Dinh dưỡng hôm nay

Vì sao lại nói: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là chìa khoá giúp cơ thể tránh xa bệnh tật?

Hệ tiêu hóa là cơ quan chính trong việc hấp thu và chuyển hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì thế, giữ gìn một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh sẽ giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, đồng thời tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Hệ tiêu hóa trong cơ thể là một hệ thống nhiều bộ phận được liên kết chặt chẽ với nhau, bao gồm: ống tiêu hóa (bắt đầu từ khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn) cho đến gan, tuyến tụy, túi mật… Mỗi một cơ quan của hệ tiêu hóa đều có một chức năng riêng biệt, nhưng lại được vận hành cùng lúc với nhau, giúp đảm bảo vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thức ăn sau đó chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng thiết yếu đi nuôi cơ thể.

Quá trình tiêu hóa thức ăn được bắt đầu từ miệng với việc đưa các thức ăn vào, và kết thúc ở trực tràng là nơi thải ra ngoài những chất mà cơ thể không xử lý được (Ảnh: Internet)

Tầm quan trọng của hệ tiêu hoá đối với sức khoẻ của mỗi người

1. Hệ tiêu hoá giúp chuyển hoá dinh dưỡng nuôi cơ thể

Dinh dưỡng vốn là nhu cầu thiết yếu của con người, đồng thời cũng là yếu tố chính giúp đảm bảo cho các hoạt động sống của cơ thể. Hấp thụ chất dinh dưỡng bằng đường ăn uống là cách tự nhiên và hiệu quả nhất để cung cấp các chất thiết yếu cho ta. Tuy nhiên, thức ăn và chất lỏng được đưa vào cơ thể vẫn sẽ ở dạng vật lý, cơ thể chưa thể hấp thu được dinh dưỡng.

Nhờ vào cấu trúc độc đáo, hệ tiêu hoá có thể dễ dàng phá vỡ và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn và chất lỏng dưới dạng vật lý thành các dưỡng chất, bao gồm: carbohydrate, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước, để sử dụng cho những việc quan trọng như năng lượng, tăng trưởng và sửa chữa các tế bào bị hư hỏng.

2. Hệ tiêu hoá giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể

Rất nhiều vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập cơ thể, ảnh hưởng đến sức khoẻ thông qua đường tiêu hóa, do nguồn thức ăn - nước uống ta dùng không thể đảm bảo vệ sinh hoàn toàn. May mắn thay, đường ruột của con người được cấu tạo đặc biệt để đáp ứng đồng thời chức năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tạo ra miễn dịch tự nhiên. 

Bên cạnh đó, duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch được ổn định, góp phần phòng các bệnh lý tiêu hoá như tiêu chảy, viêm đại tràng, viêm tụy, đau dạ dày,… cũng như giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn khi mắc bệnh.

Hệ tiêu hóa cũng là nơi sản xuất các yếu tố miễn dịch cho cơ thể giúp nâng cao đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa bệnh tật (Ảnh: Internet)

Những giải pháp giúp giữ gìn hệ tiêu hoá luôn khoẻ mạnh

1. Chia nhỏ các bữa ăn để không làm quá tải hệ tiêu hoá

Khi bạn ăn một bữa lớn, hệ tiêu hóa bị quá tải và nó có thể không thể xử lý thức ăn tốt như bình thường. Điều này có thể gây ra chứng ợ chua do axit đi ngược từ dạ dày vào thực quản. Tình trạng quá tải như vậy thậm chí có thể gây ra đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn.

Hãy chia nhỏ các bữa ăn chính thành 5 - 6 bữa nhỏ trong ngày, để hệ tiêu hoá có thời gian được nghỉ ngơi và không vận động quá sức.

2. Tăng cường chất xơ giúp nhuận tràng

Tăng cường chất xơ cùng với nước giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế táo bón hoặc tiêu chảy. Chất xơ giúp duy trì sức khỏe của đường ruột như giảm nguy cơ bệnh trĩ, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, ngăn ngừa các bệnh về ruột kết…

Bên cạnh đó, chất xơ hòa tan giúp giữ chất lỏng trong đường tiêu hóa, giúp phân mềm. Chất xơ không hòa tan làm tăng khối thức ăn, làm cho thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn. 

Một số loại chất xơ còn là thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong ruột, điều này giúp cho các vi khuẩn tốt chiếm ưu thế hơn các vi khuẩn có hại trong đường ruột (Ảnh: Internet)

3. Cấp đủ nước giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn

Nước hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa bằng cách giúp làm sạch toàn bộ hệ thống. Nó đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa táo bón vì nước giúp làm mềm phân. Hơn nữa, nước có thể giúp hệ tiêu hóa của bạn hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả hơn bằng cách hỗ trợ cơ thể phân hủy thức ăn.

4. Ăn chậm - nhai kỹ giúp thức ăn dễ được tiêu hoá hơn

Ăn chậm giúp cơ thể có thời gian để tiêu hóa thức ăn đúng cách. Nó cũng cho phép não bộ báo hiệu rằng dạ dày đã đầy, không cần cung cấp thêm thức ăn nữa. Điều quan trọng là phải nhai kỹ thức ăn vì trong quá trình nhai, nước bọt sẽ giúp làm mềm thức ăn, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa hấp thụ chất dinh dưỡng trong thức ăn dễ dàng hơn.

Nếu đã nhìn thấy được tầm quan trọng của hệ tiêu hoá, mọi người nên quan tâm, chăm sóc đến cơ quan này nhiều hơn. Bởi khi bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì sức khỏe mới được bảo vệ và duy trì ở mức tốt nhất, đồng thời tránh được nhiều bệnh tật, giúp thêm tận hưởng cuộc sống.

Xem thêm: Những người đi đại tiện vào 4 thời điểm này mỗi ngày thể hiện sức khỏe tốt

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/gia-dinh-khoe/vi-sao-lai-noi-he-tieu-hoa-khoe-manh-la-chia-khoa-giup-co-the-tranh-xa-benh-tat-34635/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY