi cho anh ta thấy được giá trị của bản thân, động lực làm việc. Bởi một ông thợ cắt tóc lề đường nổi tiếng nhất phố A có thể hơn rất nhiều anh kĩ sư xoàng xếp hạng 1000+ bạn ạ.
Những điểm hạn chế của chồng bạn hiện nay rõ ràng là khó thay đổi ngay lập tức. Nhưng hãy khéo léo đặt nó vào những cách nhìn khác, bạn sẽ bớt căng thẳng và bớt có cái nhìn tiêu cực về chồng. Lá thư của bạn, tôi thấy tràn ngập những từ ngữ tiêu cực như: bạn không tin tưởng chồng, thấy anh ta hèn, thất vọng... Nhưng bạn có biết không, bởi bạn đã dành quá nhiều sức lực và hy vọng rằng sẽ thay đổi được chồng mình. Bạn đã lạm dụng quá đà quyền hành của người vợ, cũng như can thiệp vào không gian riêng tư, sở thích của chồng mình. Tôi dẫn chứng thế này: Bạn rất thích đọc sách để nâng cao kiến thức, nhưng chồng bạn không thích những cuốn sách như vậy. Bạn mua sách về nài nỉ chồng phải đọc trong khi chồng bạn đã không thích. Đó là sự gò ép, và kể anh ta có đọc lấy vui cho bạn một cuốn sách thì cũng chỉ là chống đối, cho có. Vậy bạn ép để làm gì?
Bạn biết sự hạn chế của chồng là kém ngoại giao, nhưng bạn lại giao cho anh ấy việc lo quà cáp bác sĩ, bạn hy vọng chồng sẽ niềm nở với những người đồng nghiệp của bạn. Vậy là bạn đã tự làm khó mình hơn khi giao sai việc cho chồng. Bên cạnh đó, bạn đưa ra sự thúc ép liên tục, mong muốn chồng phải làm theo những định hướng của bạn. Những điều này về lâu dài đã gây ra sự căng thẳng với chồng bạn, vốn là một người không có kế hoạch tương lai. Bản chất tư duy của đàn ông và đàn bà khác nhau, không nên lấy những suy nghĩ của mình để áp đặt cho đối phương trong bất cứ mối quan hệ nào. Hãy tôn trọng những cảm xúc thật và sự thật về đối phương.
Khi nêu lại những vấn đề này, tôi không chỉ trích, trách móc bạn. Bởi tôi hiểu, là phụ nữ, bạn mong muốn được dựa dẫm vào chồng, có chồng lo toan, cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ cùng mình, nhưng bạn lại luôn là người đứng mũi chịu sào. Đó là thiệt thòi của người vợ có chồng mà như không. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh bạn ạ, cuộc hôn nhân của một gia đình trẻ trải qua hơn 3 năm chưa nói hết được điều gì. Hãy lấy những điểm mạnh của mình bù đắp cho chồng lúc này. Tôi chắc chắn rằng, chồng bạn cũng thấy rõ những hạn chế của mình hiểu rõ vì sao mình thua kém đồng nghiệp, người ta được nhận làm việc lâu dài, mình thì không. Anh ấy hẳn cũng xấu hổ và dằn dặt chính mình. Nhưng cách đàn ông thể hiện ra những tâm sự của mình khác với phụ nữ, đôi khi bạn chưa nhìn thấy.
Bên cạnh đó, cũng có thể, chồng bạn kém may mắn trong sự nghiệp, bởi tôi biết khá nhiều người tuy năng lực hạn chế nhưng vẫn có công việc và thu nhập ổn định. Vậy hãy chia sẻ cùng anh ấy quãng thời gian này. Đặc biệt, bạn có nói, thời điểm nghỉ dịch bệnh, chồng bạn chấp nhận chỉ ngồi nhà không lương. Thực tế, đây là giai đoạn khó khăn của rất nhiều gia đình và các tổ chức. Với công việc hiện nay là lao động công nhật thì rõ ràng chồng bạn chỉ có thể ngồi nhà mà thôi.
Bạn đang tự tạo cho mình những áp lực trong cuộc sống. Vì vậy, hãy hạ thấp những kỳ vọng của bản thân để sát với thực tế cuộc sống của chính mình, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, dễ thở hơn. Bạn đã bao giờ tìm sự hỗ trợ từ người thứ ba – một người gián tiếp, có uy tín có thể tác động đến chồng bạn được chưa? Có thể những câu chuyện, lời khuyên từ người ấy với chồng bạn lại hiệu quả hơn sự thúc ép từ bạn. Anh ấy ngại giao tiếp, rụt rè nhưng chắc chắn vẫn có một ai đó anh ta yêu mến, tôn trọng chứ? Đôi khi một người bạn lớn tuổi có thể định hướng và giúp đỡ, lôi kéo anh ấy ra khỏi những suy nghĩ quanh quẩn hiện tại.
Chồng bạn đang gặp nhiều khó khăn, có thể anh ấy không thấy rõ hoặc chịu thừa nhận điều đó. Nhưng vợ chồng là nghĩa phu thê, bạn đã cố giúp chồng rất nhiều, nhưng chưa phải cách phù hợp với anh ấy. Vậy ta thay đổi để tìm ra cách phù hợp hơn, từng chút một để anh ấy hiểu rõ rằng: khi khó khăn người bên cạnh động viên, giúp đỡ anh ấy là vợ mình. Dù đã 36 tuổi, anh ấy vẫn cần rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn nữa. Mong bạn sẽ thấy nhiều hơn những ưu điểm của chồng để thương, yêu và giúp anh ấy. Chúc gia đình bạn luôn bình an!