Tai , Mũi , Họng hôm nay

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Vì sao trẻ em hay bị viêm tai giữa cấp? Biểu hiện của bệnh và cách điều trị?.

Trả lời:

Về giải phẫu, tai giữa được thông với họng, mũi bằng một ống gọi là vòi nhĩ. Các bệnh ở họng, mũi dễ gây ảnh hưởng đến tai thông qua vòi này. Trẻ dễ bị còn vì vòi nhĩ của chúng ngắn hơn người lớn, khả năng miễn dịch cũng thấp hơn. Ngoài ra, trẻ hay bị nôn trớ sau khi ăn và chất dịch này cũng dễ đưa vi khuẩn từ mũi họng lên tai qua vòi nhĩ.

Trong những ngày đầu mắc bệnh, trẻ thường sốt cao và kêu đau tai. Nếu trẻ chưa biết nói, dấu hiệu nhận biết là trẻ quấy khóc nhiều, hay lấy tay sờ, túm tai hoặc lắc đầu, ngọ nguậy, khi nằm thì nghiêng về bên tai bị viêm. Những ngày sau đó, tai trẻ chảy nước vàng hoặc ra mủ ở vành tai. Một số trẻ có thể bị tiêu chảy. Soi tai ở giai đoạn chưa chảy mủ thì thấy màng nhĩ đỏ, kém hoặc không di động.

Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng một trong những loại kháng sinh sau:

- Amoxycilin 0,25 g, 2-4 viên/ngày, uống trong 10 ngày.

- Erythromycin 0,25 g, 2-4 viên/ngày, uống trong 10 ngày hoặc Azithromycin 10 mg/kg thể trọng, uống trong ngày đầu, sau đó giảm một nửa liều trong 4 ngày tiếp theo.

- Nếu trẻ sốt cao hoặc đau tai thì dùng thêm Paracetamol 10-15 mg/kg thể trọng mỗi lần, cứ 4-6 giờ uống một lần cho đến khi hết sốt và đau tai.

Nếu tai đã chảy mủ thì hãy làm khô lại bằng cách lấy giấy thấm quấn thành sâu kèn rồi đặt vào tai, mỗi ngày làm 3-4 lần cho đến khi không còn mủ hoặc nước vàng chảy ra.

Khi thấy các triệu chứng bệnh đã hết, cần đưa trẻ đi khám để chắc chắn rằng bệnh đã khỏi hẳn. Nếu không, có thể chuyển sang mạn tính, rất khó chữa và có nhiều biến chứng, khiến trẻ có thể trở thành nghễnh ngãng sau này.

TS Nguyễn Tiến Dũng, KH&ĐS

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/viem-tai-giua-cap-o-tre-em-2361434.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY