Chuyên đề hôm nay

Vết thương nhiễm bẩn dễ bị uốn ván

Tôi giẫm phải mảnh thủy tinh làm chân chảy máu. Tôi nghe nói vết thương bẩn dễ bị uốn ván. Bệnh uốn ván biểu hiện thế nào? Tôi phải làm gì thưa bác sĩ? (Đinh Xuân Hải - Q.2)
Bệnh uốn ván là do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể chủ yếu qua vết thương bị nhiễm bẩn do đinh, dao, mảnh sành, sắt thép gỉ và động vật cắn. Phụ nữ có thể bị nhiễm khuẩn nếu sử dụng dụng cụ bị nhiễm bẩn khi sinh đẻ hoặc nạo hút thai. Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván rốn bởi dụng cụ dùng để cắt rốn, chăm sóc rốn hoặc tay của người đỡ đẻ nhiễm bẩn.

Thời gian ủ bệnh rất thay đổi: từ 3 - 10 ngày, nhưng có khi tới 3 tuần. Triệu chứng cứng cơ hàm là dấu hiệu đầu tiên của bệnh uốn ván. Tiếp theo là cứng cổ, khó nuốt, co cứng cơ bụng, vã mồ hôi và sốt. Các cơ bị co thắt và co giật, có thể gây gãy xương sống hoặc các xương khác.

Bệnh uốn ván ở mọi lứa tuổi cần phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện.

Phòng bệnh ngay khi bị các vết thương bẩn cần tiêm vaccin uốn ván càng sớm càng tốt, kết hợp điều trị vết thương bằng kháng sinh. Cần đeo ủng, găng tay khi lao động ở dưới bùn đất sình lầy để tránh bị thương.
 
BS Châu Thị Kiều Oanh - AloBacsi.com
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/vet-thuong-nhiem-ban-de-bi-uon-van-n273421.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY