Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Việt Nam nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự kỳ họp lần thứ 70 khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (RCM70), tổ chức từ ngày 07/10 – 11/10/2019 tại Manila, Philippines.

Phát biểu tại phiên họp sáng 7/10/2019, TS. Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO tổng kết lại những việc mà WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã làm được trong 1 năm qua.

Kỳ họp lần thứ 70 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần này tập trung vào các nội dung quan trọng như: Chương trình ngân sách 2020-2021; Thảo luận về người cao tuổi và sức khỏe; Các chính sách, chương trình và định hướng cho tương lai gồm: Phòng chống tác hại Thu*c lá khu vực Tây TBD; Bảo về trẻ em khỏi tác động có hại của quảng cáo thực phẩm; Kháng kháng sinh; Báo cáo tiến độ của các chương trình kỹ thuật (An ninh y tế, các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; Biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe; Kế hoạch hành đồng về trẻ sơ sinh khỏe mạnh; các bệnh lây nhiễm), Điều phối công việc của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Hội đồng Chấp hành (EB) và các Ủy ban khu vực (Chương trình nghị sự cho Kỳ họp RCM71; Cải tổ WHO; Các vấn đề do Đại Hội đồng WHO và EB khuyến cáo; Các vấn đề khác).

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 70

Việt Nam sẽ cùng với WHO đưa khu vực trở thành nơi an toàn nhất và lành mạnh nhất

PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó, Thứ trưởng đã đánh giá cao sự hỗ trợ của WHO đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam trong việc thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam cũng đánh giá cao quá trình tham vấn toàn diện của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc chuẩn bị tầm nhìn đổi mới của WHO thể hiện trong tài liệu Sách trắng “Cho tương lai - hướng tới khu vực an toàn nhất và lành mạnh nhất”. Bốn ưu tiên của khu vực trong thời gian tới phản ánh đúng nhu cầu của các quốc gia thành viên trong khu vực và cũng phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân với sự hỗ trợ của WHO.

Trong lĩnh vực an ninh y tế bao gồm kháng kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) 2005 và dự kiến dự thảo Kế hoạch này sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2019. Việt Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với đại dịch cúm và hiện đang xây dựng Kế hoạch triển khai vắc-xin phòng dịch cúm.

Trong lĩnh vực phòng chống các bệnh không lây nhiễm và già hóa, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng chống tác hại Rượu bia. Đây là tài liệu pháp lý toàn diện nhất về phòng ngừa và kiểm soát tác hại liên quan đến rượu và sẽ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế bao gồm các mà Việt Nam đã cam kết. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức các sự kiện và cuộc thi để thúc đẩy phong trào tập thể dục tại nơi làm việc và đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày, đồng thời phát động chiến dịch giảm muối trong khẩu phần ăn.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp 70 WHO Tây Thái Bình Dương

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp để tăng cường chăm sóc trẻ sơ sinh với mục đích giảm tỷ lệ Tu vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, ví dụ: Chăm sóc thiết yếu sớm cho trẻ sơ sinh (EENC) để sinh thường và sinh mổ; việc triển khai đơn vị sơ sinh; Chăm sóc mẹ Kangaroo (KMC).

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn mong muốn các quốc gia thành viên cùng nỗ lực và phối hợp với Việt Nam để thực hiện các ưu tiên toàn diện nhằm đạt được các Mục tiêu bền vững.

Tổng Giám Đốc WHO, TS. Tedrod Adhanom, đã có bài phát biểu qua video chào mừng Kỳ họp. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc WHO đánh giá cao những việc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã làm được trong một năm qua, đặc biệt là việc xây dựng định hướng và những ưu tiên của khu vực trong 5 năm tới trong tài liệu “Sách trắng”. Tổng Giám đốc WHO hy vọng “Sách trắng” sẽ sớm được các quốc gia thành viên thông qua và được hoàn thiện sớm để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tại Kỳ họp, Việt Nam là một trong 5 nước được mời gồm Trung Quốc, Fiji, Philippines, Singapore tham dự Phiên thảo luận về Tuổi già và sức khỏe với vai trò là diễn giả chính. Đại diện đoàn Việt Nam đã tham dự phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuẩn bị và ứng phó với già hóa dân số.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa. Vào năm 2018, tỉ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm khoảng 12% toàn bộ dân số. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tốc độ già hóa nhanh ở Việt Nam gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và gây ra những thách thức đổi với quá trình kinh tế xã hội.

Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và giúp người cao tuổi đảm bảo sức khỏe tốt, duy trì chất lượng cuộc sống, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe và hạnh phúc của người già trong cộng đồng. Việt Nam đã thông qua Luật về Người cao tuổi, kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tuân theo các hướng dẫn và khuôn khổ khu vực và toàn cầu của WHO. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mở rộng bảo hiểm y tế xã hội, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Việt Nam cũng đã thành lập Hội Người cao tuổi và đã tích cực khởi xướng các dịch vụ dựa trên cộng đồng để giải quyết các nhu cầu của người cao tuổi ở cấp địa phương và cộng đồng.

Việt Nam hiện trong quá trình đánh giá việc thực hiện chính sách người cao tuổi từ trước đến nay. Để ứng phó với các vấn đề già hóa dân số và sức khỏe, Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch từ 2020-2030 và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối năm 2020. Kế hoạch này sẽ là tài liệu hướng dẫn dể thực hiện thập kỷ già hóa khỏe mạnh.

Việt Nam đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng kế hoạch tổng thể theo hướng già hóa khỏe mạnh. Đây cũng là thời điểm thích hợp để khu vực Tây Thái Bình Dương sửa đổi Khung hành động của khu vực nhằm hướng dẫn các quốc gia giải quyết vấn đề già hóa trong thập kỷ mới.

Đoàn đại biểu Việt Nam trong buổi làm việc với Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương TS. Takeshi Kasai

Tại Kỳ họp của WHO, Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam còn tích cực tham gia các tham luận về Chương trình ngân sách 2020-2021, Phòng chống tác hại Thu*c lá khu vực Tây TBD; Bảo về trẻ em khỏi tác động có hại của quảng cáo thực phẩm.

Nhân dịp này, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đã đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như: Tăng cường hệ thống y tế bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; nâng cao sức khỏe thông qua cải thiện lối sống; Tăng cường công tác chuẩn bị giám sát và ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng; và sức khỏe toàn cầu. TS. Takeshi Kasai cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực trên đặc biệt là vấn đề tự chủ bệnh viện.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham dự Kỳ họp đến hết ngày 11/10/2019.

Đoàn công tác đưa tin từ Manila, Philippines

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-no-luc-dat-duoc-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-n164374.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY