Kinh tế xã hội hôm nay

Việc xác minh nhầm số người Ơ Đu ở Nghệ An: Không có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân

MangYTe - Đó là trần tình của ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An.

Được biết, "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (dân tộc dưới 1.000 người) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025" được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017.

Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Ơ Đu nhằm nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng…

Một bản của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.

Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I là từ 2016 - 2020 và giai đoạn II từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.

Nói rõ thêm về quá trình xây dựng đề án cũng như chọn điểm tái định cư (TĐC) cho tộc người Ơ Đu, ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế tại huyện Tương Dương từ năm 2010 đến 2015 và niên giám thống kê huyện Tương Dương năm 2010 ở xã Lượng Minh có 35 hộ, 189 khẩu là người Ơ Đu.

Theo số liệu điều tra, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Trong đó, số người Ơ Đu sinh sống nhiều nhất là bản Văng Môn, xã Nga My với 94 hộ, 456 khẩu và xã Lượng Minh với 45 hộ, 231 khẩu.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An nói rõ về đề án.

Do đó, đề án chọn điểm TĐC Văng Môn với 94 hộ, 456 khẩu Ơ Đu. Riêng xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống xen cư cùng các dân tộc Thái, Khơ Mú ở nhiều bản khác nhau, không thể đầu tư tập trung như ở bản Văng Môn. Do đó, Ban Dân tộc đã thống nhất với huyện Tương Dương lựa chọn bản Đửa (trước đây gọi là bản Đáo, nơi từng có nhiều người Ơ Đu cùng sinh sống với dân tộc Thái và Khơ Mú) với mục đích đưa toàn bộ các hộ người dân tộc Ơ Đu trên địa bàn xã Lượng Minh về TĐC tập trung tại đây.

Tuy nhiên, khi đề án được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến cuối năm 2018, Trung ương mới cấp nguồn vốn để triển khai. Lúc này, để đảm bảo sử dụng ngồn vốn đúng mục đích, đối tượng và địa bàn thì đầu năm 2019, Ban Dân tộc thành lập đoàn khảo sát thực trạng kinh tế xã hội của dân tộc Ơ Đu nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế.

Qua khảo sát thì số liệu dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh không đúng với đề án được duyệt. Vì vậy, Ban Dân tộc đã tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 3869/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 rút bản Đửa ra khỏi diện đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025.

Giải thích rõ về nguyên nhân đưa bản Đửa ra khỏi đề án, ông Hải cho biết: "Do lịch sử của tộc người Ơ Đu đã tạo lên rào cản tâm lý trong cộng đồng tộc người này. Họ luôn ẩn mình để tránh nguy cơ bị diệt vong. Thực tế, một bộ phận người Ơ Đu đã phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen và nhận mình là người Thái, Khơ-mú. Vì vậy, số liệu của dân tộc Ơ Đu cũng liên tục thay đổi không logic trong các lần điều tra dân số. Lý do này dẫn đến thiếu sót trong việc lựa chọn bản Đửa làm khu TĐC".

"Cho đến hiện tại, tại bản Đửa, xã Lượng Minh chưa được đầu tư, hỗ trợ bất kỳ hạng mục nào từ nguồn vốn của đề án. Không có động cơ, mục đích vụ lợi các nhân trong sự việc này" - ông Hải khẳng định.

V. Đồng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/viec-xac-minh-nham-so-nguoi-o-du-o-nghe-an-khong-co-dong-co-muc-dich-vu-loi-ca-nhan-20200702104007512.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY