Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vaccine COVID-19 của Việt Nam bước đầu thử nghiệm trên chuột

(MangYTe) - Vaccine COVID-19 của Việt Nam bước đầu thử nghiệm trên chuột, tuy nhiên để thương mại hóa còn nhiều bước và cần phối hợp các bên, thực hiện song song.

Báo điện tử Vnexpress đưa tin, chiều 4/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc họp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... cùng bàn giải pháp phát triển vaccine COVID-19. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn các nhà khoa học, công nghệ cùng bàn giải pháp để Việt Nam chủ động trong việc phát triển vaccine COVID-19.

Theo ông Tạc, dù Việt Nam đã khẳng định trình độ trong sản xuất nhiều loại vaccine phục vụ cho tiêm chủng mở rộng, sởi, rubella... nhưng với COVID-19 bài toán thách thức hơn nhiều. "Đây là lúc cần hợp sức các bên", Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Đồng tình quan điểm này, TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) đơn vị đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19 khẳng định, với vacine COVID-19 mới và khó. Mới vì chưa từng có vaccine corona nào được thương mại hóa nên chưa có công nghệ. Khó vì COVID-19 còn nhiều yếu tố miễn dịch chưa có câu trả lời, trong khi bản chất của vaccine là miễn dịch.

Thêm nữa, với vacvine cho đại dịch cần nhanh, nhiều và rẻ nên đây là một thách thức với các nhà sản xuất. "Vì vậy việc phối hợp là cần thiết, không phải một đơn vị có thể sản xuất được", ông Đạt nói.

Thông thường, để tạo ra được một loại vaccine mới cần trải qua nhiều giai đoạn nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả hoạt động của vaccine.

Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Tuấn Đạt cũng cho biết, các nghiên cứu viên của công ty đã tiêm vaccine thử nghiệm trên chuột và lấy máu để đánh giá hiệu quả phòng bệnh.

Ông Đạt cho hay đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển vaccine, sau khi vaccine đã được gắn kháng nguyên virus corona trong phòng thí nghiệm.

"Chúng tôi đã tiêm thử nghiệm trên chuột và lấy máu để đánh giá hiệu quả miễn dịch tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Sau 2-3 tuần nữa sẽ có kết quả về đáp ứng miễn dịch, độ an toàn. Khi đó sẽ tiến hành tiếp các khâu định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật, trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn" - ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, hiện có khoảng 70-80 nhà phát triển vaccine trên thế giới đang ở ngưỡng tương tự Việt Nam, tức là thử nghiệm trên chuột; có 8 công ty tiến nhanh hơn, đã tiêm thử nghiệm song song trên người và động vật.

Do đây là một căn bệnh mới, chưa có sản phẩm vaccine thương mại ngừa COVID-19 và đang trong đại dịch, nên nhiều hãng sản xuất đã đi nhanh theo hướng tiêm đồng thời thử nghiệm trên người và động vật.

"Việt Nam đang theo dõi hiệu quả tiêm ngừa thử nghiệm trên người của 8 nhà sản xuất này, nếu đạt hiệu quả và độ an toàn, chúng tôi cũng xem xét để tiến hành bước đi tương tự. Tuy nhiên, tất cả đều cần cẩn trọng và đảm bảo an toàn" - ông Đạt cho biết.

Đây là lần đầu tiên các nhà phát triển vaccine Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine với nguồn vốn từ một quỹ đầu tư trong nước, theo cách thức rất mới và tiếp cận với thế giới.

Việt Nam được coi là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine, đã sản xuất được vaccine từ những năm 1960, với hàng chục loại vaccine hiện đang phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước.

Mạng Y Tế
Nguồn: Ngày nay (https://ngaynay.vn/suc-khoe/vaccine-covid19-cua-viet-nam-buoc-dau-thu-nghiem-tren-chuot-171413.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY