Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang: Hiệu quả từ một mô hình

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Giang cho thấy, năm 2010 tình trạng tảo hôn tại 3 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn...
Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Giang cho thấy, năm 2010 tình trạng tảo hôn tại 3 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Xín Mần là gần 300 cặp, kết hôn cận huyết là gần 30 cặp. Trước thực trạng đó, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai từ cuối năm 2010 ở 2 huyện Đồng Văn và Xín Mần với 10 xã. Hiện nay mô hình đã mở rộng thêm 10 xã của huyện Mèo Vạc. Mô hình tập trung vào các hoạt động như: thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ phòng ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các hoạt động giám sát hỗ trợ, kiểm tra kết quả thực hiện các nội dung hoạt động của mô hình tại huyện, xã, thôn bản... Theo BS. Nguyễn Công Khanh, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Giang, Chi cục DS-KHHGĐ đã kiện toàn và thành lập Ban Quản lý mô hình ở các cấp, thành lập 44 câu lạc bộ với các đối tượng tham gia là những người công tác ở các tổ chức hội cấp xã, thôn, bản và Câu lạc bộ Tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở trường học. Các câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thu hút hơn 34.000 lượt người tham gia trao đổi, thảo luận các vấn đề về: Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật; tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cách thức phòng ngừa và giải quyết các vụ việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của thôn, xã...”.

Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề cho Ban Chủ nhiệm của 44 câu lạc bộ; tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các xã thực hiện mô hình nhằm tạo cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, học tập những cách làm hay, chia sẻ những khó khăn, cách giải quyết vướng mắc trong thời gian hoạt động để mô hình đem lại hiệu quả.

Sau 4 năm triển khai, mô hình đã thu được nhiều kết quả, nếu năm 2011, có 232 cặp tảo hôn và 18 cặp kết hôn cận huyết thống/ 634 cặp kết hôn thì đến năm 2014, số cặp tảo hôn còn 52 và 6 cặp kết hôn cận huyết thống/gần 600 cặp kết hôn. Mặc dù tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn còn nhưng đó đã là một sự chuyển biến tích cực trong công tác can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn kết hôn cận huyết thống đặc biệt tại một tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang.

Với những hoạt động can thiệp bước đầu như vậy, mô hình đã thực sự đem lại những kết quả tích cực, mở ra một hướng đi mới, mục tiêu mới trong công tác DS-KHHGĐ tại tỉnh Hà Giang.

Bài, ảnh: Bế Thị Hồng Mai

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-giam-tinh-trang-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-tai-ha-giang-hieu-qua-tu-mot-mo-hinh-15735.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY