Không như thời gian đầu cho nghỉ sau Tết tránh dịch bệnh và nghỉ hết tháng 2 của TPHCM được dư luận ủng hộ, đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 của TPHCM dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa.
Anh Nguyễn Chí Trung, công tác trong lĩnh vực giáo dục tại TPHCM cho hay, việc nghỉ học hết tháng 2, các trường đã có sự chuẩn bị khá tốt về tinh thần, công tác vệ sinh, tuyên truyền... ứng phó với dịch bệnh, đón học sinh (HS) quay lại trường.
Theo anh, việc hàng triệu HS ở một thành phố lớn nghỉ học kéo dài kéo theo rất nhiều ảnh hưởng, xáo trộn về đời sống, sinh hoạt, kinh tế, giáo dục. Trong khi, vấn đề của dịch bệnh, có thể còn kéo dài.
"Theo tôi, đầu tháng 3 HS quay trở lại trường là hợp lý nhất. Lúc này, mọi người đã có ý thức trong việc giữ vệ sinh, phòng chống dịch. Việc nghỉ học tiếp một tháng liệu có cần thiết, trong khi kéo theo rất nhiều khó khăn, tác động?", anh Trung nói.
Hiệu trưởng một trường THCS ở trung tâm TPHCM bày tỏ, trường rất chủ động để đón HS quay trở lại trường sau khi nghỉ hết tháng 2, giáo viên, nhân viên được nâng cao ý thức, tập huấn kỹ về dịch bệnh. Nhìn chung, mọi người cũng băn khoăn nếu tiếp tục nghỉ học hết tháng 3 khi nhiều giáo viên, HS đều muốn trở lại trường, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt hơn.
"Tuy nhiên, nếu tiếp tục nghỉ thì trường vẫn có kế hoạch tự học tốt khi HS ở trường đều tương tác tốt với công nghệ. Nhưng đối với nhiều khu vực, nhiều trường, nhiều gia đình, HS..., việc nghỉ dài sẽ rất khó khăn", bà chia sẻ và cho rằng ngoài việc tranh cãi nghỉ học hay không thì kiến nghị cho HS nghỉ học hết tháng 3 gây ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi Việt Nam chỉ còn 1 bệnh nhân dịch Covid-19, 15 ca đã được xuất viện.
TPHCM là nơi đầu tiên ra quyết định cho HS nghỉ học hết tháng 2, và khi đó, đã đưa ra ra ý kiến cho HS nghỉ học hết tháng 3. Lúc đầu, nhiều người vẫn nghĩ đó chỉ là phương án "dự kiến" cho đến ngày 20/2, TPHCM chính thức gửi văn bản khẩn lên Chính phủ. Như vậy, thành phố đã phải lấy ý kiến, cân nhắc kỹ lưỡng về đề xuất của mình.
Một giáo viên ở TPHCM chia sẻ, cô làm việc tại trường bán trú và có hai con nhỏ. Hàng năm có hai dịch bệnh là đau mắt đỏ và thủy đậu, cho dù giáo viên chú ý làm vệ sinh rất kỹ, khi phát hiện HS có dấu hiệu bệnh là yêu cầu đón con về liền. Vậy nhưng, năm nào HS trong trường cũng bị lây nhiễm rất nhiều, môi trường ở trường học các con ăn chung, ngủ chung, lây lan rất nhanh.
Theo cô, đối với Covid-19, lây lan nhanh nên việc phòng xa, tránh nguy cơ lây nhiễm là việc hàng đầu phải làm. Chứ để dính bệnh thì kéo theo hậu quả vô cùng khó lường.
Dịch bệnh, nghỉ học kéo theo nhiều khó khăn cho gia đình, sinh hoạt, kinh tế. Nhưng phải nói những ngày qua, chúng ta được chơi chung với con, được gặp cha mẹ, ông bà, bạn bè, vẫn đi đây đi đó, hàng hóa vẫn lưu thông đầy đủ. Chúng ta đang đi theo cách an toàn vậy sao phải quá lăn tăn kế hoạch học, chương trình học.
Đối với việc các gia đình khó khăn trong việc giữ con, theo giáo viên này mỗi người hãy nỗ lực, huy động mọi nguồn lực để vượt qua lúc khó khăn. Bởi khó khăn chúng ta đang đối mặt là mức thấp nhất trong vấn đề dịch bệnh mang tính toàn cầu.
Chị Nguyễn Thu An, nhà ở Gò Vấp cho biết, những ngày qua, chị lùng sục đủ cách nhưng không thể nào mua nổi khẩu trang y tế trẻ em cho con sử dụng. Chỉ một vấn đề trước mắt đó thôi, chưa kể rất nhiều vấn đề, yêu cầu trong phòng chống dịch bệnh... theo chị, việc trẻ nghỉ học tiếp vào tháng 3 là cần thiết. Tránh môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, trẻ chưa biết cách bảo vệ mình tốt nhất.
Chị An nói: "Không chỉ là chuyện cả triệu đứa trẻ đến trường mà khi con đi học, kéo theo việc đi lại của hàng triệu phụ huynh, phương tiện công cộng... có thể phát sinh nhiều nguy cơ chúng ta không lường được. Nên nghỉ thêm một tháng có thể nói, chúng ta chọn cách an toàn nhất".
Ngày 14/2, sau cuộc họp bàn kéo dài giữa Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM và các sở ban ngành với tinh thần "tính mạng con người là trên hết" TPHCM có quyết định cho HS nghỉ học hết tháng 2. Ý kiến đề xuất nghỉ học hết tháng 3 cũng được đặt ra.
Ngày 17/2, Sở GD&ĐT TPHCM trình UBND thành phố về Dự thảo đề xuất cho HS, sinh viên nghỉ học hết tháng 3, học kỳ 2 năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu từ tháng 4 và kỳ thi THPT quốc gia được lùi lại đến cuối tháng 7/2020
Ngày 20/2, kiến nghị do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong được gửi khẩn lên Chính phủ về việc chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của HS, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 3/2020. Cùng với đó là điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 bắt đầu từ tháng 4 và dời kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7/2020.
Theo lãnh đạo TPHCM, kiến nghị được đưa ra trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới.
Với tinh thần là đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho HS luôn phải được đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, chuẩn bị cho năm học 2020-2021 của cả nước, giúp cho HS và phụ huynh an tâm chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình và cá nhân.
Tại buổi họp về tình hình kinh tế, xã hội tháng 1 của UBND TPHCM sáng 18/2, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, hiện đang cùng các doanh nghiệp cách ly tại chỗ khoảng 2.500 lao động Trung Quốc. Ngoài ra, đến ngày 15/2, thành phố vẫn đang giám sát 1.189 người tự cách ly.