Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

TP Hồ Chí Minh cảnh báo mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm, số ca mắc bệnh tăng nhanh.

Dịch sốt xuất huyết còn tiếp tục gia tăng

Nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, diễn tiến của dịch sốt xuất huyết tương tự như mùa dịch những năm trước, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6 và hiện đang vào cao điểm của dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 39.814 ca sốt xuất huyết, trong đó có 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.

Các bác sĩ cho hay, hiện dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, kéo dài đến tháng 11.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố, việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế, các hộ gia đình chỉ là biện pháp tức thời nhằm diệt muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để. Do đó, ngành y tế khuyến cáo, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi gia đình, cơ quan, công sở... phải dọn dẹp, loại bỏ những nơi, vật dụng chứa nước như xô chậu, thùng phuy, bình hoa, chậu hoa, cây cảnh, hồ tiểu cảnh, vỏ xe, ly nhựa, hầm cống, hố nước, hốc cây, các vật phế thải, các công trình xây dựng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh.

Dịch tay chân miệng vào mùa

Trong khi dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm, thì dịch bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu vào mùa và tăng cao. Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong tháng 8, Thành phố có 3.088 ca mắc tay chân miệng, gồm 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú, tăng 115% so với tháng trước. Hiện số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay là 9.718 ca, gồm 1.858 ca nội trú và 7.860 ngoại trú, không có ca Tu vong.

Các bác sĩ cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ, như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ... Cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng như các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố, bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao, bởi đây là lúc trẻ em trở lại trường học sau khi nghỉ hè. Do đó, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là việc theo dõi, giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày và phụ huynh cần thông báo rõ lý do cho nhà trường ngay nếu con em mình nghỉ học.

Để ngăn ngừa dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất trong trường học, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong khu vực trường học, nhóm trẻ; tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ đồng thời tuyên truyền phụ huynh diệt lăng quăng trong khu vực gia đình sinh sống.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo tin tức (https://baotintuc.vn/suc-khoe/tp-ho-chi-minh-canh-bao-mua-cao-diem-cua-benh-tay-chan-mieng-sot-xuat-huyet-20190916193114722.htm)

Tin cùng nội dung

  • Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết não mà Tu vong.
  • Bệnh có thể được phát hiện tình cờ: làm xét nghiệm tế bào máu ngoại vi thấy có số lượng tiểu cầu giảm .
  • Tiêu chảy cấp do rotavirut là một trong những bệnh phổ biến và lây lan nhanh sau mưa lũ do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
  • Xuất huyết tiêu hoá( XHTH) là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch của đường tiêu hoá, vào trong ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
  • Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đang tăng cao, đặc biệt ở khu vực các tỉnh phía nam. Và nhiều người muốn biết đối với loại bệnh này, có thể dùng đông y, Thu*c nam để phòng ngừa, chữa trị hay không?
  • Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi mạch máu bên trong hoặc gần não bị đứt làm máu tích tụ trong não gây hại cho các tế bào não.
  • Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một loại bệnh truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) xảy ra ở những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay vô căn là một rối loạn đông cầm máu có thể dẫn đến dễ bầm tím hoặc chảy máu (xuất huyết).
  • Trong Đông y không có bệnh danh bệnh tay-chân-miệng nhưng căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng có thể thấy bệnh phát sinh là do phong thấp nhiệt thời độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng, kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng Phế và Tỳ.
  • Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus (siêu vi) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi loét miệng và nổi hồng ban trên bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus coxsackie.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY