Ban trợ niệm của Liên Xã ở Đài Trung khởi đầu là do một tay của lão cư sĩ Giang Ấn Thủy tổ chức dựng nên, cho nên mọi người cử ông làm trưởng ban trợ niệm, chuyên phụ trách niệm cho người lâm chung được vãng sinh Tây phương. Mọi người đều quen tôn xưng lão cư sĩ là Giang tiên sinh. Lúc ông 71 tuổi còn kiêm nhiệm chức giáo sư lịch sử ở Học Uyển chùa Linh Sơn, ông gánh vác mọi việc vì người, rất tận tình, không từ khó nhọc. Không may vào hạ tuần (khoảng 20 đến 30) tháng 8 năm Dân Quốc thứ 48, ông bỗng bị chứng bệnh suyễn mệt tim, Đông Tây y đều không hiệu quả, đến khi bệnh quá nguy kịch, có một hôm vào lúc 7 giờ sáng, con trai của ông là Giang Trọng Phan Quân (dạy học tư gia trong thành phố Đài Trung), đến nhà tôi nói với tôi: “Sư cô Khán Trị! Hôm qua bác sĩ nói cha tôi sống tối đa thêm bảy ngày nữa thì lìa đời, kêu tôi phải lo chuẩn bị hậu sự, không biết nên làm thế nào đây?”. Tôi vốn biết Trọng Phan Quân lúc bình thường là đứa con rất hiếu thuận, liền hỏi anh ta: “Từ lúc cha anh bệnh đến nay, anh đã tốn hết bao nhiêu tiền cho cha anh rồi?”. Anh ta nói khoảng hơn năm mươi ngàn đồng.
Tôi nói: “Nếu theo pháp thế gian mà nói, như thế đã hết sức vì người rồi. Nhưng tốn nhiều tiền như thế đối với cha anh mà nói lại không có ích gì cả, chỉ có thể làm tăng thêm đau khổ cho thân xác! Tôi nghe nói anh mấy tháng nay không nhớ đến thay đổi y phục, ngày đêm chỉ lo hầu hạ Thu*c thang, có thể nói anh là một người con có hiếu trong đời, nhưng như thế cũng chưa thể gọi là lòng hiếu chơn chánh!”. Trọng Phan Quân nghe xong lấy làm lạ không biết gì, lặng lẽ nhìn tôi, tôi liền vì anh ta mà giải thích: “Theo lý nhà Phật nói, anh phải làm cho cha anh tâm được an, ch*t có chỗ về (tâm hữu sở an, tử hữu sở quy). Anh nếu thật có lòng hiếu, ắt phải về nhà ở bên cha mà niệm Phật, bắt đầu hôm nay niệm 7 ngày, tâm của cha anh chắc chắn sẽ vô cùng vui vẻ, khiến cho ông ra đi được nhẹ nhàng, vãng sinh về cõi Phật, như thế mới là đại hiếu chơn chánh. Hiếu hạnh chung chung của người thế gian chỉ là cung cấp những sự hưởng thụ trong cuộc sống của cha mẹ vào lúc tuổi già, sau khi ch*t thần thức đọa lạc vào đâu lại không cần biết, đây chỉ là hiếu về vật chất, cho nên không thể nói là đại hiếu”. Giang Quân nghe xong rất vui mừng tiếp nhận đề nghị của tôi, tôi bèn chỉ cho anh phương pháp niệm Phật, hy vọng anh ta mỗi lần niệm một giờ cho đến hai giờ, cần chí tâm thành khẩn, mỗi câu phải rõ ràng, mới có hiệu quả.
Ngày hôm ấy là ngày tôi giảng kinh định kỳ ở giảng đường Tân Trúc Văn Nhã, nhưng từ lúc sáng sớm sau khi nghe được tin này, nghĩ đến việc một thành viên quan trọng trong Liên Xã chúng tôi chỉ sống thêm 7 ngày nữa sẽ lìa đời, trong lòng khó tránh khỏi tình cảm đau thương của sự sinh ly tử biệt, cho nên không thể đi Tân Trúc, vốn muốn đi thăm họ (gia đình Giang tiên sinh), lại nghĩ có lẽ Trọng Phan Quân đang niệm Phật, cha anh ta chắc chắn nghe rất hoan hỉ. Mãi tới 8 giờ tối, tôi mới đến nhà họ Giang. Giang tiên sinh vừa nhìn thấy tôi liền nói: “Chị Khán Trị! Mời ngồi! Mời ngồi. Có lẽ chị rất bận, cho nên mấy ngày nay không đến thăm tôi, hôm nay pháp sư Sám Vân tặng cho tôi hai xâu chuỗi Bồ Đề Tinh Nguyệt, mấy đứa đem lại cho chị Khán Trị xem nào”. Lại nói rất nhiều về con cái của ông ta. Lúc đó tôi liền nói với ông: “Vạn pháp đều vô thường, gia tài con cái đều là giả tướng, biển khổ thế gian không nên lưu luyến thêm, Tây phương là vườn nhà yên ổn, là quê hương an lạc của chúng ta, tâm chúng ta nhất thiết không được điên đảo, bây giờ tôi niệm A Di Đà Phật cho ông nghe, ông phải buông bỏ hết mọi duyên, nhất tâm niệm Phật!”. Tôi liền cầm cái khánh dẫn lên, to tiếng niệm Phật. Cả nhà ông ta từ bà Giang và vợ chồng của Trọng Phan cho đến con gái, con rể tổng cộng 7 người, đều cùng niệm Phật, niệm khoảng 30 phút, bỗng nhiên Giang lão cư sĩ tự mình ngồi dậy, hai tay chấp lại, hai chân ngồi kiết già, hai mắt mở to, nét mặt vui tươi, lúc nằm xuống lại, an tường vãng sinh trong tiếng Phật hiệu A Di Đà. Trong khoảnh sát na hiện ra kỳ tích không thể nghĩ bàn như thế, thật tình mà nói, tôi lúc đó cũng giật mình!
Cả nhà con cháu của Giang lão cư sĩ do tôi hướng dẫn phân ban trợ niệm, niệm đến trời sáng đã qua 8 giờ đồng hồ, thử sờ trên đỉnh còn rất ấm, thân thể vẫn mềm mại như bông, nghi dung còn tươi tốt, trang nghiêm hơn cả lúc còn sống.
Tôi liền hỏi Trọng Phan Quân: “Anh hôm qua khi về nhà, có niệm Phật cho cha anh nghe không?”. Giang Quân liền nói: “Có! Có. Tôi từ nhà bà cô về, liền ngồi bên cạnh cha mà niệm Phật. Lần đầu niệm được hai tiếng đồng hồ, buổi chiều được hai tiếng nữa, cha tôi vô cùng hoan hỉ, gọi tôi là con ngoan và hỏi ai dạy tôi niệm Phật? Làm sao hôm nay có thể niệm Phật được nhiều như thế? Tôi liền trả lời: “Ba! Đó là tự con phát tâm niệm Phật, con từ nay trở đi phải niệm Phật hàng ngày, cầu nguyện cho ba sớm được khỏe mạnh”. Cha tôi nghe xong rất hài lòng, vui vẻ, buổi trưa liền ăn một chén cháo, nửa đĩa rau xanh, đau đớn hầu như bớt phân nửa. Bác sĩ nói có thể sống thêm 7 ngày nữa mới ch*t, không ngờ có mấy tiếng đồng hồ sau linh giác lại an tường vãng sinh trong tiếng niệm Phật, thật là Phật Pháp vô biên, không thể nghĩ bàn.
Lão cư sĩ Giang Ấn Thủy là người vãng sinh vào tháng 2 năm Dân Quốc thứ 49. Vào khoảng tháng 6 tôi đi bộ vô ý bị ngã gãy cánh tay rất nặng, xương gãy làm ba khúc, đêm đó đau đến nỗi không thể ngủ, đến 2 giờ khuya vẫn không thể nhắm mắt. Tôi liền lẩm bẩm nói với cánh tay bị đau rằng: “Mi là thứ đồ giả! Cái túi da hôi thối sống đã mấy chục năm! Đau là do mi đau, vì mi là mi, ta là ta. Ta cần đi Tây phương, không liên can gì tới mi!”. Tôi liền một mực quán tưởng đến Phật, trong lúc nửa tỉnh nửa thức, bỗng thấy một người từ trong hư không đáp xuống, đi thẳng đến trước mặt tôi, ông ta mặc áo vải màu xám, thân thể to lớn, gương mặt cũng to, chỉ thấy phân nửa thân trên còn phân nửa thân dưới bị mây màu che khuất. Người này đột nhiên gọi tôi: “Chị Khán Trị! Tay của chị đau lắm hả? Đây là thời vận không tốt nhưng T*i n*n đã qua rồi, không sao đâu!”. Tôi vừa nghe tiếng liền ngẩng đầu lên xem lần nữa, rất giống Giang tiên sinh, tôi liền hỏi: “Giang tiên sinh! Ông có vãng sinh không?”. Ông ta trả lời liên tiếp: “Có! Có!…” rồi xoay mình biến mất. Lúc tôi mở mắt ra xem là đúng 3 giờ, tay cũng không còn đau nữa, không đầy mấy ngày liền khỏi. Đây là lần thứ nhất tôi nhìn thấy người vãng sinh, có bút mực thế nào cũng khó mà diễn tả hết cái tướng trang nghiêm tốt đẹp đó được!
Tháng 3 năm thứ 50 là ngày giáp năm của Giang tiên sinh, nhà ông ta ở đường Dân Tộc dời về nhà mới ở đường Đài Trung, bà Giang nhờ tôi thỉnh tượng Phật về an vị nhà mới và niệm Phật siêu độ, chuyển các lư hương bài vị của tổ tiên, chủ thần. Bận rộn suốt một ngày, đến tối ngủ lại chiêm bao thấy Giang tiên sinh hình tướng cũng như lần trước, đến trước mặt tôi nói: “Chị Khán Trị! Cám ơn chị nhiều. Thọ nhận sự giúp đỡ của chị rất nhiều!”. Tôi lại hỏi ông ta như lần trước: “Giang tiên sinh! Ông có vãng sinh không?”. Ông ta cũng lại như lần trước nói: “Có! Có!”. Xong liền biến mất. Sáu năm sau không còn chiêm bao thấy nữa, tôi hối hận tâm mình ngu si, điều quan trọng không hỏi, hai lần đều chỉ hỏi ông ta có vãng sinh không? Tại sao không hỏi: “Khán Trị tôi đây có thể được vãng sinh không? Phải đến ngày nào mới được vãng sinh?”.
(Trích cuốn sách "Những Chuyện Niệm Phật Mắt Thấy Tai Nghe" - Tác giả: Nữ cư sĩ Lâm Khán Trị - Việt dịch: Thích Hoằng Chí).
Chủ đề liên quan:
lợi ích của việc niệm Phật niệm Phật Niệm Phât vãng sinh vãng sinh Vãng sinh Tây Phương