Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong giai đoạn 1, Việt Nam chủ yếu ngăn chặn dịch xâm nhập vào và mình đã làm rất tốt, ngăn chặn nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó là nguồn lây từ các nước khác bằng hình thức tiến hành ngăn chặn phát hiện, cách ly.
“Đặc biệt là mình đã làm tốt chuyện cách ly 14 ngày đối với khách nhập cảnh. Có những ổ dịch nào mình đã dập tương đối tốt nên dịch không bùng phát tại Việt Nam”, ông Phu nói.
Trong giai đoạn đầu này, Việt Nam đã nỗ lực để làm chậm quá trình dịch, chứ không phải quyết định việc dịch bùng phát hay không. Ông Phu dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới, chỉ trong một vài tuần, nó tăng lên hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn ca mắc như Mỹ, Italy.
Về giải quyết các ổ dịch lớn như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, đến thời điểm này, Việt Nam đã quản lý được những cái người tiếp xúc gần với người tiếp xúc và cũng không thấy có vấn đề gì lớn nổi lên.
PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định, phần nào, Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt bởi nếu dịch bùng lên, số ca nhập viện tăng và sẽ có rất nhiều ca nặng. Tuy nhiên, PGS Phu nhận định, dịch có bùng phát hay không thì phải làm tốt giai đoạn này là cách ly xã hội.
“Việt Nam đã làm “quyết liệt” và “sớm” việc cách ly xã hội. Mình giải quyết được tổng thể việc cách ly xã hội từ một vài nước đầu tiên như Trung Quốc, Hàn Quốc đến các nước châu Âu, Mỹ và kể cả các nước sau này. Như Singapore, lúc đầu họ giải quyết khống chế dịch đối với Trung Quốc và Hàn Quốc rất tốt nhưng với châu Âu, Mỹ thì vừa qua họ làm chưa tốt. Đấy là điều mình cần rút kinh nghiệm và so sánh quốc tế. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan”, PGS, TS Trần Đắc Phu cho hay.
PGS, TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, thời gian qua mình phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều nhưng xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ.
Theo ông Phu, các nước ở giai đoạn đầu của dịch chưa có đủ năng lực xét nghiệm nên khi phát hiện số ca tăng vọt, khi đi vào chống dịch mạnh mẽ, họ mới tiến hành xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng và phát hiện số ca bệnh nhiều.
Việc xét nghiệm nhiều sẽ phát hiện được nhiều ca bệnh. Vì thế, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo ngành y tế triển khai xét nghiệm tất cả những ca sốt, ho, khó thở hoặc những yếu tố dịch tễ. Hiện nay, có 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng, 20% có triệu chứng nhẹ không đi bệnh viện, do đó cần phải xét nghiệm rộng rãi để tầm soát được hết những đối tượng này.
Vì thế, ông Phu nhấn mạnh, giai đoạn này phải làm quyết liệt việc giãn cách xã hội, không cho người bệnh tiếp xúc với người bệnh. Hết 14 ngày, người bệnh nhẹ không có triệu chứng sẽ tự khỏi, không lây lan nữa, chúng ta sẽ thành công. Sau đó, căn cứ vào tình hình sau 14 ngày để có quyết định tiếp.
“Giai đoạn này phải quyết liệt. Nếu chúng ta không quyết liệt thì toàn bộ công sức của giai đoạn 1 sẽ đổ xuống sông, xuống biển”, ông Phu nói.
Trước thực tế trong ba ngày qua số ca tại Việt Nam mắc có xu hướng giảm, ông Phu cho rằng, chưa thể chủ quan và chưa thể khẳng định được điều gì vì thời gian ủ bệnh dài đến 14 ngày, trung bình đa số trong 5-6 ngày. Chúng ta phải chờ sau 14 ngày mới có thể đánh giá được tình hình dịch tại Việt Nam.
Chủ đề liên quan:
8 bệnh nhân 8 bệnh nhân khỏi bệnh bệnh nhân Bệnh nhân khỏi bệnh ca mắc ca mắc mới Các biện pháp các cơ cách ly cách ly xã hội chống dịch dịch covid dự kiến khỏi bệnh mắc mới nâng cấp quyết liệt sở y tế thêm ca mắc Thêm ca mắc mới