Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Từ BN979 có lịch trình liên hoan dày đặc: Khuyến cáo người dân cần hạn chế ăn uống, tụ tập nơi đông người

MangYTe – Các chuyên gia nhận định, việc tham gia liên hoan, ăn uống và tiếp xúc với nhiều người tại các quán ăn, nhà hàng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh rất lớn. Theo đó, chùm ca bệnh COVID-19 ở Hải Dương liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi (tính đến 6h ngày 18/8 ghi nhận 9 ca tại ổ dịch này) là một ví dụ điển hình.

Sáng nay (18/8), Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam đã ghi nhận thêm 7 ca mắc mới, trong đó, có 1 ca tại Hà Nội.

Đó là BN979 (nữ, 33 tuổi) có địa chỉ tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử đi du lịch Đà Nẵng ngày 22-25/7, sau đó, được cách ly tại nhà.

Ngày 16/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả ngày 17/8 cho thấy, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Đáng chú ý, trước khi được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, nữ bệnh nhân có lịch trình di chuyển dày đặc và phức tạp. Có tham gia liên hoan, ăn uống và tiếp xúc với nhiều người.

Theo đó, ngày 22-25/7, bệnh nhân đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình (4 người: bệnh nhân, chồng, 2 con) và công ty của chồng (khoảng gần 30 người). Bệnh nhân có đến chơi tại Hội An, Bà Nà Hill…

Khoảng 22 giờ ngày 25/7, bệnh nhân về Hà Nội. Từ ngày 26/7, bệnh nhân và gia đình chủ động tự cách ly nhà. Trong nhà, đồ ăn cho gia đình chỉ do chồng bệnh nhân đi mua tại chợ (có đeo khẩu trang).

Ngày 31/7, bệnh nhân có đi lấy mẫu test nhanh tại Trạm Y tế Phú Thượng và có kết quả âm tính. Bệnh nhân có đi làm trở lại. Tại văn phòng, chỉ có 1 mình bệnh nhân làm việc do lãnh đạo của công ty đã về từ Đài Loan chưa trở lại Việt Nam. Sau ngày 31/7, bệnh nhân có đi liên hoan ở công ty chồng 3 lần. Bệnh nhân có đi chợ ở gần nhà và có đeo khẩu trang.

Từ 1/8, bệnh nhân đi làm trở lại, đi chợ và đưa đón con có đeo khẩu trang. Trưa 15/8, bệnh nhân có dự liên hoan với các bạn cùng công ty chồng (khoảng 20 người) tại 290 Xuân Đỉnh. Tối 15/8, liên hoan cùng 6 người tại nhà, trước đó, bệnh nhân có đi chợ trên đường Hoàng Tôn mua rau (có đeo khẩu trang).

Các chuyên gia nhận định, việc tham gia liên hoan, ăn uống và tiếp xúc với nhiều người tại các quán ăn, nhà hàng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh rất lớn. Theo đó, chùm ca bệnh COVID-19 ở Hải Dương liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi (tính đến 6h ngày 18/8 ghi nhận 9 ca tại ổ dịch này) là một ví dụ điển hình.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), nguyên nhân chính lây lan COVID- 19 là thông qua những giọt bắn trong quá trình nói chuyện, hắt hơi và dùng chung đồ ăn, thức uống trên bàn ăn. Do đó, đã đến lúc người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, tụ tập đông người trong mùa dịch COVID- 19 để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Nhận thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lớn từ các nhà hàng, quán ăn, trong công điện hỏa tốc của UBND TP Hà Nội ra ngày 18/8 gửi các Sở, ban ngành liên quan và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê từ 00 giờ ngày 19/8 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể: Giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 mét, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, các nhà hàng, ăn uống, quán xá trên địa bàn cần thực hiện đúng các quy định, cần thiết thì xử phạt mạnh hơn, thậm chí đóng cửa nếu không thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo từ Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Bên cạnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các nhà hàng, TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng.

Các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Trong trường hợp có ăn uống ở nhà hàng, quán ăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên chọn nơi ăn uống sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng là nơi đó có thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được khuyến cáo (giãn cách tối thiểu 1m, có vách ngăn, nhân viên đeo khẩu trang...).

Cùng với đó, trước khi ăn, nên yêu cầu nhân viên nhúng chén, bát, đũa qua nước sôi. Nước nóng từ 60 độ trở lên có tác dụng tốt trong việc diệt trừ vi khuẩn, virus.

Và điều quan trọng cần nhớ là vệ sinh tay trước khi ăn vì bàn tay chứa rất nhiều vi khuẩn. Bởi vậy, mọi người cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống. Hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

Mai Thùy

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/song-khoe/tu-bn979-co-lich-trinh-lien-hoan-day-dac-khuyen-cao-nguoi-dan-can-han-che-an-uong-tu-tap-noi-dong-nguoi-20200818170717506.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

  • Không bao giờ quá muộn khi bạn tìm cách thay đổi cuộc sống để tăng thêm cơ hội sống tốt và sống khỏe.
  • Cuộc sống hiện đại càng cần chú trọng vận động thường xuyên. Đi bộ là một trong những cách tập (vận động) đơn giản nhất...
  • Mẹo làm đẹp xin giới thiệu cùng các bạn 6 phép dưỡng sinh của người Nhật để bạn tham khảo cho mình những bí quyết để có thể sống khỏe, trẻ lâu.
  • Một số gợi ý nhỏ có thể giúp bạn sống lạc quan - Chìa khóa để bạn yêu đời, sống khỏe và trẻ lâu.
  • SKĐS- Hãy áp dụng 36 cách đơn giản dưới đây để có một cuộc sống khỏe mạnh và tràn đầy hạnh phúc.
  • Nếu bạn muốn sống thọ hơn, hãy chú ý đến các thói quen của mình ngay từ bây giờ.
  • Tôi biết ông từ những năm sức khỏe còn sung mãn, mỗi năm cho ra đời vài vở diễn. Nhưng cho cả đến lúc này, sau hơn chục năm chung sống với bệnh đái tháo đường...
  • Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe, mọi người phải ăn uống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi có thời lượng nhất định, bảo đảm giấc ngủ đủ, sống có kỷ luật, vân vân.
  • Người cao tuổi (NCT) sống lâu, sống có ích là một điều rất mừng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để sống vui, sống khỏe, sống có ích lại là một việc không hề đơn giản, nó cần phải có sự nỗ lực của chính bản thân NCT.
  • Bí quyết trường xuân khá đơn giản, nằm trong tay của mỗi người và ai cũng cần phải thực hiện hàng ngày: đó là ăn uống, thư giãn và vận động cơ thể.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY