Vô thường, vô ngã là giáo lý cơ bản của Phật pháp. Vô thường có hai nghĩa chính:
2.Biến đổi bất thường không theo một quy tắc nhất định, do đó không thể tiên đoán, vì vậy còn gọi là bất định.
Về mặt vật lý học, vô thường biểu hiện trong nguyên lý bất định (principle of uncertainty). Nguyên lý này được Heisenberg phát biểu năm 1927, nói rằng không thể đồng thời xác định vị trí và xung lượng của một hạt electron, bởi vì khi xác định được vận tốc và động lượng của nó thì không biết nó ở đâu. Còn khi xác định được một vị trí bất kỳ của nó thì không biết được xung lượng.
Về mặt toán học, vô thường biểu hiện trong định lý bất toàn (incompleteness theorem) do Kurt Godel phát biểu năm 1931. Định lý này nói rằng bất kì một hệ tiên đề hình thức độc lập nào để miêu tả toán học cũng hàm chứa những mệnh đề không thể khẳng định mà cũng không thể phủ định. Như vậy là bất định, là vô thường.
Đầu thập niên 1930, người ta khám phá ra hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Một photon có thể xuất hiện đồng thời tại hai vị trí khác nhau trong không gian và chúng phản ứng tương tác với nhau một cách tức thời không tùy thuộc vào khoảng cách. Hiện tượng này đã làm cho Einstein bối rối và ông gọi đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance).
Đến năm 1982, khi khoa học có nhiều phương tiện đo đạc chính xác hơn, Alain Aspect tiến hành thí nghiệm tại Paris, áp dụng bất đẳng thức Bell, khám phá thêm rằng hạt electron hay hạt photon (hạt cơ bản) không có tự tính, các đặc tính và số đo của chúng là do người khảo sát gán vào khi tiến hành đo đạc, chứ chúng không có sẵn, tính chất này gọi là phi hiện thực (non realism) còn Phật giáo thì gọi là vô tự tính. Một khám phá quan trọng khác là chúng (hạt cơ bản) không có vị trí nhất định, chúng có thể xuất hiện đồng thời tại hai vị trí cách xa nhau trong không gian. Tính chất này gọi là bất định xứ (non local). Trong Phật giáo thì gọi là vô sở trụ.
Vật bất định xứ thì còn dễ hiểu, ví dụ bài viết này, nó là một vật ảo nên bất định xứ. Cái computer hay cái điện thoại di động của ta ở đâu thì nó sẽ xuất hiện ở đó, chứ không nhất định chỗ nào. Còn nói vật phi hiện thực hay vô tự tính thì quả có khó hiểu hơn.
Ngày xưa, các triết gia Trung Quốc có luận về tính kiên bạch 堅 白, đồng dị 同 異 của vật là cũng nêu ý này, họ nói rằng màu sắc (lấy màu trắng làm đại biểu) hay tính cứng chắc (kiên) của vật không phải tự nó vốn có, mà chỉ do con người cảm nhận như vậy, vì vậy, mọi đồng dị đều không có thật, chỉ là tương đối theo chủ quan của con người. Nhưng vì họ chỉ nêu lý luận một cách trừu tượng mà không có chứng minh rõ ràng, cụ thể, nên người đời không tin, cho rằng họ ngụy biện.
Trong thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo có nói: Thức sinh ra Danh Sắc. Danh là tên gọi, là ngôn ngữ. Ngôn ngữ tự nó không có ý nghĩa, ý nghĩa là do con người gán cho nó. Sắc là vật chất. Vật chất cũng chỉ là ảo, không có thật. Vật chất cũng chỉ là Tâm, là Thức, được vật hóa theo thói quen nhận thức, do đó vật chất không thể nào độc lập với tâm thức được. Thí nghiệm hai khe hở chứng tỏ rằng hạt electron có thể là sóng, có thể là hạt. Khi là sóng thì nó vô hình, bất định xứ, không phải vật chất, khi đó nó là Thức. Khi nó bị con người rình xem hay đo đạc thì lập tức, electron biến thành hạt, hữu hình, có định xứ, trở thành vật chất. Thậm chí những vật phức hợp như hạt nhân nguyên tử, nguyên tử và kể cả phân tử cũng có những tính chất giống như electron. Như vậy không phải chỉ có Danh bị con người gán cho ý nghĩa, mà kể cả Sắc tức vật chất cũng bị thói quen nhận thức của con người gán ghép, qui định, qui ước thành vật nọ, vật kia. Ví dụ :
Tây Thi. Sưu tâm trên Internet |
Đây là ảnh của nàng Tây Thi, mỹ nhân của nước Việt được cống nạp cho vua nước Ngô là Phù Sai. Đó chỉ là nhận thức của con người chúng ta thôi. Đối với cái máy ảnh, đây chỉ là tập hợp của khoảng 27KB thông tin, với rất nhiều điểm ảnh (pixels), mỹ nhân không tồn tại. Đối với con mọt giấy, nó chẳng thấy có mỹ nhân gì cả, những điểm ảnh cũng không tồn tại, nó chỉ biết chất liệu giấy là thứ nó có thể ăn được nếu ảnh được in trên giấy, còn ảnh điện tử thì hoàn toàn không tồn tại đối với nó.
Còn tính chất cứng đặc của vật chất (ví dụ chiếc xe) cũng chỉ là cảm giác do cường độ của 4 loại lực cơ bản của vật chất ấn định (lực yếu, lực mạnh, lực điện từ và lực hấp dẫn). Lực mạnh kết nối các hạt quark tạo ra các hạt proton và neutron hết sức kiên cố làm hạt nhân nguyên tử. Lực điện từ tạo ra các nguyên tử và phân tử vật chất. Có cái bền là chất rắn, có cái không bền là chất lỏng, chất khí…
Vậy các lực đó vốn có sẵn như vậy hay từ đâu mà có. Phật giáo nói rằng các lực đó cũng chỉ là thói quen cố chấp của chúng sinh gán ghép vào chứ cũng chẳng phải vật chất có tự tính như vậy. Bằng chứng là các nhà đặc dị công năng có thể dùng tâm lực của mình điều khiển vật chất.
Ví dụ Trương Bảo Thắng có thể dùng tâm lực lấy các viên Thu*c ra khỏi chai thủy tinh mà không cần mở nắp. Hầu Hi Quý có thể đập bẹp một chiếc đồng hồ tay rồi dùng tâm lực phục nguyên, đồng hồ vẫn chạy tích tắc trở lại như chưa hề bị đập. Thần thông hay đặc dị công năng chứng tỏ rằng 4 lực cơ bản của vật chất cũng là do Tâm gán ghép. Phật giáo nói rằng vật hay pháp vốn không có thật, chỉ là ảo thôi, sự thật chỉ là tánh Không.
Tóm lại Danh và Sắc đều là sản phẩm do Tâm tạo ra, những đặc tính gì của chúng cũng đều do Tâm gán ghép chứ vật không có tự tính. Tính chất phi hiện thực (non realism) của vật chất, kể từ thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris, đã được khoa học xác nhận chắc chắn. Nó chứng tỏ giả thuyết EPR của nhóm Einstein là sai lầm. Einstein tuy sai lầm nhưng lại càng nổi tiếng, vì giả thuyết EPR thúc đẩy cho con người nghiên cứu, đạt được tiến bộ rất lớn về vật lý lượng tử.
Đến năm 2008, khi nhân loại đã có internet và những phương tiện đo đạc chính xác hơn nữa, Nicolas Gisin và đồng sự tại đại học Geneva, Thụy Sĩ tiến hành lại thí nghiệm này, mà người ta gọi là hiện tượng vướng víu hay liên kết lượng tử (quantum entanglement). Họ làm cho một photon xuất hiện đồng thời ở hai vị trí cách xa nhau 18km. Nếu họ tác động vào một photon thì photon kia bị tác động theo tức thời, bất kể khoảng cách là bao xa. Giả sử cho rằng tín hiệu truyền đi từ photon này tới photon kia, thì vận tốc truyền phải gấp hơn 10 triệu lần tốc độ ánh sáng, điều đó trái với định đề của Einstein nói rằng tốc độ ánh sáng là cao nhất trong vũ trụ. Người ta bị buộc phải đi đến kết luận rằng khoảng cách không gian (18 km trong thí nghiệm) là không có thật, chỉ là do Tâm tạo.
Đến năm 2012, Maria Chekhova của đại học Mat-xcơ-va tiến hành lại thí nghiệm, có thể cho một photon xuất hiện đồng thời tại 100.000 vị trí khác nhau, tất cả chúng đều bị vướng víu (entangled). Điều đó chứng tỏ số lượng vật chất không có thật, chỉ là ảo, cũng chỉ là do Tâm tạo.
Tâm ý của người quan sát làm ảnh hưởng tới vật chất, thậm chí quyết định vật chất, còn được chứng tỏ rõ ràng trong thí nghiệm hai khe hở (Double Split Experiment).
Vậy có thể kết luận, y chang như Đức Phật đã tuyên thuyết từ lâu trong kinh điển Phật giáo, các pháp là vô thường, chỉ là huyễn ảo, không có tự tính, chỉ là do Tâm tưởng tượng.
Nhân mùa World Cup đang diễn ra, tôi xin được lạm bàn về vô thường với những sự kiện thể thao, đặc biệt là trong môn bóng đá.
World Cup 2014 diễn ra từ ngày 12-06-2014 tại Bara-xin đến nay đã được hơn một tuần với những diễn biến rất bất ngờ không thể nào suy đoán được. Bất ngờ nhất là đội Tây Ban Nha, đương kim vô địch World Cup, đoạt cúp vàng năm 2010 tại Nam Phi. Tây Ban Nha còn là vô địch bóng đá Âu châu hai lần liên tiếp, 2008 tại Áo và Thụy Sĩ (trận chung kết thắng Đức 1-0), 2012 tại Ba Lan và Ukraina (trận chung kết thắng Ý 4-0). Thế nhưng tại Bra-xin lần này, Tây Ban Nha đã thua đậm tới mức khó tưởng tượng nổi, thua Hà Lan 1-5 và thua Chi Lê 0-2, bị loại ngay tại vòng đấu bảng. Bất ngờ còn xuất hiện tại bảng D khi Costa Rica bị coi là đội lót đường khi nằm cùng bảng với 3 nhà cựu vô địch là Uruguay, Italy và Anh, thế nhưng Costa Rica đã thắng Uruguay 3-1, thắng Italy 1-0, trong khi đội Anh thua liền hai trận trước Uruguay và Italy nên bị loại sớm.
Báo chí thế giới đã không tiếc lời chê bai đội Tây Ban Nha, thậm chí có báo còn nói rằng ngay cả đội Việt Nam cũng có thể thắng Tây Ban Nha.
Từ lúc Tây Ban Nha đoạt cúp vô địch Âu châu năm 2008, rồi đoạt cúp vô địch Thế giới năm 2010, rồi lần thứ hai liên tiếp đoạt cúp vô địch Âu châu năm 2012, 6 năm qua, đội bóng đã được ca tụng tận mây xanh. Bây giờ hết thời, đã rơi xuống tới địa ngục. Đó là biểu hiện vô thường. Tất nhiên là đội Tây Ban Nha không thể vô địch mãi mãi, ứng với ý nghĩa thứ nhất của vô thường. Đội Tây Ban Nha có thể bị thảm bại nặng nề không thể đoán trước ứng với ý nghĩa thứ hai của vô thường.
Báo chí thế giới thi nhau bình luận nhưng họ không thực sự hiểu tại sao Tây Ban Nha lại bị thảm bại đến mức như vậy. Thứ nhất họ tưởng nhầm rằng đội Tây Ban Nha đoạt được mấy cúp vô địch là nhờ tài năng của huấn luyện viên và cầu thủ. Nếu sự thật đúng là như vậy thì một nước giàu có nào đó bỏ ra thật nhiều tiền thuê huấn luyện viên tài ba nhất và đào tạo thật bài bản, thật kỹ lưỡng, những cầu thủ tài ba thượng thặng nhất, thì sẽ mãi mãi vô địch.
Sự thật không có chuyện đó, kể cả đội tuyển quốc gia và đội tuyển câu lạc bộ. Nên nhớ rằng đội tuyển câu lạc bộ có quyền thuê huấn luyện viên và cầu thủ tài ba nhất thế giới miễn là có đủ tiền. Những câu lạc bộ bóng đá lớn như Real Madrid và Barcelona của Tây Ban Nha trong thực tế đã làm như vậy, nhưng không phải lúc nào họ cũng đoạt cúp Champions League (cúp vô địch của Liên đoàn Bóng đá Âu châu- UEFA=Union of European Football Association).
Còn nếu nói rằng tài năng của huấn luyện viên và cầu thủ hoàn toàn không có tác dụng gì, cũng không đúng. Bằng chứng là đội tuyển Trung Quốc dù có nhiều tiền, dù có khả năng tuyển chọn cầu thủ giỏi từ một dân số khổng lồ, mà vẫn còn thiếu tài năng, nên chỉ mới một lần duy nhất lọt vào vòng 32 đội dự vòng chung kết World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thực tế là các đội bóng bị tác dụng của định lý bất toàn, không thể khẳng định cũng không thể phủ định tài năng của huấn luyện viên và cầu thủ đối với việc đoạt cúp vô địch. Có nghĩa là nếu không có tài năng thì không thể đoạt cúp, mà có tài năng cũng không chắc sẽ đoạt cúp. Đội bóng Tây Ban Nha là một ví dụ rõ ràng, không thể nói là họ thiếu tài năng, vì La Roja (đội quân màu đỏ) có đầy những ngôi sao như Casillas, Iniesta, Hernandez, Fabregas, Silva, Torres, Rodriguez, Costa…
Những phân tích của các bình luận viên chỉ là nói ngoài da, bởi vì nếu những phân tích đó đúng thì đã có thể áp dụng để đem lại kết quả. Thực tế là họ chỉ đưa ra bình luận sau trận đấu, sau khi mọi việc đã rồi. Còn những nhận định trước trận đấu thì thường là sai bét, bằng chứng là không có một người nào dự đoán nổi Tây Ban Nha sẽ thua Hà Lan 1-5. Cũng không ai dự đoán trận thứ hai Tây Ban Nha sẽ thua Chi Lê 0-2, để rồi sẽ phải xách va-li về nước sớm.
Hình ảnh thảm bại của đội Tây Ban Nha, một cầu thủ kéo áo lên lau nước mắt, thủ môn đội trưởng Casillas mặt thất thần, không hiểu tại sao để bóng lọt lưới nhiều đến thế!
Trong trận Đức gặp Bồ Đào Nha ngày 16-06-2014 cũng không ai dự đoán đội quân của ngôi sao số 1 thế giới Ronaldo sẽ thua Đức đến 4 bàn không gỡ (0-4). Những kết quả đó là không thể dự đoán, các kết quả bị ảnh hưởng của nguyên lý bất định, không thể dự đoán được.
Thế nhưng, hãy nhớ lại World Cup 2010 tại Nam Phi, tại sao bạch tuộc Paul lại có khả năng tiên đoán chính xác 100% kết quả 8 trận đấu trong đó 7 trận có đội Đức tham dự và trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan ? Điều đó có mâu thuẫn với nguyên lý bất định không?
Tôi cho rằng không phải bạch tuộc Paul tiên đoán. Nó không có khả năng đưa ra một tiên đoán. Nó chỉ đơn giản lặp lại những hành vi mà nó đã từng làm, và những hành vi đó lại trùng khớp với những điều sắp xảy ra tại World Cup Nam Phi. Thế thì những điều chúng ta tưởng mới diễn ra lần đầu tiên, thực tế đã diễn ra nhiều lần rồi tại những nơi nào đó trong Tam giới.
Bậc giác ngộ như Đức Phật nắm được hết mọi thông tin chứa trong A-lại-da thức thì tất nhiên thấu suốt quá khứ vị lai. Thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không có thật, tất cả chỉ là giả lập. Giống như một cuốn phim, máy chạy đến đâu thì nơi đó là hiện tại, trước đó là quá khứ, sau đó là vị lai. Cuốn phim dừng lại thì không có gì nữa cả, chỉ là tánh không hoặc a-lại-da mà thôi. Ta đã xem cuốn phim rồi thì biết kết cục, đó không phải là tiên đoán hay dự đoán mà là biết chắc, nó không thể sai chạy đi đâu được. Đó là lý do giải thích tại sao bạch tuộc Paul có thể chỉ ra trước và chính xác kết quả các trận đấu.
Đó cũng là lý do giải thích vì sao ngài Trí Dược Tam Tạng có thể nói trước rằng 170 năm sau, Huệ Năng sẽ đến trụ trì chùa Bảo Lâm và làm cho Thiền tông hưng thịnh. Nó cũng giải thích vì sao quan thái sử Tô Do đời Chu Chiêu Vương có thể nói chính xác 1000 năm sau Phật pháp sẽ truyền đến Trung Quốc, lời nói đó được ghi vào bia đá để làm bằng chứng (sự tích chép trong Chu Thư Dị Ký, bia nằm tại Phong Cảo Di Chỉ phía tây sông Phong, tây nam Trường An, tỉnh Thiểm Tây) mặc dù lúc đó bên Thiên Trúc, ngay cả Đức Phật cũng chưa xuất hiện. Những câu chuyện này xác nhận một câu trong kinh Kim Cang mà một bà già bán bánh đã nêu ra với sư Đức Sơn Tuyên Giám “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.” Điều này cũng có nghĩa là thời gian không có thật, quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có thật, đều chỉ là tưởng tượng của bộ não, của nhất niệm vô minh. Nó cũng có nghĩa các pháp đều là vô sinh pháp nhẫn, không có bắt đầu, không có kết thúc, tất cả chỉ là ảo hóa, không phải thật.
Trở lại với World Cup 2014, nhân tố nào quyết định đội Tây Ban Nha, đương kim vô địch thế giới, phải xách gói ra về sớm ngay sau khi vòng đấu bảng kết thúc ? Tôi cho rằng không phải như những phân tích bình luận hời hợt của các chuyên gia bóng đá. Ví dụ :
“The Guardian (Anh): Tây Ban Nha bị loại. Thánh địa Maracana trở thành nơi kết thúc kỷ nguyên tiki-taka. Nhà vô địch thế giới lẫn châu Âu trở thành đội bóng đầu tiên bị loại tại World Cup 2014, Tây Ban Nha lần đầu tiên bị loại tại một giải đấu lớn sau 8 năm. Tây Ban Nha thất bại bởi sự chậm chạp và thiếu chính xác trong những đường chuyền, thứ vốn dĩ là đặc sản của họ. Iniesta vẫn không đánh mất hình ảnh của một tài năng xuất chúng, nhưng anh mất đi những đồng đội xuất sắc ở xung quanh.”
Tại sao họ chậm chạp và thiếu chính xác trong những đường chuyền ? Tại sao Iniesta mất đi những đồng đội xuất sắc ở chung quanh ? Nói như vậy chẳng khác nào nói gió làm cho phướn động. Vấn đề là cái gì khiến họ trở nên như vậy. Họ không thể làm chủ được mình, họ bị chi phối bởi một sức mạnh vô hình nào đó khiến không thể thực hiện được ý muốn mặc dù họ không hề thiếu tài năng. Chính vì không xét tới những nhân tố sâu xa như vậy nên các chuyên gia bóng đá chỉ biết bình luận hời hợt đại loại như thế, khi thắng thì khen ngợi hết lời, khi thua thì chê bai thậm tệ.
Chỉ là vì trong cuốn phim lịch sử bóng đá, thời kỳ vinh quang của đội Tây Ban Nha đã hết, vô thường đã đến với họ. Vô thường đã đến với mọi đội bóng chứ không riêng gì đội Tây Ban Nha. Chúng ta cứ quay ngược cuốn phim lịch sử bóng đá thì sẽ thấy.
Đội Italy vô địch năm 2006 tại Đức thì đến 2010 tại Nam Phi, họ cũng phải xách gói ra về sau vòng bảng như Tây Ban Nha hiện nay. Đội Pháp vô địch năm 1998 trên quê nhà của họ, thì đến giải năm 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản, họ thất bại thảm hại, không ghi nổi một bàn thắng và cũng phải xách gói về sớm. Ngay cả đội Braxin, vô địch năm 1958 tại Thụy Điển và sở hữu cầu thủ số một thế giới lúc đó là Pele, thế nhưng tại giải 1966 trên đất Anh, đội Braxin cũng phải xách gói về sớm không qua nổi vòng loại sau khi thua Bồ Đào Nha và Hungary với cùng tỉ số 1-3.
Họ đã chuẩn bị rất công phu và kỹ càng, hừng hực khí thế để bảo vệ chức vô địch chứ không phải thiếu quyết tâm, hay thiếu chuẩn bị, nhưng thực tế là họ không thể làm chủ được số phận của mình, họ bị sức mạnh của sự vô thường đẩy văng đi.
Vô thường xuất hiện trong bất kỳ lĩnh vực nào, đối với một cá nhân, một tập thể hay một quốc gia cũng thế. Vật nhỏ thì thời gian có thể ngắn ngủi hơn, vật lớn thì thời gian có thể lâu dài hơn, nhưng cuối cùng thì vô thường cũng biểu hiện. Chẳng hạn đối với quốc gia, đế quốc La Mã từng một thời lừng lẫy, ngày nay chỉ còn lại một số di tích. Đế quốc Anh từng có thời tự hào là mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ của mình, nghĩa là nó trải rộng đến mức khi mặt trời sắp lặn ở phía tây, thì đã ló dạng ở phía đông; nhưng ngày nay chỉ còn là một quốc gia có diện tích rất khiêm tốn, tổng lực quốc gia cũng chỉ ở mức trung bình. Nước Mỹ từ sau Thế chiến II nổi lên là nước hùng cường nhất thế giới, nhưng ngày nay đang suy yếu rõ rệt, không còn đủ sức làm cảnh sát quốc tế.
Trong môn thể thao bóng đá, Braxin đã năm lần đoạt cúp vô địch thế giới, dân chúng say mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Thế nhưng lần này khi World Cup diễn ra tại đất nước Nam Mỹ này, nhiều dấu hiệu bất thường đã xảy ra. Một số công trình không hoàn thành kịp trước ngày khai mạc, ví dụ sân bay quốc tế Manaus. Chính phủ tiến hành nâng cấp sân vận động Arena Corinthians (Sao Paulo) một cách vội vàng khiến xảy ra T*i n*n ch*t người là điều đáng tiếc. Ngoài ra đường tàu điện dài 17.7 km được xây dựng để phục vụ cho World Cup - nối sân bay nội địa Congonhas với các ga tàu điện ngầm đã bị chậm tiến độ, chưa kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, cho đến ngày khai hội nhưng các sân vận động tại Sao Paulo, Curitiba, Cuiaba và Natal vẫn chưa thực sự hoàn thành. Có tới 6/10 người dân Braxin muốn chính phủ giảm chi tiêu cho World Cup để tăng cường phục vụ việc giảm nghèo đói, bệnh tật và giao thông công cộng. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ phản đối việc chi tiêu cho World Cup. Cuộc sống khó khăn tới nỗi nhiều người dân sẵn sàng từ bỏ niềm vui cố hữu của mình.
Lễ khai mạc của ngày hội bóng đá thế giới đã diễn ra 25 phút, tốn 90 triệu USD nhưng không đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng người hâm mộ cũng là một điều bất thường đáng tiếc khác. Hai điều được chờ đợi nhất là quả cầu LED trị giá 15 triệu USD và ca khúc chính thức của World Cup “We are one” do 3 ca sĩ Jennifer Lopez, Pitbull và Claudia Leitte trình bày, đều được đón nhận một cách hờ hững.
Vì trình diễn vào ban ngày nên hiệu ứng đèn LED của quả cầu đắt giá không đem lại hiệu quả như mong đợi. Nó kém xa những gì mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm ở World Cup 2002, khi lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối, và những quả cầu pha lê cùng đèn LED khi ấy đã phát huy tối đa hiệu quả ánh sáng.
Những bất thường kể trên khiến World Cup lần này không được như mong đợi, tuy nhiên về mặt chuyên môn, chất lượng các trận đấu có phần hấp dẫn vì số bàn thắng của các trận đấu cho đến nay có phần cao hơn các lần trước, trung bình mỗi trận có 3 bàn thắng. Riêng trận Hà Lan – Tây Ban Nha có 6 bàn thắng, trận Pháp – Thụy Sĩ có 7 bàn thắng. Thế thì ngoài những bất thường tiêu cực, cũng có bất thường tích cực.
Cho tới ngày 09-07-2014, một sự vô thường đáng kinh ngạc hơn nữa đã xảy ra khi đội Bra-xin, 5 lần vô địch thế giới đã thua thê thảm trước đội Đức ở trận bán kết với tỉ số 1-7. Thông thường thì ở các trận đấu knock-out quyết liệt, các đội thường ngang tài ngang sức nên kết quả thông thường chỉ hơn nhau một bàn thắng, ví dụ ở vòng tứ kết, Đức thắng Pháp 1-0, Bra-xin thắng Colombia 2-1, Argentina thắng Bỉ 1-0. Hà Lan phải phân định thắng thua với Costa Rica bằng sút luân lưu 11m, kết quả Hà Lan thắng 4-3.
Thế mà trong trận bán kết, Đức đã làm thủng lưới Bra-xin tới 7 lần, thật khó tưởng tượng nổi. Các nhà bình luận bóng đá cho rằng Bra-xin thất bại thê thảm như vậy vì thiếu vắng Silva ở hàng phòng thủ và Neymar ở hàng tiến công, nên chỉ trong 29 phút đầu hiệp một, Bra-xin bị thủng lưới tới 5 bàn.
Nhưng sự thật có thể không phải như vậy nếu chúng ta biết được cuốn phim vô thường của vũ trụ. Số phận đã an bài như thế thì dù có Neymar và Silva, kết quả cũng vẫn như thế, chân cẳng của các cầu thủ Bra-xin không thể điều khiển theo ý muốn của họ. Nói như vậy có cơ sở không ? Xin thưa là có.
Chẳng hạn trong trận đấu đầu tiên tại World Cup 2014 của đương kim vô địch Tây Ban Nha; họ có đầy đủ các ngôi sao trong đội hình, không thiếu vắng trụ cột nào, thế mà vẫn bị thủng lưới 5 bàn trước đội Hà Lan. Nhân tố quyết định không phải là tài năng và ý thức của họ, mà là do sự lựa chọn vô ngã của miền sóng tần số (frequency domain) theo kịch bản của nghiệp thức.
Thảm bại của Bra-xin, đội trưởng David Luiz (áo vàng) cúi gầm mặt |
Lập luận này càng được chứng minh thêm trong trận đấu tranh hạng ba diễn ra vào lúc 3g (giờ VN) ngày 13-07-2014. Trung vệ Silva đã trở lại thi đấu trong đội tuyển Bra-xin, thế nhưng Bra-xin vẫn thua đậm 0-3 trước đội Hà Lan, chứng tỏ không phải vì thiếu vắng Silva, Bra-xin mới thua đậm, có mặt Silva vẫn thua đậm như thường.
Và ở đây, chúng ta không chỉ bàn về chuyên môn bóng đá, sự kiện diễn ra trên sân cỏ chỉ là thể hiện nguyên lý vô thường của vũ trụ. Quả bóng cũng giống như một hạt electron, nó sẽ lăn theo nguyên lý bất định của Heisenberg và định lý bất toàn của Kurt Godel, nghĩa là không thể dự đoán trước kết quả. Mọi dự đoán đều có thể đúng mà cũng có thể sai, không có dự đoán nào chắc chắn, chỉ trừ trường hợp có huệ nhãn, biết được thiên cơ, giống như bạch tuộc Paul trong World Cup 2010 tại Nam Phi.
Nhưng đó không phải là dự đoán nữa mà là nắm được cuốn phim của vũ trụ, không còn thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai nữa. Vũ trụ vạn vật là một cuốn phim do Tâm làm sẵn nên Tâm giác ngộ (còn gọi là Chánh biến tri) biết chắc việc gì sẽ xảy ra cả ngàn năm sau, giống như trường hợp Tô Do đời Chu Chiêu Vương, biết trước Đạo Phật sẽ truyền đến Trung Quốc 1000 năm sau, mặc dù lúc ông đưa ra dự báo, Thích Ca cũng chưa ra đời, phải 400 năm sau đó Thích Ca mới xuất hiện tại Ấn Độ, và 600 năm sau nữa, Đạo Phật mới chính thức truyền đến Trung Quốc dưới thời Hán Minh Đế (28-75 Công nguyên).
Những sự kiện này đều có ghi trong sử sách và có bia đá làm bằng chứng [văn bản ngoài Chu Thư, còn có tài liệu ghi chép tại chùa Bạch Mã (Bạch Mã Tự Bi Ký), thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam]
Một số học giả Phật giáo Trung Quốc dựa vào bia của Chu Chiêu Vương, cho rằng Thích Ca đã ra đời cách nay 3000 năm. Nhưng thực tế không phải như vậy, lúc Chu Chiêu Vương dựa vào dự báo của quan Thái sử Tô Do, cho tạc văn bia để ghi nhớ, thì Thích Ca vẫn chưa ra đời, phải 400 năm sau nữa Thích Ca mới ra đời, vào khoảng năm 623 trước Công nguyên.
Tóm lại, trong mùa World Cup 2014 diễn ra tại Bra-xin, chúng ta đang chứng kiến sự vô thường diễn ra trong môn thể thao bóng đá.
Trước khi vòng chung kết Brasil 2014 diễn ra, tôi cảm thấy có nhiều triệu chứng bất thường như : nhiều người dân Bra-xin biểu tình phản đối world cup, mặc dù dân xứ này say mê bóng đá đến cuồng nhiệt, nhiều công trình thể thao không kịp hoàn thành mặc dù nhà nước hết sức ủng hộ. Đến khi giải đấu diễn ra, đội chủ nhà thảm bại thê thảm nhất từ xưa tới nay tại bán kết, tuy họ từng để vuột chiếc cúp vô địch năm 1950 trên sân nhà trước láng giềng Uruguay, nhưng đó là một trận thua bình thường với tỉ số 1-2, khác hẳn trận thua nhục nhã 1-7 trước Đức. Rạng sáng ngày 10-07-2014, trận bán kết thứ hai đã kết thúc với chiến thắng của đội Argentina 4-3 bằng sút luân lưu trước đội Hà Lan.
Như vậy, hai đội vào chung kết là Đức và Argentina. Đây là lần thứ ba hai đội này gặp nhau tại trận chung kết World Cup. Lần đầu tại Mexico năm 1986, Argentina thắng Đức 3-2. Lần thứ hai tại Italy năm 1990, Đức thắng Argentina 1-0. Lần thứ ba này tại Brasil năm 2014, chúng ta chờ xem. Theo luật vô hình thì hễ world cup diễn ra ở châu lục nào thì một đội của châu lục đó sẽ đoạt cúp. Xưa nay chỉ có một lần ngoại lệ duy nhất là vào năm 1958, khi giải diễn ra tại Thụy Điển, Âu Châu, nhưng một đội Nam Mỹ là Bra-xin đoạt cúp.
Liệu lần này có xảy ra ngoại lệ không ? Cuộc thi đấu giữa hai đội Đức và Argentina diễn ra khuya ngày 14-07-2014 (giờ VN) cho kết quả Đức thắng 1-0. Vậy là vô thường đã xảy ra lần thứ hai, trong 18 lần tổ chức World Cup tại Châu Âu và Châu Mỹ, hễ tổ chức ở châu nào thì một đội của châu lục đó đoạt cúp, đây là lần thứ hai ngoại lệ, đội Đức của Châu Âu đã đoạt World Cup lần thứ 20 tổ chức tại Bra-xin, Nam Mỹ (có hai lần giải tổ chức ngoài hai châu lục nói trên, lần đầu tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Châu Á năm 2002, lần hai tại Nam Phi, Châu Phi năm 2010).
Tóm tắt kỳ World Cup 2014 lần này, có 3 vô thường lớn: thứ nhất, đội đương kim vô địch Tây Ban Nha bị loại sớm ngay tại vòng đấu bảng; thứ hai, đội 5 lần vô địch Bra-xin thất bại thảm hại 1-7 trước Đức tại trận bán kết, và thua đậm 0-3 trước Hà Lan trong trận tranh huy chương đồng, ngay trên sân nhà; thứ ba đội Đức của Châu Âu đã đoạt cúp ngay trên thánh địa bóng đá của Nam Mỹ.
Nhưng điều chúng ta nên ý thức là vô thường diễn ra trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống thế gian. Do đó, vinh nhục là điều mà không ai tránh khỏi, dù có cẩn thận đến cỡ nào.