Nếu như trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện bị ung thư vú ở giai đoạn muộn và ung thư vú chủ yếu phát hiện ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, thì hiện nay ung thư vú đã xuất hiện ở rất nhiều phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình. Đặc biệt, rất nhiều người trẻ phát hiện mình mắc ung thư khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, tốn nhiều thời gian, chi phí để chữa trị.
ThS. BS Vũ Anh Tuấn - Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Rất nhiều bệnh nhân đến khám và phẫu thuật ung thư vú khi tuổi đời còn rất trẻ, tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Điển hình là trường hợp của chị Đ.T.T. (Văn Giang, Hưng Yên), phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 khi mới 29 tuổi, chưa lập gia đình. Chị cho biết, chị vô tình sờ thấy mình có một u ở ngực, vì lo lắng nên chị đã đến bệnh viện để thăm khám. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, chị được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2. Tuy nhiên, khối u lại phát triển ở vùng trung tâm, tức là ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn được mà phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
ThS. BS Vũ Anh Tuấn cho hay: Sau khi được phẫu thuật ổn định, bệnh nhân đã bước vào quá trình điều trị hoá chất. Sau một năm điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể thì sẽ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú cho bệnh nhân.
Hiện, có hai xu hướng để tái tạo lại hình thể vú, đó là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Phương pháp sử dụng mô tự thân là sử dụng các tổ chức của cơ thể mình như vạt cơ lưng rộng, cơ bụng để tái tạo tuyến vú. Ưu điểm của phương pháp này là thích nghi tốt với cơ thể, có thể thay đổi theo trọng lượng của cơ thể khi tăng hay giảm cân. Tuy nhiên, đối với mô tự thân, việc phẫu thuật thường kéo dài và để lại vết sẹo lớn trên cơ thể (lưng, bụng). Cùng với đó, đây cũng là một phẫu thuật tương đối phức tạp, có thể phải sử dụng đến vi phẫu và có nguy cơ gây hoại tử mô. Trên thế giới ở các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển (Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)…) chỉ có 10% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.
Đối với phương pháp sử dụng các chất liệu thay thế như túi giãn mô, sau khi đạt được thể tích nhất định sẽ sử dụng Gel Implant vĩnh viễn, sau đó bệnh nhân sẽ phải trải qua việc tái tạo núm vú và xăm quầng núm vú. Phương pháp này hiện đang là xu hướng ở các nước trên thế giới, đã có 90% bệnh nhân ung thư vú lựa chọn.
“Sốc” khi phát hiện mắc ung thư
Đối với nhiều người, nhất là đối với những người trẻ thường bị “sốc” khi phát hiện bản thân mắc ung thư. Tâm lý lo sợ, hoang mang, suy sụp… là điều không thể tránh khỏi khi người trẻ tuổi phát hiện mắc ung thư, đặc biệt là ung thư vú, bởi căn bệnh này không chỉ khiến bệnh nhân khổ sở vì gánh nặng gia đình, tài chính mà còn khiến họ mất đi vẻ đẹp bên ngoài vô cùng quan trọng đối với một người phụ nữ (rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, mất tuyến vú…).
Bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ung thư vú đã phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ sốc, lo lắng, sợ hãi đến từ chối điều trị. Nếu không được củng cố về mặt tâm lý ngay từ khi phát hiện bệnh, những bệnh nhân mắc ung thư vú khi tuổi đời còn trẻ sẽ có khả năng bất hợp tác trong quá trình điều trị bằng các phương pháp khoa học.
Thực tế cho thấy, từ cú “sốc” tâm lý bước đầu khi phát hiện bản thân mắc ung thư, bệnh nhân có thể bị trầm cảm. Các triệu chứng của trầm cảm có thể xuất hiện không lâu sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư hoặc bất cứ lúc nào trong hoặc sau quá trình điều trị. Trầm cảm không chỉ khiến người bệnh không theo được liệu trình điều trị ung thư mà còn làm họ khó đưa ra được quyết định đúng đắn liên quan tới việc điều trị và chăm sóc.
Bên cạnh đó, ung thư còn có thể tác động tới bệnh nhân từ nhiều khía cạnh khác nhau như lòng tự trọng, cảm giác về bản thân, niềm tin,… Một số bệnh nhân đã phải đấu tranh với nhiều cảm xúc khác nhau trong quá trình điều trị bệnh, làm xuất hiện các triệu chứng của khủng hoảng tâm lý.
Theo TS Nguyễn Thanh Đạm - Tổng Thư ký Hội Ung thư Việt Nam - bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân trẻ tuổi không nên có suy nghĩ bị ung thư là dính “án tử hình”. Bởi hiện nay các loại bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự phát triển của y học hiện đại, đặc biệt là đối với bệnh ung thư vú. ThS. BS Vũ Anh Tuấn khẳng định: “Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm”.
Sàng lọc sớm … trước khi quá muộn
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người mắc mới bệnh ung thư vú, đứng thứ hai sau ung thư phổi và chiếm khoảng 12% trong tổng số bệnh nhân ung thư trên thế giới. Nếu chỉ tính riêng với phụ nữ thì ung thư vú đúng hàng đầu về tỷ lệ mắc. Về tỷ lệ Tu vong, ung thư vú đứng thứ tư sau ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư vú đang ngày càng gia tăng. Mỗi năm có khoảng trên 15.000 bệnh nhân ung thư vú mới mắc được chẩn đoán tại tất cả các bệnh viện trên cả nước. Không chỉ vậy, tần suất mắc bệnh ung thư vú chuẩn hoá theo tuổi đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỉ gần đây. Từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Tỷ lệ mắc mới hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca mắc ung thư ở nữ giới.
Để chủ động phòng, chống ung thư vú ở nữ giới, việc phát hiện thông qua sàng lọc sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng để điều trị bệnh, giúp giảm gánh nặng cho gia đình của bệnh nhân.
GS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K - cho biết: Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhằm trúng đích) và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, yếu tố “then chốt” vẫn là việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư. Bởi điều này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình điều trị. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ bước sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ 40 tuổi trở lên) là vô cùng quan trọng.
Nếu như trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém thì nay việc sàng lọc ung thư vú với phương pháp chụp Xquang tuyến vú đã giúp nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Chụp Xquang tuyến vú được biết đến là một phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc ung thư vú, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ Tu vong do ung thư vú gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng. Theo đó, các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp để ghi hình nhu mô tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm (các vi vôi hoá) ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy.
Có thể thấy, những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư đã và đang giúp cho nhiều bệnh nhân phát hiện sớm ung thư vú, tăng tỷ lệ thời gian sống trên 5 năm lên tới 85,6% so với tỷ lệ sống trước đây chỉ là 67,7%.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu trong gia đình có người từng bị mắc ung thư vú thì những phụ nữ trong gia đình nên đi tầm soát ung thư vú sớm. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, các chị em nên tự kiểm tra hai tuyến vú, nếu thấy có dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Chủ đề liên quan:
8 bệnh nhân 8 bệnh nhân khỏi bệnh bệnh nhân Bệnh nhân khỏi bệnh ca mắc ca mắc mới Các biện pháp các cơ chống dịch dịch covid dự kiến khỏi bệnh mắc mới nâng cấp sở y tế thêm ca mắc Thêm ca mắc mới ung thư ung thư vú