Thận , Tiết niệu hôm nay

“Vũ khí” nào cho người suy thận giai đoạn cuối chống lại đại dịch COVID-19?

Nếu trước đây, những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối lựa chọn chạy thận nhân tạo phải gắn bó cuộc đời với bệnh viện thì giờ đây họ có thể tự lọc máu tại nhà, mỗi tháng chỉ đến viện 1 lần. Giải pháp này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị suy thận ở xa các trung tâm thận nhân tạo, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam có 120.000 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối

Theo TS.BS Đào Bùi Quý Quyền - Trưởng khoa Nội Thận - Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối ở nước ta ngày càng gia tăng.

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tính đến tháng 7/2020, trong 120.000 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ở Việt Nam có trên 22.000 người đang được điều trị thay thế thận. Trong đó, khoảng 18.000 bệnh nhân lựa chọn lọc máu (bao gồm 16.000 người chạy thận nhân tạo và hơn 2.000 trường hợp lọc màng bụng), 4.000 người được ghép thận trong 20 năm qua.

Người bệnh được bác sĩ tại Trung tâm PD (lọc màng bụng) - Bệnh viện Chợ Rẫy khám và tư vấ. Ảnh: BSCC

Với phương pháp lọc màng bụng, sau khi được tư vấn và huấn luyện thuần thục, người bệnh hoặc thân nhân có thể tự thực hiện thủ công tại nhà. Ảnh: BSCC

TS Quyền cho biết, phương pháp chạy thận nhân tạo tuy hiệu quả nhưng hiện các trung tâm chạy thận nhân tạo trên cả nước đang quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu lọc máu ngày càng tăng. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay thì quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cần được quản lý nghiêm ngặt. Do đó, lọc màng bụng tại nhà được cân nhắc là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trước COVID-19.

Vì với phương pháp này, cuộc sống bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối không phải gắn với bệnh viện nhiều như chạy thận nhân tạo. Thay vì phải đến bệnh viện 3 lần/ tuần thì với lọc màng bụng chỉ cần 1 lần/ tháng để nhận dịch lọc, thậm chí trong dịch bệnh thời gian này được nới lỏng hơn có thể lên đến 2 tháng. Mặt khác, lọc màng bụng thực hiện tại nhà với quá trình thao tác đơn giản, dễ thực hiện nên giảm tải được chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Hiện nay, kỹ thuật lọc màng bụng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi và ngày càng phát triển hơn. Vì thế, điều đáng mừng là tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn phương pháp này có xu hướng tăng dần trong những năm qua.

Khi mới du nhập và ứng dụng rộng rãi vào Việt Nam từ năm 2004, cả nước chỉ có 3 đơn vị lọc màng bụng hạt nhân đầu tiên là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 với 27 bệnh nhân, đến nay qua gần 2 thập kỷ phát triển đã có 46 trung tâm lọc màng bụng trải dài từ Bắc chí Nam.

Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo hoàn toàn có thể chuyển sang lọc màng bụng

Thông thường, một quy trình lọc màng bụng sẽ bao gồm, chọn lựa bệnh nhân, tư vấn tiền lọc máu. Sau đó đặt catheter lọc màng bụng, trong khoảng thời gian này người bệnh sẽ được huấn luyện tự thay dịch lọc tại nhà, được kê toa Thu*c và hẹn lịch tái khám.

“Ở mỗi lần khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra đầy đủ các thông số, về sự tuân thủ của người bệnh, theo dõi các biến chứng hoặc các bệnh lý khác đi kèm để điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình theo dõi, nếu có vấn đề phát sinh bác sĩ điều trị sẽ giải quyết. Nếu liên quan đến vấn đề huấn luyện thì sẽ được hướng dẫn lại. Nếu vấn đề này không giải quyết được và bệnh nhân không thể tiếp tục lọc màng bụng thì sẽ được hướng dẫn chuyển qua phương pháp điều trị lọc máu khác” - TS Quyền cho biết.

Theo Trưởng khoa Nội Thận - Bệnh viện Chợ Rẫy, việc bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo hoàn toàn có thể chuyển qua lọc màng bụng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19. Theo khuyến cáo, bệnh nhân sau khi đặt catheter cần thời gian khoảng 2 tuần để vết mổ lành và catheter được cố định tốt. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân lọc màng bụng sớm, thậm chí sau khi đặt catheter 24 - 48 giờ là có thể lọc màng bụng, với điều kiện bệnh nhân lọc màng bụng bằng máy.

Cơ sở y tế và bệnh nhân lọc màng bụng cần lưu ý gì trong dịch bệnh COVID-19?

TS Quyền nhìn nhận, trước đây giới chuyên gia vẫn chưa nắm rõ mức độ nguy cơ bệnh suy thận mạn nhưng qua dịch COVID-19 đã bộc lộc vấn đề nóng, đa phần những bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là suy thận mạn giai đoạn cuối rất nhạy cảm với virus và tỷ lệ Tu vong cao.

Vì vậy, Hiệp Hội Lọc màng bụng Thế giới (ISPD) đã đưa ra chiến lược mới nhất 2020 nhằm đáp ứng trong điều kiện này, đặc biệt là những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối lựa chọn lọc màng bụng.

Trong đó, ISPD hướng dẫn cụ thể từ các biện pháp phòng ngừa cho bệnh nhân lọc màng bụng, các chương trình quản lý ở trung tâm và quản lý bệnh nhân lọc màng bụng tại nhà, đến các biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế, chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở bệnh nhân lọc màng bụng, các bước tiến hành chuẩn xác ở những bệnh nhân lọc màng bụng khi nhập viện.

Các bước thay dịch lọc màng bụng rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được huấn luyện kỹ để tự thay dịch hàng ngày tại nhà một cách dễ dàng

Về các biện pháp phòng ngừa dành cho bệnh nhân lọc màng bụng, ISPD khuyến cáo cần thực hiện sàng lọc ban đầu COVID-19 với tất cả các bệnh nhân có kế hoạch đến bệnh viện tái khám thông qua điện thoại và/hoặc gửi tin nhắn hỏi về triệu chứng.

Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ hoặc nếu không khỏe vì có sốt, ho thì khuyên nên liên lạc với cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp bắt buộc bệnh nhân đến đơn vị lọc màng bụng (như có triệu chứng nghi ngờ viêm màng bụng) thì nên được kiểm tra bằng các bước kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp.

Tại đơn vị lọc màng bụng, trong thời gian dịch bệnh phức tạp nên tránh những thủ thuật không cần thiết, thực hiện giãn cách từ 1,5-2m. Đồng thời, cân nhắc xác định những bệnh nhân đến từ nơi có nguy cơ hoặc vùng dịch, xuất hiện triệu chứng đến phòng chờ cách biệt.

Mặt khác, nên kiểm soát số lượng bệnh nhân cho mỗi đợt tái khám và đừng bỏ qua những bước vệ tay, đeo khẩu trang. Các cơ sở y tế nên thực hiện sàng lọc trước khi bệnh nhân vào bệnh viện bằng cách đo nhiệt độ, điền tờ khai y tế, xét nghiệm các bệnh nhân nghi ngờ COVID-19. Quy trình làm việc  trong thời gian này nên nhanh, gọn để bệnh nhân tránh ở lâu, tiếp xúc với nhiều người.

Đối với những bệnh nhân lọc màng bụng tại nhà nên được cung cấp đầy đủ dịch và vật tư tiêu hao để thực hiện lọc màng bụng trong thời gian này, hạn chế tối đa hoặc ngừng việc nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe đến khám tại nhà. Bệnh nhân chỉ nên ở tại chỗ, tránh các hoạt động xã hội.

Đối với bệnh nhân/ gia đình có tiền sử dịch tễ phải thông báo cho trung tâm lọc màng bụng và tự cách ly trong vòng 14 ngày, giãn cách xã hội với các thành viên trong gia đình, rửa tay thường xuyên, sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa alcohol.

Đặc biệt, cần trung thực khi cung cấp thông tin cho nhân viên y tế về các triệu chứng. Tốt nhất trong thời gian này, ISPD khuyến cáo nên quản lý bệnh nhân từ xa bằng nhiều cách khác nhau (nhắn tin, gọi điện có hình ảnh) để bệnh nhân không phải đến bệnh viện mà qua đó vẫn có thể tư vấn kịp thời. Cuối cùng các điều dưỡng phải liên lạc đều đặn với bệnh nhân, xác định và xử lý những trường hợp nặng đúng cách.

Đối với bệnh nhân lọc màng bụng nhập viện, bác sĩ cần cân nhắc những trường hợp chưa cấp thiết thì có thể trì hoãn, xếp lịch sau đó. Nếu phải nhập viện thì thực hiện tầm soát COVID-19 cho tất những trường hợp nghi ngờ.

Về vấn đề quản lý các trường hợp nhiễm COVID-19 tương tự như những bệnh nhân khác, ISPD đề nghị các trung tâm lọc màng bụng nên tách biệt bệnh nhân nội trú và ngoại trú để thuận tiện hơn khi chăm sóc và theo dõi.


Nguồn: Phương Nguyên - AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 17:06 31/08/2020 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/vu-khi-nao-cho-nguoi-suy-than-giai-doan-cuoi-chong-lai-dai-dich-covid-19-n411846.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY