Các chuyên gia về dân số khẳng định, nếu chúng ta không kịp thích ứng, không có mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) phù hợp, sẽ rất khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc chăm sóc và tạo điều kiện sống tốt nhất cho NCT là trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, gia đình; đặc biệt trở nên cần thiết trong một xã hội bước vào thời kỳ dân số già.
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge) đã tổ chức buổi tọa đàm “Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam”. Buổi tọa đàm được tổ chức hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2019 nhằm trình bày thực tiễn tình hình dân số; quyền y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho NCT; công tác chăm sóc và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho NCT cũng như các chính sách và tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 với tỷ lệ NCT chiếm 10% dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tính đến tháng 8/2018, cả nước có 11.313.200 NCT, chiếm khoảng 11,95% trong tổng dân số. Theo dự báo đến năm 2038, NCT chiếm 20% tổng dân số. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội nhanh chóng, trong khi còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
BS.Vũ Đình Huy - Chuyên gia tư vấn - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: NCT chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong hầu hết các xã hội. Hiện nay, chỉ có Nhật Bản có tỷ lệ người già vượt quá 30%, nhưng đến 2050, hầu hết các nước không chỉ châu Âu, Bắc Mỹ, mà còn Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Chi lê, Thái Lan và Việt Nam đều đạt đến con số này. Do đó phải cân nhắc đến việc chăm sóc sức khỏe cho NCT nếu muốn đạt tham vọng “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” của WHO và mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Liên hợp quốc.
Tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình đạt 73,4 nhưng nhiều NCT có sức khỏe kém, trung bình có 3-4 bệnh, rất ít NCT được khám bệnh định kỳ (27,5%), đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, thường chỉ khi bị bệnh nặng mới đi khám, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Bệnh tật NCT có xu hướng bệnh tật kép, chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và mạn tính như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn,... phải điều trị suốt đời, dẫn tới chi phí chăm sóc cao.
NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn nhiều khó khăn. Nếu trước đây, có 72,3% NCT sống với con cháu (chỗ dựa quan trọng cho NCT), thì nay do xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 60%. Vẫn còn tới 68% NCT (chủ yếu sống ở nông thôn) không có tích lũy, không có lương và trợ cấp. Sự biến đổi này tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi phải xây dựng chính sách chăm sóc NCT dựa trên cộng đồng và các nhân tố khác thay thế gia đình.
Về vấn đề chăm sóc NCT, hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Cả nước mới có 1 Bệnh viện Lão khoa Trung ương; gần 100 bệnh viện tỉnh có khoa lão nhưng điều kiện trang thiết bị chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng.
Tại buổi tọa đàm, theo các chuyên gia, thích ứng với cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Sự phân biệt tuổi tác khiến NCT thường có cảm giác tiêu cực, thấy bản thân kém hiệu quả, có nguy cơ gia tăng bệnh tật và dễ bị cô lập, tổn thương về mặt xã hội. Do đó, để già hóa một cách tích cực, điều quan trọng là phải chấm dứt được sự phân biệt tuổi tác; tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, giáo dục giới trẻ để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với NCT.
Chủ đề liên quan:
già hóa dân số