Tin y tế hôm nay

Tin y tế

TS Hoàng Công Tình: 5 điều cần biết về SARS-COV-2 để đối diện với nó

Theo TS Hoàng Công Tình – trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, trong thời điểm dịch COVID-19 quay trở lại, người dân không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh đối diện.

Thứ nhất, đường lây truyền của virus (SARS-COV-2)

Virus gây bệnh COVID-19 từ người nhiễm (dương tính), lây sang những người xung quanh qua 2 con đường chủ yếu: đường thứ nhất là qua giọt bắn khi nói chuyện hoặc hắt hơn; đường thứ hai là qua tiếp xúc trực tiếp khi bắt tay hoặc chạm tay vào các bề mặt có chứa mầm bệnh rồi vô tình đưa tay vào mũi-mắt-miệng.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm (dương tính) mà không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài (sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi, viêm phôi) nhưng vẫn truyền bệnh cho những người xung quanh.

Vì vậy, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc (để hạn chế lây bệnh qua giọt bắn); vệ sinh bàn tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát trùng, vệ sinh các bề mặt mà ta hay chạm tay vào (để hạn chế nhiễm bệnh do tiếp xúc); tránh tập trung đông người, hạn chế đến những nơi công cộng, khai báo y tế là những biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Thứ hai, cách chẩn đoán (phát hiện) bệnh

Chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19 bằng xét nghiệm RT-PCR: tìm virus SARS-CoV-2 trong dịch đường hô hấp (mũi-hầu họng-khí phế quản-phổi). Xét nghiệm RT-PCR cho phép xác định các trường hợp nhiễm COVID-19 trong 2 tuần đầu (để cách ly, điều trị, khoanh vùng dập dịch). Từ tuần thứ 3 trở đi, xét nghiệm RT-PCR có thể âm tính do bệnh tự khỏi hoặc do điều trị.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân Đà Nẵng

Ngoài ra, xét nghiệm tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong máu bệnh nhân (test nhanh), có thể cho biết bệnh nhân đã từng phơi nhiễm hay chưa. Bệnh nhân đang nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 trong quá khứ thì trong máu sẽ có kháng thể kháng lại virus. Tuy nhiên, kháng thể thường chỉ đo được trong máu khi nhiễm bệnh sau 2 tuần trở đi nên không có giá trị nhiều cho chẩn đoán, mà chỉ có giá trị cho điều tra dịch tễ.

Trong những ngày đầu nhiễm virus, khi số lượng virus chưa nhân lên nhiều, kháng thể trong máu chưa được hình thành thì xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm kháng thể thường cho kết quả âm tính, mặc dù bệnh nhân đã nhiễm COVID-19.

Các xét nghiệm như đã nói ở trên đều có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định, tức là vẫn có tỉ lệ dương tính giả hoặc âm tính giả. Ngoài ra, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản bệnh phẩm nếu không đúng kỹ thuật thì cũng cho kết quả không chính xác.

Vì vậy, ngay cả khi xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm tìm kháng thể (test nhanh) đều âm tính thì mọi người cũng đừng chủ quan, tự tin quá mức và các biện pháp phòng ngừa vẫn cần phải được thực hiện đầy đủ.

Thứ ba, điều trị COVID-19

Đa số (khoảng 80%) các ca nhiễm COVID-19 là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi và xét nghiệm trở về âm tính sau 1-2 tuần bị nhiễm. Khoảng 10-15% có biểu hiện viêm phổi, viêm phổi nặng cần phải hỗ trợ y tế.

Ngoài ra, khoảng 5% có triệu chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, rối loạn đông máu…cần phải hỗ trợ thở máy, lọc máu liên tục, tim phổi nhân tạo (ECMO).

Bệnh sẽ khó điều trị nếu bệnh nhân có sẵn các bệnh lý mạn tính, suy giảm miễn dịch, ung thư…

Vì vậy, trên một cơ thể khỏe mạnh, nếu có không may dương tính với COVID-19 thì cũng không nên quá lo lắng và cần áp dụng ngay tất cả các biện pháp để phòng lây nhiễm cho người xung quanh.

Thứ tư, phòng ngừa lây nhiễm COVID-19

Phòng ngừa lây bệnh qua giọt bắn bằng: đeo khẩu trạng, hạn chế tiếp xúc gần (tối thiều 2 mét), không tập trung đông người, hạn chế đến những nơi công cộng (bệnh viện, bến xe, chợ, siêu thị…).

Phòng ngừa lây bệnh qua tiếp xúc: vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, các dung dịch sát trùng, đặc biệt là sau khi bắt tay hoặc chạm tay vào các đồ vật; hạn chế đưa tay lên mũi-miệng-mắt; vệ sinh đồ vật thường dùng, các bề mặt hay chạm tay vào bằng các dung dịch sát trùng.

Chủ động đeo khẩu trang, tự cách ly tại nhà và tư vấn chuyên gia y tế khi đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc gần với người đi từ vùng dịch về trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Tại sao phải cách ly 2 tuần: hai tuần là thời gian ủ bệnh, là thời gian lý tưởng làm xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán xác định COVID-19 và cũng là thời gian lây nhiễm mạnh nhất từ người nhiễm cho những người xung quanh. Hai tuần cũng là thời gian tự khỏi bệnh của đa số các ca nhiễm và xét nghiệm RT-PCR có thể từ dương tính chuyển về âm tính, nên không còn khả năng lây nhiễm.

Vắc xin phòng bệnh: Sẽ còn lâu mới có và chờ tới các nước kinh tế đang phát triển thì lâu hơn nữa.

Vì vậy, trước khi có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu (vắc xin) thì cần phải có biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu (áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa).

Thứ năm, nhìn thẳng vào sự thật một cách bình tĩnh, sáng suốt

Các nước xung quanh ta và cả thế giới vẫn đang ngập trong đại dịch COVID-19 thì việc chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Nó giống thừa ruộng nhà mình nằm giữa cánh đồng mà cả cánh đồng đó có chuột và sâu rầy đang hoành hành thì dù ít dù nhiều, ruộng lúa nhà mình cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Số ca mắc mới, số địa phương công bố ca bệnh COVID-19 sẽ còn tăng khi chúng ta chưa vượt quá đỉnh của đợt bùng phát dịch lần thứ 2.

Số bệnh nhân Tu vong sẽ còn tăng vì tăng số ca nhiễm mới đồng nghĩa với tăng số bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Vì vậy, đối diện với thực tế một cách bình tĩnh, sáng suốt luôn đem lại kết quả tốt nhất.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/ts-hoang-cong-tinh-5-dieu-can-biet-ve-sars-cov-2-de-doi-dien-voi-no-20200806070304669.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY